Xã hội

Ngày đại thắng trong ký ức những người lính đất Mỏ

Nhóm PV Đông Bắc 27/04/2025 09:08

50 năm đã qua, nhưng niềm tự hào về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn sống mãi với những người lính đã trực tiếp chiến đấu và may mắn trở về. Ký ức hào hùng đó mãi là bản hùng ca vang vọng trong cuộc sống hôm nay.

anh 1
Ông Nguyễn Quốc Chiến (bên trái) cùng đồng đội Ngô Đức Nhậm (cùng Sư đoàn 344 Đoàn Sông Lam) ôn lại kỷ niệm qua những tấm ảnh. Ảnh: Nguyễn Quý.

Kỷ niệm không quên của Trung đội phó

Khoảng 9 giờ sáng 27/3/1975, trong căn hầm chỉ huy tại chốt Tây Chơn Thành (thuộc tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Phước), Trung đội phó Nguyễn Quốc Chiến nghe có tiếng máy bay trinh sát L19 lượn nhẹ trên bầu trời. Linh tính mách bảo người chiến sĩ có điều gì đó chẳng lành. Ông Chiến hô đồng đội: “Tất cả xuống hầm”. Chỉ 10 phút sau tiếng hô ấy, trận mưa bom đã dội xuống hầm. 2 chiến sĩ hy sinh, khoảng 10 người khác bị thương, trong đó có Trung đội phó Nguyễn Quốc Chiến.

Đó là một trong những kỷ niệm không thể nào quên đối với ông Chiến. Trong căn nhà ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Mạo Khê (TP Đông Triều, Quảng Ninh), những dòng ký ức như những thước phim chạy trong đầu, rồi được ông Chiến chuyển tải đến tôi bằng những lời kể.

Ngày 4/1/1972, chàng thanh niên 19 tuổi Nguyễn Quốc Chiến hân hoan nhập ngũ, sau 2 lần khám tuyển quân trước đó không đủ tiêu chuẩn vì quá gầy. Tiểu đoàn 812, Trung đoàn 8, Quân khu Tả Ngạn là đơn vị đầu tiên của người chiến sĩ quê hương đất mỏ Mạo Khê. Ngày 3/8/1972, Trung đoàn 36B, Sư đoàn 308B (trực thuộc trực tiếp Bộ Quốc phòng) được thành lập, chiến sĩ Nguyễn Quốc Chiến được nhận vào đơn vị. Ngày công bố thành lập Trung đoàn cũng là ngày ông Chiến cùng đơn vị hành quân vào chiến trường khói lửa.

Tháng 1/1975, đơn vị hành quân từ Vĩnh Linh (Quảng Trị) vào chiến trường miền Nam, 13 ngày sau đã đặt chân tới Phước Long. Lúc này Trung đoàn 36B đã sáp nhập vào Sư đoàn 341 – Đoàn Sông Lam (Quân khu 4), một đơn vị lẫy lừng, lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, được Quốc hội và Chính phủ 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

anh 2
Ông Bùi Công Vinh chia sẻ về trang nhật ký chiến trường khắc họa lại chiến thắng của tiểu đội cùng quê Quảng Ninh.

“Vừa hạ ba lô xuống là chúng tôi xách súng lên chốt chiến đấu. Cả một dải chiến trường khốc liệt từ Dầu Tiếng, tiến đến Dầu Giây, Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, trong đó mặt trận Xuân Lộc là then chốt nhất, mang tính chất quyết định trước khi thọc thẳng vào Sài Gòn” – ông Chiến kể.

Chiều 30/4/1975, ngồi trên chiếc xe Zin 157 tiến về Sài Gòn, sau khi cùng đồng đội đánh chiếm được sân bay Biên Hòa, ông Chiến trào dâng hân hoan với tin vui thắng trận từ Sài Gòn – Gia Định.

Sau khi trở về quê hương, trải qua 18 năm đảm nhiệm chức vụ Khu trưởng khu Hoàng Hoa Thám (từ năm 2000 - 2018) và giờ là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu Hoàng Hoa Thám (phường Mạo Khê, TP Đông Triều), phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được rèn rũa trong quân ngũ vẫn luôn là kim chỉ nam giúp ông Chiến trở thành tấm gương mẫu mực trong cuộc sống gia đình, là công dân trách nhiệm trong tổ dân, khu phố.

Niềm vui ngày trở về

Cho đến bây giờ, ông Bùi Công Vinh (SN 1949, quê quán thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), Tiểu đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324 vẫn nhớ như in niềm hạnh phúc của ngày trở về đoàn tụ bên gia đình sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1968, ông cùng hàng trăm thanh niên vùng Mỏ Quảng Ninh lên đường nhập ngũ. Trong đó, có hơn 100 người đồng hương Quảng Yên với ông Vinh. Ông cùng các đồng đội đã trực tiếp tham gia và góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (tháng 3/1975), là căn cứ quan trọng của trận quyết chiến cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đã 3 lần vinh dự nhận danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau những ngày tháng binh lửa cam go, độc lập được giành lại nhưng gần một nửa số chiến sĩ Quảng Yên cùng vào sinh ra tử với ông Vinh đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Chứng kiến những thời khắc tự hào của lịch sử, ông Vinh thấm thía giá trị của độc lập, tự do và tâm niệm rằng phải biến đau thương thành hành động.

anh 3
Cựu chiến binh Lê Long Triệu (Đông Triều, Quảng Ninh) cùng vợ ôn lại kỷ niệm những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội. Ảnh: Ngọc Anh.

Trở về quê hương, ông được tín nhiệm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền địa phương. Quá trình công tác, ông Vinh đã có nhiều đóng góp làm thay đổi diện mạo nông thôn xã Phong Hải, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin yêu.

Năm 2007, khi về hưu, ông tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ rồi sau đó đảm nhận làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam phường Phong Hải và tích cực tham gia công tác Mặt trận tại địa phương.

Noi gương cha, các con của ông Vinh đều nỗ lực học tập, phấn đấu. Được vun đắp lý tưởng cách mạng và thấm nhuần truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, hai người con trai của ông Vinh đã lựa chọn theo binh nghiệp và hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy quân sự TP Đông Triều và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh...

Sống trong thời bình không quên đồng đội đã hy sinh

Cựu chiến binh Lê Long Triệu (SN 1952, ở Đông Triều, Quảng Ninh) là bộ đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 4 - T40 anh hùng từng nổi danh ở chiến trường Nam Bộ. Ông cùng đồng đội từng vào sinh ra tử giữa những vòng vây đạn, pháo, xe tăng của Mỹ - ngụy. Trở về sau chiến tranh với tỷ lệ thương tật 81%, là thương binh hạng 1/4, thế nhưng với nghị lực và tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, ông Triệu vẫn đi nhiều nơi nói chuyện, truyền cảm hứng, động viên tinh thần bộ đội, thương binh, bệnh binh… Bên cạnh đó, ông còn mở cơ sở sản xuất đồ gỗ ở quê hương Đông Triều để phát triển kinh tế và tạo việc làm cho thương binh, thanh niên khuyết tật.

Dù chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng chưa bao giờ ông Triệu nguôi ngoai nỗi nhớ về những người đồng đội xưa. Ông luôn đau đáu tâm niệm được trở về chiến trường năm xưa, dành tất cả thời gian, tâm huyết để kiếm tìm và đưa hài cốt những người đồng đội đã hy sinh về với quê hương.

“Tôi và đồng đội đã thành lập Ban liên lạc Đoàn T40 đặc công và được anh em tín nhiệm bầu tôi làm trưởng ban liên lạc. Từ năm 2007 đến 2018, chúng tôi đã thực hiện được 9 chuyến đi vào chiến trường xưa ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và sang cả chiến trường Campuchia để tìm 10 hài cốt đồng đội. Có những cuộc tìm kiếm mất cả tháng trời trong rừng sâu, nhất là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại chiến trường Tây Ninh, nơi chôn cất người đồng đội bị bom Mỹ cày phá, hài cốt không còn nguyên vẹn, không xác định được danh tính, phải xét nghiệm ADN. Có những chuyến đi kéo dài hàng tuần, hàng tháng, băng rừng vượt núi với mong mỏi đưa các đồng đội về với quê hương…” - ông Triệu chia sẻ.

Để thực hiện những chuyến đi ý nghĩa đó, ông Triệu đã dành toàn bộ số tiền mà mình tiết kiệm... Đồng hành cùng với ông Triệu còn có người vợ hết lòng yêu thương, ủng hộ ông đi theo để chăm sóc ông trong những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội đầy gian nan.

Sau năm 2018, do điều kiện sức khỏe không cho phép, ông Triệu đành phải tạm gác lại hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Thế nhưng tâm nguyện tìm kiếm, đưa đồng đội về với quê hương, người thân vẫn luôn cháy bỏng trong tim của người lính đặc công ấy…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày đại thắng trong ký ức những người lính đất Mỏ