Vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là sự kiện chính trị trọng đại, dấu mốc lịch sử, mở ra một thời kỳ mới trong điều hành và tổ chức bộ máy nhà nước - tinh gọn hơn, hiệu lực hơn và gần dân hơn.
Tại xã vùng biên Pù Nhi, mọi hoạt động nơi công sở diễn ra như thường lệ do các xã thuộc huyện Mường Lát cũ không tiến hành sáp nhập để thực hiện định hướng giữ ổn định số lượng xã, thị trấn biên giới giáp nước bạn Lào.
Tuy nhiên, người dân và cán bộ, công chức của xã đều rất phấn khởi trước dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước và của tỉnh, khi đưa vào hoạt động bộ máy chính quyền 2 cấp.
Trong bước chuyển mình trọng đại này, người dân Pù Nhi đều mong muốn: Khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, sẽ góp phần rút ngắn các khâu xử lý hành chính để thủ tục được nhanh gọn, rõ ràng, tiết kiệm thời gian. Với người dân có trình độ dân trí chưa cao, nhất là người dân tộc thiểu số, sự đơn giản hóa thủ tục sẽ giúp bà con vùng cao dễ tiếp cận hơn với các chính sách, đặc biệt các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Đồng thời mong chính sách về y tế, giáo dục và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm mạnh mẽ hơn.
Ông Lâu Hơ Chứ, một người dân sinh sống tại bản Cơm, xã Pù Nhi bày tỏ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và tin tưởng rằng, việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bỏ bớt khâu trung gian thuận lợi để thực hiện các dịch vụ công, tiết kiệm chi phí, thời gian. Việc giải quyết các thủ tục hành chính sẽ nhanh gọn, thuận lợi hơn để nhân dân không phải đi lại nhiều, đỡ khó khăn, vất vả".
Còn tại phường Quảng Phú, ngay từ sáng sớm người dân đã đến để thực hiện các giao dịch tại Trung tâm hành chính công của phường. Hầu hết đều mang tâm trạng vui vẻ phấn chấn, thậm chí còn là để “test” hiệu quả của chính quyền mới. Ông Lê Đức Toàn, một người dân sinh sống trên đại bàn phường cho biết: Ông và người dân thực sự phấn khởi khi chỉ trong thời gian ngắn, bộ máy chính quyền địa phương mới đã được kiện toàn một cách khẩn trương, bài bản và khoa học. Điều đó cho thấy sự quyết liệt, trách nhiệm của tỉnh trong quá trình tổ chức lại bộ máy hành chính.
“Tôi mong rằng, sau khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, tỉnh và các xã, phường sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế... Đặc biệt, quan tâm xây dựng nhà ở công nhân lao động, các thiết chế văn hoá đáp ứng nhu cầu tinh thần, nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Tạo điều kiện về cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động. Lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, quan tâm chăm lo đời sống của công nhân lao động, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, từ đó đóng góp công sức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”- ông Toàn nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên: Trong buổi sáng ngày 1/7, tại 166 phường, xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức các hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ, kỳ họp HĐND và phiên họp thứ nhất của UBND cấp xã. Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã tiến hành phân công các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh dự và chỉ đạo tại một số xã, phường.
Qua kiểm tra cho thấy: Do làm tốt công tác chuẩn bị cũng như tuyên truyền, tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công trên địa bàn toàn tỉnh, số lượng người dân đến giao dịch ngay trong ngày đầu vận hành tương đối đông. Những vướng mắc và yêu cầu thủ tục hành chính của người dân đều được giải quyết nhanh gọn.
Cũng trong buổi sáng ngày 1/7, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra công tác vận hành tại phường Sầm Sơn và phường Nam Sầm Sơn. Tại đây, ông Đỗ Minh Tuấn đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và sự nhiệt tình, trách nhiệm của các cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm. Cơ sở vật chất của các Trung tâm đều được đầu tư đồng bộ và tổ chức, sắp xếp hợp lý, khoa học để phục vụ người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.
Để Trung tâm hoạt động thông suốt ngay từ ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phường Sầm Sơn đã bố trí 15 cán bộ, công chức phụ trách các lĩnh vực để tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, phường trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đường truyền internet; các phần mềm chuyên ngành để mọi hoạt động được kết nối liên thông và diễn ra thông suốt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp”.
Sau khi kiểm tra và nói chuyện với người dân, ông Đỗ Minh Tuấn lưu ý: Mỗi cán bộ, công chức viên chức phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực, đoàn kết, phục vụ hết lòng vì nhân dân. Các bộ phận chuyên môn phải phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm hoạt động của Trung tâm diễn ra thông suốt, hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nắm rõ vai trò, ý nghĩa của Trung tâm Phục vụ hành chính công; tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các nền tảng số khi tham gia giải quyết các thủ tục hành chính.