Cương vị mới, nhiệm vụ mới, trụ sở làm việc mới, địa bàn hoạt động rộng lớn hơn nên đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở (thuộc tỉnh Nam Định cũ nay là tỉnh Ninh Bình) đã chuẩn bị cho mình một tâm thế mới, sẵn sàng thay đổi, thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh để tiếp tục dấn thân với sứ mệnh củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong từng ngõ nhỏ, trong từng mái nhà.
Dấu ấn mới, tâm thế mới
Như nhiều cán bộ của tỉnh Ninh Bình mới, những ngày qua với ông Tô Văn Đấu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hồng Quang là những ngày đặc biệt. Đây là những ngày đầu ông đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hồng Quang (hợp nhất từ 2 xã Hồng Quang, Nghĩa An, huyện Nam Trực và phường Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định cũ) sau nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang. Nơi ông đến làm việc trong ngày đầu mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động không phải là trụ sở xã Hồng Quang quen thuộc mà là trụ sở xã Nghĩa An cũ, xa nhà hơn - nơi được bố trí là trụ sở làm việc của khối Đảng, MTTQ của phường mới.
Ông chia sẻ: “Cương vị mới, nhiệm vụ mới, trụ sở làm việc mới, địa bàn hoạt động rộng lớn hơn nên từ trước đó tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm thế mới, sẵn sàng thay đổi, thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới để cùng tập thể Ủy ban MTTQ Việt Nam phường bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Sau khi hợp nhất, MTTQ phường Hồng Quang có 10 ủy viên, ngoài Chủ tịch có 3 Phó Chủ tịch, 3 chuyên viên. Việc đầu tiên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường thực hiện trong ngày đầu làm việc là họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban thường trực, các ủy viên. Đồng thời, nắm bắt lại tình hình 29 Ban Công tác Mặt trận khu dân cư ở 29 xóm, tổ dân phố; nắm bắt lại địa bàn, tình hình dân cư toàn phường để triển khai các công việc của Mặt trận sao cho phù hợp, hiệu quả. Theo đó, sau hợp nhất, ngoài diện tích và quy mô dân số lớn hơn (rộng gần 30km2, có dân số gần 36 nghìn người), phường Hồng Quang trở thành địa phương vừa có yếu tố đô thị vừa có yếu tố nông thôn, trong đó các thôn, xóm đang trong quá trình “đô thị hóa” nhanh. Sinh kế của người dân trong phường cũng rất đa dạng, ngoài sản xuất nông nghiệp nhiều hộ phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, trong đó có làng nghề Báo Đáp - làng nghề làm đồ chơi Trung thu, làm hoa giấy nổi tiếng. Rồi nữa, Hồng Quang cũng là phường có nghề Rối nước truyền thống nổi tiếng. Ngoài rất đông tín đồ phật tử, phường còn có xứ đạo Báo Đáp với rất nhiều giáo dân.
“Với sự đa dạng đó, MTTQ phường xác định phải nắm bắt, sâu sát từng địa bàn khu dân cư, tổ chức được các hoạt động, các phong trào cụ thể, thiết thực để đoàn kết gần 36 nghìn người dân trong phường chung sức xây dựng, phát triển quê hương” - ông Đấu nói.
Trước mắt, MTTQ phường sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân trong phường nắm được những quy định mới và địa điểm, cách thức làm việc mới của hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp; củng cố và duy trì sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân đối với mô hình chính quyền mới, thiết thực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương thật sự vững mạnh trong tình hình mới. Nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của nhân dân để phản ánh kịp thời tới cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết, qua đó cũng để làm tốt công tác giám sát, phản biện.
“Ngay trong tháng 7 này, MTTQ phường sẽ tập trung tổ chức các hoạt động tri ân các thương binh, gia đình Liệt sĩ sao cho ý nghĩa, thiết thực” - ông Đấu nhấn mạnh.
Chung sức xây dựng cuộc sống no ấm, bình yên
Với kinh nghiệm, tình cảm của người đã có nhiều năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Thạch Bàn (phường Hồng Quang), nơi hiện có tới 353 hộ, hơn 1.000 khẩu, nơi có phường Rối nước Thạch Bàn nổi tiếng, bản thân lại là một nghệ nhân Rối nước, ông Phan Văn Khuể nhìn nhận những thay đổi về tổ chức, bộ máy hiện nay, trong đó có những thay đổi về tổ chức, bộ máy của tổ chức Mặt trận đều hướng đến mục đích phục vụ, chăm lo tốt hơn cho đời sống của nhân dân.
“Là cán bộ Mặt trận cơ sở, đang sống giữa nhân dân tôi nhận thấy trên cương vị của mình tôi càng cần phải nhiệt tình, trách nhiệm hơn với công việc lâu nay được tổ chức, nhân dân giao phó; trách nhiệm hơn, sâu sát hơn với việc xóm, việc làng để chung sức cùng bà con xây dựng cuộc sống no ấm, bình yên ngay trên quê hương mình” - ông Khuể chia sẻ.
Ông cho biết, từ trước tới nay nhân dân thôn Thạch Bàn luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế bằng nhiều ngành nghề nên cả thôn có tới 353 hộ nhưng hiện chỉ còn 2 hộ nghèo. Đặc biệt, người dân trong thôn, trong đó có nhiều nghệ nhân từ nhiều đời qua luôn trân trọng, duy trì, bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn rối nước đặc sắc của quê hương Thạch Bàn. Nhờ nỗ lực này, nghệ thuật rối nước của thôn lâu nay đã lan tỏa ra ngoài biên giới, hiện diện biểu diễn ở nhiều quốc gia; thôn Thạch Bàn trở thành một địa chỉ du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu nghệ thuật Rối nước đặc sắc.
Chúng tôi tìm về phía nam tỉnh Nam Định cũ để gặp ông Lê Văn Bản - Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư thôn Đông Dương, nay thuộc xã Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình để cảm nhận niềm vui của một người cán bộ Mặt trận gắn bó với dân trong sự đổi thay của quê hương, đất nước. Thôn Đông Dương có 353 hộ, 960 nhân khẩu, toàn tòng theo đạo Công giáo.
Ông Bản chia sẻ, nhiều năm qua Ban Công tác Mặt trận thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giáo dân trong thôn đoàn kết, sống tốt đời đẹp đạo. Đặc biệt, cán bộ, nhân dân trong thôn đã đoàn kết, bền bỉ đóng góp trí tuệ, công sức, tiền bạc xây dựng thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu...
“Với những cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở như chúng tôi, không gì hạnh phúc bằng được chứng kiến xóm làng, xứ đạo của mình đoàn kết, ấm êm. Quê hương, đất nước càng đổi mới, phát triển chúng tôi càng thấy mình phải phải nỗ lực, trách nhiệm hơn với xóm làng của mình. Vừa phải biết nghĩ, biết nói, biết làm” - ông Bản chia sẻ.
Biết nghĩ, theo ông, là phải nhận ra đời sống ở khu dân cư của mình đang có vấn đề gì, việc gì cần gải quyết. Biết nói, là khi xóm làng, xứ đạo có “công to việc lớn” thì cán bộ cơ sở phải biết thông tin, tuyên truyền, vận động, phân tích điều hơn, lẽ thiệt để mọi người cùng hiểu, đồng thuận, chung sức thực hiện. Biết làm, theo ông, hiểu đơn giản là phải thạo việc. Rồi nữa, theo ông, tuyên truyền, vận động bà con, xóm giềng phát triển kinh tế nhưng kinh tế gia đình lại “lẹt đẹt” thì không thuyết phục. Đó là lý do, ngoài công việc chung của xóm làng, xứ đạo ông Bản luôn suy nghĩ, tìm tòi để phát triển kinh tế của gia đình bằng mô hình nuôi trồng thủy sản; qua đó tạo việc làm cho nhiều người.
Bà Trần Thị Thoa - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết, vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã công bố các quyết định của Trung ương, của tỉnh liên quan việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, trong đó công bố quyết định của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình mới.
Chúng tôi nhận thức rằng đây là thời điểm có tính lịch sử với những cán bộ Mặt trận ở địa phương. Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng thích nghi với nhiều sự thay đổi, từ vị trí công tác đến trụ sở, địa bàn hoạt động. Cá nhân tôi đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để chuyển từ trụ sở ở tỉnh Nam Định cũ vào nhận nhiệm vụ ở trụ sở mới tại tỉnh Ninh Bình mới. Với tinh thần thay đổi để để đất nước vươn mình, hùng cường hơn, chúng tôi đã bắt đầu những ngày làm việc mới bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của người cán bộ Mặt trận.
(Còn nữa)