Mặc dù mới vận hành mô hình mới ít ngày nhưng các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Hà Tĩnh và Quảng Trị đã hòa nhập nhanh, vận hành thông suốt trong “ngôi nhà chung” của Mặt trận. Ở đó, mỗi tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội là một cánh tay nối dài của Mặt trận, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh ngay từ cơ sở.
Chủ động hoàn thiện quy chế làm việc
Khi xã Ái Tử (tỉnh Quảng Trị) chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng là thời điểm ông Võ Sính (Chủ tịch UBND xã Triệu Long cũ) đảm nhận vị trí công việc mới - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ái Tử. “Ngay khi biết bản thân được tổ chức phân công đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ái Tử, tôi đã chủ động tìm hiểu sâu hơn những quy định, hướng dẫn hiện hành về công việc mới, nhiệm vụ mới của mình” - ông Sính chia sẻ.
Sau khi có quyết định chính thức, ông Sính cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể xã Ái Tử nhanh chóng ổn định tổ chức, tiến hành tiếp nhận hồ sơ, thủ tục từ các xã cũ, tiếp cận địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân và xây dựng kế hoạch hoạt động của cơ quan trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị Đào Mạnh Hùng cho biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập trên cơ sở hợp nhất từ hai cơ quan Mặt trận cấp tỉnh cũ (Quảng Bình và Quảng Trị) đã nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai công việc với tinh thần trách nhiệm, chủ động và đoàn kết cao. Sau khi hợp nhất và cơ bản ổn định tổ chức bộ máy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị xác định, duy trì tính ổn định, thông suốt và tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh đổi mới, hội nhập, phát triển là mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn tới.
Hòa chung trong không khí hoạt động của khối Đảng, MTTQ trên khắp mọi miền Tổ quốc, đội ngũ cán bộ Mặt trận ở phường Trần Phú (Hà Tĩnh) cũng đang hết sức khẩn trương, nhịp nhàng. Mỗi cán bộ một việc nhưng cùng hòa nhập trong dòng chảy chung của kỷ nguyên mới. Tìm đến phòng làm việc của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Trần Phú, chúng tôi được biết, đồng chí Bí thư cùng cán bộ Đoàn đang hướng dẫn người dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công của phường ở trụ sở phường Thạch Hạ cũ. Từ khi phường Trần Phú vận hành thử nghiệm đến lúc vận hành chính thức đến nay, đội ngũ cán bộ Đoàn túc trực thường xuyên để hướng dẫn người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác ở phường Trần Phú cũng đang tất bật với những phần việc của mình. Ông Trần Văn Đảm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Trần Phú chia sẻ: Chúng tôi xác định, thời gian này, ban ngày bám nắm cơ sở, tham gia các hoạt động với các chi hội, hội viên, ban đêm tranh thủ hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ cần thiết khác. Vị trí mới, vị thế mới, nhiệm vụ mới rất nhiều nên phải tranh thủ cả ngày lẫn đêm mới đáp ứng được yêu cầu.
Ông Đảm nhận định, phường Trần Phú sáp nhập trên cơ sở 4 phường, xã nên diện tích, dân số đều tăng gấp 4, trong khi bộ máy cán bộ, công chức giảm xuống. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải phát huy hết năng lực, trí tuệ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Khi vận hành mô hình mới, mỗi tổ chức đoàn thể đều nhận thức được chức năng, nhiệm vụ đó là cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Mỗi tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội mạnh thì Mặt trận mạnh. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm chung, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phải đẩy mạnh phát triển, hỗ trợ đoàn viên, hội viên của mình để góp phần tạo dựng vị thể, sức mạnh của khối Mặt trận.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhập cuộc hiệu quả
Tương tự, Hội Cựu chiến binh phường Trần Phú, Hà Tĩnh cũng nhanh chóng hòa chung nhịp đập cùng Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Ông Nguyễn Hữu Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trần Phú nhấn mạnh: Mô hình mới của MTTQ và các tổ chức đoàn thể đòi hỏi hội phải thực hiện tốt 2 vai - vai chung và vai riêng. Vai chung là thành viên của Mặt trận, vai riêng là Hội Cựu chiến binh. Làm tốt vai riêng sẽ bổ trợ cho vai chung, nhưng phải đảm bảo hài hòa, thống nhất hoàn thiện, vững mạnh.
“Trước mắt bộ máy mới, địa bàn mới nên còn bỡ ngỡ và khó khăn nhưng chủ trương của chúng tôi là bám cơ sở nhiều hơn để từ đó tham mưu cho cấp ủy, Mặt trận, chính quyền địa phương có giải pháp xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển. Thời gian này, Thường trực Hội Cựu chiến binh phường chú trọng dành thời gian đến tiếp cận 42 chi hội, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hơn 1.400 hội viên để có kế hoạch triển khai cụ thể đến từng chi hội, hỗ trợ từng hội viên” - ông Nguyễn Hữu Anh chia sẻ.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương chủ động trong việc hoàn thiện quy định, quy chế làm việc của cơ quan Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây được xem là bộ khung định hình chức năng, nhiệm vụ, phân công công việc của từng tổ chức thành viên trong khối Mặt trận.
Bà Nguyễn Ny Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, ngay khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lấy ý kiến, Tỉnh đoàn đã tích cực, chủ động tham mưu xây dựng quy định về chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là quy chế làm việc của cơ quan Ủy ban MTTQ mới bởi đây là nền tảng quan trọng để các ban chuyên môn nghiệp vụ và ban quản lý chung trong khối Mặt trận có bước vận hành nhịp nhàng, hiệu quả, đảm bảo hoạt động thông suốt sau hợp nhất, sáp nhập. Chắc chắn trong quá trình tới, quy chế sẽ còn phải hoàn thiện gắn với thực tiễn nhưng đây là bước đi quan trọng để các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.
Cũng theo bà Nguyễn Ny Hương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trực thuộc Ủy ban MTTQ nhưng vẫn có tính độc lập tương đối. Song song với quá trình hợp nhất, sáp nhập, các hoạt động tại cơ sở của các cấp hội đoàn ở Hà Tĩnh vẫn diễn ra bình thường. Quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp mặc dù có sự xáo trộn về nhân sự nhưng Tỉnh đoàn đã tiếp cận sớm, ổn định các tổ chức đoàn tại 69 xã, phường mới. Đoàn viên, thanh niên cơ sở đã tích cực hỗ trợ nhân dân quy trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính công; tham gia các phong trào tình nguyện…
“Thực tế cho thấy, việc phân công nhiệm vụ cụ thể của MTTQ đã tạo tâm thế tốt và định hướng cho các tổ chức chính trị - xã hội nhập cuộc hiệu quả trong khối thống nhất chung của Mặt trận” - bà Nguyễn Ny Hương khẳng định.
Ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tiễn của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của cơ quan MTTQ, quy chế Ban thường trực... ngay sau khi có các Quyết định thành lập và chuẩn y nhân sự nhằm vận hành mô hình mới của Mặt trận thông suốt. Các nhiệm vụ cụ thể đều được phân vai, phân nhiệm rõ ràng, rõ thẩm quyền, bước đầu vận hành khoa học, chưa có chồng chéo, vướng mắc lớn và phát huy được hiệu quả của mô hình mới.
Ông Đào Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở sẽ được kiện toàn bảo đảm đúng người, đúng việc, phát huy tốt năng lực, sở trường và tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, ưu tiên công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực tiễn, đặc biệt về giám sát, phản biện xã hội, ứng dụng công nghệ và truyền thông đại chúng. Mặt trận tỉnh Quảng Trị sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành và nắm bắt tình hình nhân dân; phát triển các kênh thông tin đa nền tảng để kết nối hiệu quả hơn với người dân.
(Còn nữa)