Ngày Nhà giáo và câu chuyện giáo dục

Nam Việt 19/11/2017 06:00

Trong tuần, dư luận bàn nhiều về dự thảo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với việc sử dụng 12.000 tỷ đồng để đào tạo 7.500 tiến sĩ (TS), cùng với việc thu hút thêm 1.500 TS các nơi đến giảng dạy ở các trường đại học (ĐH), đồng thời bồi dưỡng cho giảng viên và cán bộ quản lý các trường ĐH đạt chuẩn (thường được gọi là đề án 9000 TS). Tuy mới dừng ở mức dự thảo nhưng đã nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, kể cả những người ngoài ngành giáo dục. Đề án xuất hiện khi Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)


Hoa thắm tặng cô.

1. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng vê Đề án 9000 TS. Đề án được coi là nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030. Theo ông Nhạ, đề án đào tạo, thu hút 9.000 TS với kinh phí 12.000 tỷ đồng không phải là đề án mới mà là tiếp nối đề án 911 với việc đào tạo 20.000 TS. Hiện số lượng TS giảng dạy ở các trường ĐH còn thấp (chỉ khoảng 21%) nên đề án đào tạo, thu hút TS mới được Bộ GDĐT trình lên Chính phủ xem xét là nâng lên khoảng 35% đến năm 2020. Như vậy, theo ông Nhạ, việc đào tạo, thu hút 9.000 TS cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đặt ra.

Về vấn đề chất lượng cũng như kinh phí đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mô hình đào tạo TS mới sẽ không nhất thiết là cử giảng viên đi học ở nước ngoài mà là sự liên kết giữa cơ sở đào tạo tốt ở trong nước với cơ sở ở nước ngoài. Thậm chí, một số cơ sở đào tạo tốt ở trong nước có thể đào tạo TS theo hướng tập trung. “Phương thức đào tạo sẽ đa dạng nhưng phải đảm bảo chất lượng”- ông Nhạ nói và cho biết thêm điều quan trọng của việc đào tạo TS là phải gắn với việc sử dụng. Cơ sở nào có nhu cầu sử dụng TS thì mới được đào tạo. Do đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải có trách nhiệm chủ động quy hoạch, phát triển đội ngũ giảng viên đi học TS, trong đó có đội ngũ nhà khoa học. Căn cứ vào đó, Bộ GDĐT sẽ có hỗ trợ kinh phí bằng cơ chế, chính sách chứ không làm đề án cử giảng viên đi học, rồi cắt biên chế những người cử đi học lại không trở về nước.
“Người muốn đi học TS ở nước ngoài phải có sự cạnh tranh để được nhận học bổng của Chính phủ và họ phải có trách nhiệm với đơn vị cử đi học. Như vậy, cơ chế quản lý, đào tạo TS trong đề án mới rất khác với cơ chế truyền thống trước đây”- Bộ trưởng Nhạ nói.

Đề án 9000 TS mới ở giai đoạn dự thảo, tuy nhiên việc xã hội e ngại cũng không phải là không có cơ sở. Vì trên thực tế, không ít người có học hàm TS nhưng trình độ không tương xứng. Nhiều TS lại không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu mà chuyển sang ngành nghề khác, trong số đó có nhiều người làm quản lý. Vì vậy, số người có học vị, học hàm trong các trường ĐH không nhiều và chất lượng cũng có vấn đề.

Không nền giáo dục nào muốn giậm chân tại chỗ, việc đào tạo mới, bổ sung cho đội ngũ hiện có, nhất là ở trình độ cao là điều tất nhiên. Nhưng muốn vậy thì trong tình hình thực tế của đất nước, phải trả lời được hai câu hỏi: thứ nhất là kinh phí; và thứ hai là hàm lượng kiến thức của những người sau khi có tấm bằng TS. Mà xét ra, cả hai điều đó đều không dễ trả lời.

Cũng cần nói thêm rằng, đã một thời gian dài, trong hệ thống giáo dục tồn tại việc “chuẩn”, rồi “trên chuẩn”. Vì thế, giáo viên trực tiếp đứng lớp buộc phải gồng mình lên, có bằng trung cấp thì học lên cao đẳng, cao đẳng thì lên đại học... Rồi cuối cùng cả người dạy mầm non cũng học ĐH để có bằng cử nhân. Chủ nghĩa bằng cấp đã khiến người ta luôn phải kiễng chân, trong khi không chắc gì cử nhân dạy mầm non, tiểu học hơn người học trung cấp, vì đây là khoa học giáo dục liên quan đến tâm sinh lý lứa tuổi người học, chứ không hẳn người bằng cấp cao là làm tốt hơn người bằng cấp thấp. Đương nhiên không thể mãi cảnh “cơm chấm cơm”- cách nói của người trong ngành giáo dục để chỉ cảnh cử nhân dạy cử nhân, nhưng quan trọng nhất và cuối cùng vẫn phải là chất lượng (kiến thức thật và kĩ năng truyền thụ kiến thức). Kinh phí đào tạo có thể tìm kiếm ở nhiều nguồn, nhưng chất lượng là vấn đề vô cùng khó. Bổ sung thêm 9000 TS là tốt, nhưng dư luận e ngại số lượng không làm nên chất lượng.

2. Khi ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến gần, người ta cũng lại băn khoăn về thu nhập của nhà giáo. Suốt những ngày qua, việc một cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh sau 37 năm vừa dạy vừa dỗ trẻ, khi về hưu chỉ được nhận chế độ 1,3 triệu đồng/tháng. Đồng lương hưu ít ỏi ấy làm sao có thể nuôi sống được bản thân cô giáo ấy, chứ chưa nói đến trách nhiệm của cô với con cháu, người thân.

Dư luận dễ mủi lòng. Nhưng khi bình tĩnh lại, thì vấn đề lương và thu nhập thực tế của giáo viên cũng cần được nhìn nhận một cách thực tế. Ai cũng biết rằng, trong quá trình dạy học, một giáo viên bình thường ngoài lương cơ bản thì còn có thêm một số nguồn thu nhập chính đáng khác, từ trường, từ ngành. Nên trong khi còn đang dạy học, rất ít giáo viên (từ mầm mon cho tới đại học) kêu ca về thu nhập. Dĩ nhiên, ai cũng muốn thu nhập cao hơn, nhiều người lại thường trực tâm lý mình làm nhiều nhưng hưởng thụ ít, vì thế nên luôn mong (kể cả đòi hỏi) được nhận nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên, nếu so với một người cùng bằng cấp đào tạo, thì giáo viên thu nhập cao hơn, vì có tiền đứng lớp, tiền thâm niên (không nói tới những khoản thu “ngoài” vì rất khó có thể so sánh các ngành nghề với nhau). Lương thấp so với nhu cầu cuộc sống là tình trạng chung của cán bộ, viên chức chứ không phải giáo viên lương thấp. Khi cộng thêm phụ cấp, nhà giáo có lương tháng cao hơn các viên chức khác.Thực tế giáo viên ở vùng sâu vùng xa rất khó khăn, nhưng giáo viên ở thành thị, những vùng kinh tế-xã hội phát triển thì cuộc sống ước chừng thuộc loại trung bình khá của xã hội hiện nay. Một đất nước muốn phát triển bền vững thì phải dựa trên nền tảng tri thức, mà tri thức có được phần lớn là thông qua quá trình dạy và học trong nhà trường. Vì vậy, việc ủng hộ nhà giáo, nhà trường là điều tất nhiên, nhưng bản thân ngành giáo dục, bản thân từng giáo viên cũng cần nâng cao trách nhiệm để làm tốt công tác “trồng người”. Các cụ dạy “gái có công, chồng không phụ”, soi vào lĩnh vực này cũng rất đúng.

Vậy thì muốn hưởng lương đặc biệt cũng được, nhưng mình phải đặc biệt. Không thể để xã hội kêu ca về chuyện lạm thu, về việc xuống cấp đạo đức học đường, việc mua bằng bán điểm, bệnh thành tích, chuyện dạy thêm tràn lan, kể cả lợi dụng chủ trương xã hội hóa để “tận thu” làm hỏng hình ảnh cần phải có của chốn học đường. Nếu làm được như vậy thì chưa cần phải đổi mới căn bản, toàn diện, chưa cần phải so sánh với nền giáo dục của những nước tiên tiến- thì xã hội cũng đã ủng hộ nhà trường rồi, phụ huynh đã kính trọng, biết ơn thầy cô giáo rồi. Và đến lúc đó, lẽ nào thu nhập của nhà giáo lại không được nâng lên.

3. Đổi mới hay cải cách? Cũng trong dịp này, nhiều ý kiến đặt vấn đề thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục, để tiến lên. Cải cách là đúng, là rất cần thiết, nhưng theo ý kiến của không ít người thì có lẽ cần tiến lên một bậc cao hơn, đó là cải cách.

Nhân đây, trở lại với việc tạm dừng triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, từ năm học 2018-2019. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được xem là một nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục. Tuy nhiên, đáng tiếc lại không nhận được sự đồng thuận của chính ngành này. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vội vã áp dụng thì sẽ không khả thi, bởi ngay cả sách giáo khoa cho chương trình mới cũng chưa có. Một cán bộ phòng giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu vấn đề: Bộ sách giáo khoa của riêng thành phố có được Bộ GDĐT chấp thuận không? Nếu được thì thành phố phải làm sớm để giáo viên nghiên cứu trước. Không thể đến lúc bắt tay vào chương trình mới được cầm sách và vừa dạy vừa xem. “Và cuối cùng, người được dùng làm vật tế thần lại chính là học sinh”- ông nói.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng chỉ là một trong những điểm đổi mới giáo dục, tuy rằng đó là điểm mấu chốt. Nhưng tới nay đã lui lại. Có cảm giác chúng ta vẫn đứng ở ngã ba đường, loay hoay chưa biết đi theo hướng nào.

GS.TS Trần Hồng Quân- chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT từng phát biểu, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại chưa thật đồng bộ, sự liên thông giữa các cấp học còn hạn chế. Trong bối cảnh như vậy, điều cấp thiết là phải định hình, tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân làm nền tảng cho những đổi mới khác của giáo dục. Có nghĩa là cần đến một cuộc cải cách thật sự.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người cũng từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục từng nêu ý kiến, rằng muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách giáo dục. Theo bà, đổi mới giáo dục là bởi giáo dục đang bất cập so với yêu cầu hiện nay, càng bất cập so với yêu cầu mà chúng ta mong muốn. Chính vì thế, bà nhấn mạnh, muốn đổi mới căn bản và toàn diện thì phải làm một cuộc cải cách giáo dục chứ không thể nào giải quyết từng việc theo kiểu vá víu.

Phải chăng việc cải cách giáo dục đã chín muồi?

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, bày tỏ lòng biết ơn với những người làm thầy và cũng rất mong ngành giáo dục đổi mới thật sự mạnh mẽ, xứng đáng với truyền thống giáo dục nước nhà, tiếp bước thành tựu rực rỡ của nền giáo dục cách mạng đã đơm hoa kết trái ngay cả trong những thời điểm đất nước khó khăn nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày Nhà giáo và câu chuyện giáo dục