Với người dân Hà Nội, ngày 30/4/1975 không chỉ là một ký ức, mà còn là một khát vọng, ao ước trở thành hiện thực khi nước nhà được độc lập thống nhất, hòa bình và hạnh phúc.
Cảm động lắm!
Với GS.TS.Nhà giáo nhân dân Đặng Thị Kim Chi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, ký ức về ngày 30/4/1975 là một nỗi nhớ đầy cảm xúc, hoài niệm của người con gái Hà Nội. Đối với bà, trong niềm hạnh phúc đan xen với sự lo lắng, trông ngóng từng ngày, từng giờ được bắt đầu từ thời điểm tháng 4/1972 khi cả nước dồn toàn bộ lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó cũng là thời điểm mà người chồng mới cưới của bà cũng như những lớp học trò lên đường nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường miền Nam.
Những ký ức với bà như còn nguyên vẹn về buổi chia tay chồng mới cưới và những buổi tiễn học sinh lên đường. Ngày đó chồng bà là bộ đội, thuộc Quân khu 3. Còn bà công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bà Chi kể: “Từ năm 1972 đã tiễn nhiều sinh viên lên đường. Tôi hiểu rằng trong số các sinh viên ra chiến trường lúc đó sẽ có những em “không trở về” vì chiến tranh lúc bấy giờ rất ác liệt. Xúc động lắm! Lo lắng từng ngày, từng giờ không biết chiến tranh bao giờ kết thúc”.
Bà kể tiếp: “Hồi đó hàng loạt chuyến tàu đưa bộ đội đi về phía Nam. Hôm đó, tôi đang đi xe đạp, đến chỗ chắn tàu trước ngã tư đường Giải Phóng và đường Đại Cồ Việt ngày nay thì dừng xe để tàu đi qua. Tôi chỉ là cô gái đứng đợi tàu, có nhiều người không biết tôi nhưng vẫn hô lên: “Đợi nhé, đợi nhé, đợi trở về nhé”. Tôi đã khóc và xúc động. Tôi chỉ là một cô gái Hà Nội đứng ở ngã tư đường vẫy chào những người lính đi ra chiến trường. Còn họ vẫy chào tôi - người con gái Hà Nội trước khi ra chiến trường.”.
Bắt đầu từ đầu tháng 4/1975, người dân Hà Nội đã theo dõi từng ngày về bước tiến của quân ta, nhất là bước đi tiến vào Sài Gòn. “Ngày đó làm gì có ti vi, chỉ có loa đài. Ai có radio, catsette là sang lắm. Còn chủ yếu người dân nghe tin qua hệ thống loa phát thanh và theo dõi trên Báo Nhân Dân, Báo Hà Nội Mới. Ví như thông tin quân ta đã tiến tới đâu và giành chiến thắng; rồi đang trên đường vào giải phóng Sài Gòn. Có những thông tin được miêu tả chi tiết rất khốc liệt về cuộc chiến. Hình ảnh bộ đội ôm, vác súng, đằng sau có balo chạy chiếm lĩnh vùng giải phóng khiến mọi người đọc báo rất vui” - bà Chi nhớ lại.
Đón niềm vui trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Thời điểm 30/4/1975, ông Lê Nam - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ công tác tại Trung đoàn 144 (nay là Lữ đoàn 144). Lúc bấy giờ Trung đoàn 144 được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương. Ông Nam nhớ lại, từ đầu năm 1975, không khí chuẩn bị giải phóng miền Nam đã trở nên rất sôi động với các chiến thắng dồn dập ở chiến trường miền Nam. Nhất là sau khi có chiến thắng ở chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng trong tháng 3/1975.
Không chỉ cả nước, miền Bắc mà cả Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ cũng cuốn theo bước chân của đoàn quân giải phóng với tinh thần hồ hởi phấn khởi của chiến dịch mùa Xuân năm 1975. “Cả Hà Nội mọi người đều háo hức, mong đợi, sung sướng dõi theo đoàn quân giải phóng, reo hò mỗi khi có thêm 1 tỉnh, 1 thành phố, 1 địa phương được giải phóng” - ông Nam nói.
Đến giờ dù đã 47 năm trôi qua, nhưng ông vẫn còn nhớ như in thời điểm bước sang tháng 4/1975 không khí tại Hà Nội đã rất háo hức trước bước tiến của đoàn quân giải phóng. Đó không chỉ là sự hân hoan của người dân Thủ đô mà là của đất nước, của dân tộc.
Ông Nam chia sẻ: “Khi nghe tin thông báo từ lãnh đạo cấp trên truyền đạt xuống, cũng như hệ thống loa phát thanh thông báo chiến thắng, cả đơn vị đã ôm lấy nhau, reo hò “Việt Nam chiến thắng”. Thời khắc đó bên cạnh sự vui mừng, cảm xúc dâng trào, hân hoan cùng cả nước thì chúng tôi luôn trong trạng thái cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không giây phút nào được lơ là thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao. Cảm giác lúc bấy giờ bay bổng rất đặc biệt. Đường Hà Nội chật cứng, mọi người đổ ra đường, hân hoan mừng vui vì chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hoan hỷ đến không làm được việc
Với TS.Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì ngày 30/4/1975 là một ký ức không thể nào quên của cá nhân ông và người dân Thủ đô. Lúc bấy giờ ông đang là Chủ tịch công đoàn giáo dục Trường PTTH Cao Bá Quát. Kể về thời khắc lịch sử cách đây 47 năm, ông Lâm cho biết: “Hôm đó mọi người vỡ òa cảm xúc, tất cả đều xuống đường ăn mừng khi nhận được thông tin chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hoan hỷ và không ai có thể làm việc được. Cờ treo khắp nơi, ước mơ đoàn tụ khắp nơi dâng trào khi trở lại cuộc sống hòa bình. Ai cũng có cảm giác phấn khởi từ người già đến trẻ nhỏ, nỗi vui mừng khôn nguôi khó tả xiết”.
Ông Lâm nhận được tin chiến thắng tại thời điểm đang ở trường. Vừa lúc trường tan học thì nghe tin chiến thắng qua hệ thống loa phát thanh. “Không ai bảo ai, nhưng mọi người cầm cờ đi diễu hành khắp các phố đến tận chiều tối. Thực sự niềm vui lớn lắm. Dù chiến thắng này đã được chuẩn bị trước từng ngày chứ không phải ngạc nhiên. Vì mọi bước tiến của đoàn quân ta đã được theo dõi trong những tháng ngày trước đó và được cập nhật thông tin hàng ngày. Ai cũng biết rằng mình sẽ chiến thắng nhưng giờ phút nhận được thông tin thắng trận chính là niềm vui rất lớn. Đó là ước vọng của cả dân tộc với Ngày thống nhất. Nhà tôi ở phố Trần Hưng Đạo. Còn tôi dạy học ở trường Cao Bá Quát. Buổi trưa ở lại trường. Đến tối mới về nhà nhưng trên đường đi về thì ngập tràn cờ hoa. Cảm giác thật xúc động!” - ông Lâm bồi hồi.
Theo bà Chi, từ 10 giờ 30 sáng 30/4/1975 khi nghe tin xe tăng của quân đội Việt Nam đã vào đến dinh Độc Lập. Lúc đó, bà cùng tất cả giáo viên và sinh viên rất vui sướng, ai cũng nhảy lên vui mừng. Nhất là trong lớp có những sinh viên đang chiến đấu tại chiến trường. Đến 11h30 hệ thống loa phát thanh phát lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh thì mọi người cùng hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Nghe tin chiến thắng, cảm động lắm.