Ngày 22/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục thẩm vấn bị cáo Lê Xuân Giang (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt) và đồng phạm về việc phát triển mô hình kinh doanh đa cấp. Trùm đa cấp Lê Xuân Giang khai đã thuê làm giả bằng khen của Thủ tướng và UBND TPHCM với mục đích khuếch trương hình ảnh của Công ty.
48.000 người bị lôi kéo tham gia hệ thống đa cấp
Tại tòa, bị cáo Giang khai: Năm 2014 Công ty Liên kết Việt được cấp giấy phép cho hoạt động kinh doanh đa cấp. Thời gian đầu, người tham gia cần đóng 7 triệu đồng, về sau tăng lên 8,6 triệu đồng để mua một mã sản phẩm gồm: Máy khử độc Ozonne và một số sản phẩm thực phẩm chức năng. Khi Công ty mới đi vào hoạt động, mô hình kinh doanh diễn ra bình thường, lượng khách hàng chỉ có vài trăm người. Sau đó, công ty phát triển quá nhanh, ngoài trình độ quản lý nên bị cáo bị lúng túng, không biết cách kiểm soát hoạt động của công ty thế nào.
Tính đến tháng 11/2015, Giang cùng các “đồng nghiệp” lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia vào hệ thống đa cấp, với tổng số tiền lên tới gần 2.100 tỉ đồng. Số tiền trên, Giang sử dụng hơn 869 tỉ đồng để chi hoa hồng, gần 100 tỉ đồng để sản xuất hàng hóa và chi trả cho hoạt động khác. Còn lại hơn 1.100 tỉ đồng, các bị cáo chiếm đoạt.
HĐXX hỏi bị cáo Giang có biết nhiều người ở tận vùng sâu vùng xa gom góp tất cả tài sản để tham gia, đến nay bị thiệt hại, thậm chí phải bỏ trốn? Lúc này bị cáo Giang biện minh, đây là sân chơi bình đẳng, người dân không chỉ vùng sâu, vùng xa mà ở bất cứ đâu cũng có thể tự nguyện tham gia vì họ thấy có cơ hội tốt để có thêm thu nhập và làm giàu.
Giải thích việc chi hoa hồng vượt quy định, bị cáo Giang cho rằng, do trình độ hiểu biết của bản thân hạn chế, cứ nghĩ mục đích đơn giản là để kích cầu, cho khách hàng hưởng nhiều, còn công ty hưởng ít thôi cũng được.
Trả lời HĐXX về một số quyết định, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của UBND TPHCM (bằng khen do Giang làm giả) do đâu mà có? Lê Xuân Giang cúi đầu thừa nhận, Công ty Liên kết Việt, Công ty BQP và các cá nhân trong công ty không hề được Thủ tướng và Chủ tịch UBND TPHCM tặng bằng khen. Giang khai, năm 2014, Giang có đi lễ chùa và gặp nhà sư Phạm Văn Út. Sư Út nói, có thể giúp Giang làm bằng khen của Thủ tướng cho tập thể và một số cá nhân trong công ty.
Sau khi thống nhất với nhà sư những nội dung trong bằng khen, Giang đưa cho nhà sư này 31 triệu đồng. Sau khi có được bằng khen giả, Giang chỉ đạo các bị cáo khác tổ chức sự kiện rầm rộ đón nhận. Chỉ đạo bộ phận văn phòng công ty scan các bằng khen, quyết định giả đưa lên website, đóng khung và treo các hình ảnh này tại trụ sở toàn hệ thống.
Các bị cáo “ẵm” tiền tỉ trong thời gian ngắn
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Thu Thuỷ (cựu Phó Tổng Giám đốc Liên kết Việt) có vai trò cao nhất trong nhóm đồng phạm của bị cáo Lê Xuân Giang. Tuy nhiên, khai tại tòa, bị cáo Thủy phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Thủy khai là một trong những khách hàng đầu tiên mua hàng của Công ty Liên kết Việt. Sau đó, tháng 4/2014 được Lê Xuân Giang thuê về làm nhân viên tư vấn, không giữ bất cứ chức vụ nào.
Khi HĐXX truy vấn tại sao chỉ tư vấn lại được hưởng nhiều lợi nhuận “khủng” như vậy, bị cáo Thuỷ khai bị cáo cũng không rõ, chỉ nhận theo chính sách của Công ty Liên kết Việt. Theo bị cáo Thủy, mọi người bảo nhau làm việc, không ai làm lãnh đạo. 15 chương trình khuyến mại do Lê Xuân Giang phê duyệt, Thuỷ không liên quan.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Xuân Trường, thành viên trong nhóm phát triển thị trường, có nhiệm vụ tổ chức đào tạo kỹ năng thuyết trình, chăm sóc phát triển hệ thống nhà phân phối tại văn phòng Hà Nội và các tỉnh, hưởng lợi 4 tỉ đồng trong 13 tháng. Ngoài ra bị cáo còn được nhận 1 căn hộ từ Lê Xuân Giang. Bị cáo là người trực tiếp xây dựng nội dung và thuyết trình về công ty, lãnh đạo và phương pháp kinh doanh, chế độ hoa hồng tới các bị hại, mỗi tuần, từ 3 - 4 buổi, trước quy mô 1.000- 2.000 người tham dự.
Trong các bị cáo thì Trịnh Xuân Sáng cũng được Thuỷ đưa về Công ty Liên kết Việt làm việc. Chỉ trong vòng 16 tháng, bị cáo đã được chi 17 tỉ đồng. Tại tòa, bị cáo Sáng khai, với mỗi khách nộp tiền, sẽ được Lê Xuân Giang chia cho 40.000 đồng một mã sản phẩm (trị giá khoảng 8 triệu đồng). Lý do được hưởng lợi tới 17 tỉ đồng, theo bị cáo Sáng, là do chính sách chi lợi nhuận kinh doanh và hoa hồng có sẵn.
Tại phiên tòa ngày 22/12, HĐXX cũng gọi nhiều bị hại (đa số là người cao tuổi) lên để hỏi về việc tham gia đầu tư đa cấp cũng như chính sách trả thưởng của Công ty Liên kết Việt, nhưng đa số các bị hại đều trả lời rất mơ hồ về việc tham gia hệ thống Liên kết Việt.