Với số vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng, Dự án xây dựng đường dây và trạm biến áp 110kV tại Nghệ An dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2022. Vậy nhưng, quá hạn đã 2 năm, dự án này vẫn chưa hoạt động.
Chưa thể vận hành
Dự án xây dựng đường dây và trạm biến áp 110kV Tân Kỳ do Ban quản lý dự án lưới điện (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) làm chủ đầu tư, có tổng mức xây dựng hơn 180 tỷ đồng. Dự án được xây dựng tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) với quy mô trạm biến áp 110kV, công suất 110/35/22(10)kV-40MVA.
Đặc biệt, trạm được xây dựng mới theo mô hình không người trực. Ngoài trạm biến áp, dự án còn xây dựng đường dây 110kV dài 26,7km, từ trạm 220kV Đô Lương đi qua các xã Xuân Sơn, Lạc Sơn, Thịnh Sơn, Văn Sơn, Đông Sơn, Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương về huyện Tân Kỳ.
Với tính cấp thiết và quan trọng của dự án, ngày 24/11/2021, dự án được khởi công, dự kiến đóng điện vào tháng 9/2022. Đây là trạm thuộc danh mục dự án lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức. Dự án này sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phụ tải tại địa bàn huyện Tân Kỳ và khu vực lân cận của tỉnh Nghệ An; giảm bán kính cấp điện lưới trung áp; giảm tổn thất điện năng trên đường dây và giảm tải cho các Trạm biến áp 110kV Đô Lương, Trạm biến áp 110kV Nghĩa Đàn.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm xây dựng, dự án hoàn thành khoảng 95% nhưng chưa thể đóng điện, nơi xây dựng trạm biến áp hiện vẫn đóng cửa, chưa có dấu hiệu sẽ được vận hành. Với những gia đình nằm cuối nguồn điện, dự án như một cứu cánh cho họ tránh được nguồn điện chập chờn, nhất là vào mùa cao điểm; song gần 3 năm qua, họ vẫn mỏi mòn chờ nguồn điện từ dự án để sinh hoạt, sản xuất.
Gia đình ông Nguyễn Hùng Tuấn (60 tuổi) trú xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ là một ví dụ, ông Tuấn cho biết: Gia đình ông và nhiều hộ dân ở đây thuộc địa bàn nằm ở cuối nguồn, vì thế thường xuyên chịu cảnh yếu điện, nhiều lúc vào giờ cao điểm buổi tối thường bị mất điện do quá tải. “Thời điểm khởi công, người dân ai cũng mừng, hy vọng thời gian tới không phải chịu cảnh điện phập phù nữa. Thế nhưng đến nay, tròn 2 năm trôi qua vẫn chưa thấy dự án được đưa vào vận hành” - ông Tuấn nói.
Vướng mặt bằng
Được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu dùng điện của người dân nhưng chưa biết bao giờ dự án được đưa vào vận hành. Nguyên nhân được xác định là do vướng đất rừng. Theo ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, trạm biến áp 110kV Tân Kỳ đã xây dựng xong trên diện tích đất hơn 1.000m2. Nhưng do hệ thống cột, đường dây đang vướng mặt bằng ở huyện Đô Lương nên chưa thể hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Cụ thể, đến nay chỉ mới thi công xong 72/84 vị trí móng cột. Trong đó, huyện Tân Kỳ có 5 vị trí, huyện Đô Lương có 67 vị trí. 12 vị trí móng cột tại các xã như Văn Sơn, Đông Sơn, Hồng Sơn, Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương) vẫn chưa thể thi công.
Theo đại diện Hội đồng bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng huyện Đô Lương thì do các vị trí cột này ảnh hưởng đến đất rừng nhưng chưa được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng nên chưa có căn cứ thực hiện các bước tiếp theo. Ngoài ra, còn có 90.659,1m2 đất rừng bị ảnh hưởng bởi hành lang an toàn lưới điện cũng chưa được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính khu đất.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án điện lưới 110kV Tân Kỳ, trước hết các chủ đầu tư phải chuyển đổi xong mục đích sử dụng rừng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư chưa thực hiện được, nên UBND huyện Đô Lương chưa có cơ sở để giải phóng mặt bằng. Huyện Đô Lương nhiều lần gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ theo quy hoạch để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nhưng đến nay chưa làm xong.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 2267 ngày 28/8/2024 phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Tân Kỳ. Theo đó, Nghệ An phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đường dây và TBA 110kV Tân Kỳ của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thực hiện tại huyện Đô Lương và huyện Tân Kỳ.
Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm thực hiện, quy định tại Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 27 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.