Dù chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu, bàn giao cũng như cấp phép hoạt động, nhưng nhà máy gạch ngói của Công ty TNHH xe máy Bình An, đóng chân tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vẫn hoạt động suốt ngày đêm.
Chủ trương một đàng... hoạt động một nẻo
Theo đó, Dự án nhà máy sản xuất gạch ngói công nghệ cao Bình An tại xã Tân Long, huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4249/QĐ-UBND ngày 15/09/2017.
Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Xe máy Bình An (viết tắt là Công ty Bình An) với tổng mức đầu tư 97,705 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 42.000 m2. Tiến độ thực hiện dự án là 22 tháng, thời gian hoạt động 50 năm.
Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, giấy phép xây dựng thì Công ty Bình An sẽ xây dựng dây chuyền sản xuất gạch gốm ốp lát và ngói chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng được Chính phủ phê duyệt, quy hoạch của UBND tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, Công ty này đã bất chấp pháp luật, không xây dựng, lắp đặt dây chuyền công nghệ như đã được phê duyệt, mà ngang nhiên sản xuất gạch tuynel để bán ra thị trường từ năm 2018 đến nay, với số lượng 1 triệu viên/tháng. Cũng bởi do lắp đặt dây chuyền trái với phê duyệt, giấy phép, nên đến nay, nhà máy này vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
Quan sát của chúng tôi, tại nhà máy này hiện có gần 100 công nhân đang làm việc, chủ yếu gạch tuynel với đủ chủng loại. Ngoài ra, việc chưa được cấp mỏ đất, nên để có nguồn nguyên liệu sản xuất gạch, đơn vị này đang “mua” từ các đối tác khác hoặc những đơn vị khai thác đất với tên gọi cải tạo lòng hồ, đập trên địa bàn.
Khi được hỏi vì sao đến nay, dù chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu, cấp phép hoạt động, nhưng đơn vị vẫn hàng ngày sản xuất gạch đem bán với số lượng lớn? Ông Nguyễn Văn Khanh - Giám đốc nhà máy gạch Bình An cho biết: “Theo chủ trương của tỉnh, ngoài sản xuất gạch ốp lát thì Công ty Bình An cũng được sản xuất ngói và gạch tuynel. Riêng gạch ốp lát với công nghệ của chúng tôi chưa thể sản xuất được và nếu đợi hoàn thành mới hoạt động thì Công ty Bình An phải đối diện với việc phá sản”.
Trong khi đó, tại Văn bản số 526/UBND -KT&HT ngày 16/4/2019 của UBND huyện Tân Kỳ nêu rõ: Tuyệt đối không được đi vào hoạt động sản xuất khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng của UBND huyện (kể cả sản xuất thử nghiệm). Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công ty Bình An vẫn ngang nhiên hoạt động.
Chưa có mỏ đất
Dù hoạt động từ năm 2018 đến nay, ngoài việc chưa hoàn thành dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, Nhà máy gạch ngói Bình An vẫn chưa có mỏ đất để sử dụng. Ông Nguyễn Văn Khanh - Giám đốc nhà máy gạch Bình An thừa nhận: “Lâu nay nguồn đất phục vụ sản xuất, nhà máy mua từ các đối tác được chính quyền cho phép cải tạo hồ đập. Dù chưa có mỏ, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào chúng tôi đều mua và có hóa đơn đầy đủ”. Có thể thấy, việc phải mua đất cải tạo ao hồ, ruộng vườn của dân chỉ là tạm thời, bởi muốn nhà máy hoạt động đúng quy định của pháp luật, điều kiện cần phải có mỏ mới được cấp phép.
Không những vậy, dù nhà máy trên đã đi vào hoạt động 3 năm nay, nhưng trên giấy tờ, thủ tục pháp lý vẫn là “chạy thử nghiệm”, nên đến nay, các hạng mục bảo vệ môi trường như DTM vẫn chưa được nghiệm thu, hoàn thành. Vì vậy khói bụi, tiếng ồn, nước thải, chất thải nguy hại thải ra từ nhà máy… không được kiểm tra, xử lý. Việc các loại xe tải chở bùn đất, than xỉ từ các nơi khác về tập kết tại nhà máy đã gây ra khói bụi, mất an toàn khiến người dân bức xúc trong thời gian qua. Ngoài ra, vấn đề về PCCC tại nhà máy này vẫn chưa hoàn thành, nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trao đổi với ông Trần Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tân Long để rõ hơn về những tồn tại của Nhà máy gạch Bình An, ông Toàn nói không biết, cán bộ địa chính nắm rõ nhưng không có ở cơ quan. Trong khi đó, ông Nguyên Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Hiện huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở Xây dựng về những tồn tại của Công ty Bình An.