Giáo dục

Nghệ An: Nhiều giáo viên, nhân viên bị chậm lương

Điền Bắc 28/05/2025 09:45

61 giáo viên, nhân viên hợp đồng tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An) tiếp tục bị “treo lương” tháng 4 và tháng 5/2025. Lý do xuất phát từ cách hiểu và vận dụng khác nhau liên quan đến Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Anh bai tren
Nhiều giáo viên Trường THCS Nghi Hương (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) bị chậm lương tháng 4 và 5/2025. Ảnh: HT.

Nỗi lo vì chậm lương

Cô giáo Phạm Thị Giang Linh (37 tuổi) - giáo viên dạy âm nhạc Trường THCS Nghi Hương (TP Vinh) cho biết: Cô được UBND thị xã Cửa Lò ký hợp đồng không xác định thời hạn cách đây 16 năm. Hiện cô được hưởng mức lương hơn 10 triệu đồng gồm cả phụ cấp cho nhiệm vụ giáo viên âm nhạc và Tổng phụ trách Đội của trường, 2 tháng nay, cô chưa được nhận lương.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Hương cho biết: Ngoài cô Linh, Trường THCS Nghi Hương còn có 5 người nữa là giáo viên, nhân viên làm việc hợp đồng, họ đều đã có tên trong kế hoạch biên chế và kinh phí được tỉnh Nghệ An phê duyệt. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, các khoản chi trả cho họ bị ngừng lại với lý do "hưởng lương từ nguồn thu đơn vị". Thực tế, trường không có nguồn thu nào đủ để đảm bảo lương và các chế độ, nên rất khó khăn cho cả người lao động và nhà trường.

Theo ông Sơn, việc bị tạm dừng lương khiến cuộc sống của các thầy, cô giáo trở nên chật vật, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng giảng dạy. Nhà trường cũng chịu áp lực vì không thể giải thích rõ ràng, lại không có quyền chi trả thay. Không riêng trường THCS Nghi Hương, theo tìm hiểu của phóng viên, có 61 giáo viên, nhân viên hợp đồng khác đang làm việc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Vinh, trong đó có 27 người thuộc khu vực thị xã Cửa Lò (cũ) đều đang rơi vào tình cảnh tương tự.

Chưa thống nhất cách hiểu Nghị định 111

Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm chi trả lương cho 61 giáo viên, nhân viên nói trên xuất phát từ việc vận dụng chưa thống nhất Nghị định số 111/2022 của Chính phủ. Cụ thể, Nghị định này quy định rõ về hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, tại TP Vinh, việc giải ngân lương cho đối tượng giáo viên, nhân viên hợp đồng lại đang gặp vướng mắc từ Kho bạc Nhà nước khu vực X, do cách hiểu rằng các lao động này “hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp”, cụ thể là từ đơn vị sử dụng lao động, mà ở đây là các trường học, nên ngân sách nhà nước không thể chi trả.

Trước tình hình đó, TP Vinh đã có nhiều văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời, tiếp tục làm việc với Kho bạc Nhà nước khu vực X để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho người lao động được nhận chế độ theo đúng quy định. Cụ thể, tại văn bản số 3315/UBND-GDĐT gửi Kho bạc Nhà nước khu vực X, UBND TP Vinh đề nghị tiếp tục chi trả tiền lương và các khoản đóng góp cho 61 lao động hợp đồng.

Tại văn bản nói trên, UBND TP Vinh khẳng định: Những trường hợp này đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt trong kế hoạch biên chế, nhân sự và dự toán tài chính năm 2025, theo Quyết định số 3720 ngày 31/12/2024. Nguồn kinh phí chi trả lương cũng đã được thành phố cân đối, bố trí đầy đủ trong ngân sách thường xuyên. Vì vậy, việc chậm chi trả lương không nằm ở khâu thiếu nguồn lực, mà chủ yếu là do cách hiểu và áp dụng chưa thống nhất quy định pháp lý hiện hành.

Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ra đời với mục tiêu tạo cơ chế rõ ràng, minh bạch cho việc sử dụng hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, khi đưa vào thực tiễn, nếu thiếu hướng dẫn thống nhất và kịp thời thì chính sách dù có tốt cũng sẽ gây ra hệ lụy không mong muốn, như trường hợp đang xảy ra tại TP Vinh.

Theo thống kê của UBND TP Vinh, 61 người bị chậm lương gồm: 34 người thuộc cấp học THCS, 27 người thuộc cấp Tiểu học, trong đó thị xã Cửa Lò (cũ) có 38 người và TP Vinh có 23 người. Họ từng bị chậm lương tháng 1, 2, 3 năm 2025, sau đó đã được chi trả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ An: Nhiều giáo viên, nhân viên bị chậm lương