Nghề ‘đi câu’ cuối năm - Bài 1: Mỗi ngày trôi qua như ‘ngồi trên đống lửa’

Hoàng Anh 25/01/2022 15:00

Càng gần những ngày cuối năm, những người làm nghề xe ôm truyền thống lại càng trở nên lo lắng bởi cái nghề “đi câu” cuối năm là cơ hội cho họ có một cái Tết đủ đầy. Thế nhưng năm nay dịch bệnh, chẳng ai nói trước được điều gì...

Chật vật “câu cơm”

Những ngày này, ông Trần Văn Bình (54 tuổi, quê Thái Bình) luôn trực chờ quanh khu vực bến xe Mỹ Đình ngóng chờ từng vị khách. Cuối năm, lượng người di chuyển nhiều hơn ngày thường rất nhiều nên những xe ôm truyền thống như ông đều tranh thủ tối đa để có thể làm việc.

Ông Bình (áo xanh bên phải) luôn trực chờ quanh khu vực bến xe Mỹ Đình ngóng chờ từng vị khách.

Ông chia sẻ, mọi năm đây là thời điểm quan trọng để có thể kiếm thêm vài đồng về cho vợ con tiêu Tết. Thế nhưng năm nay việc làm ăn cũng trở nên khó khăn hơn nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Chú thấy đấy, quanh bến xe có cả vài chục xe ôm lúc nào cũng sẵn sàng tranh giành khách của nhau. Cố kiếm lấy cái bánh chưng có thịt cho Tết này mà cũng khó chứ chẳng đùa. Bình thường tôi chạy cả cho Be nhưng mãi chưa mở lại app nên đành đứng chầu chực ở bến xe cả ngày, ai cần thì chạy”, ông Bình nói.

Nhiều tài xế luôn có mặt tại bến xe Mỹ Đình những ngày này...

Cũng theo ông, vì tình hình dịch bệnh nên lượng người di chuyển có phần giảm đi so với mọi năm. Xe ôm công nghệ chưa được hoạt động trở lại nên việc tiếp cận với khách cũng có nhiều hạn chế. Bởi vậy, mỗi ngày cuối năm trôi qua với ông Bình đều như “ngồi trên đống lửa”, nhất là khi năm mới đã cận kề.

Vừa đưa mắt nhìn tìm khách, ông Bình vừa nói: “Gần 1 tuần nay tôi đều có mặt tại bến từ 5 rưỡi sáng đến tận 10h đêm mới về để tranh thủ kiếm thêm tiền tiêu Tết. Thế nhưng cũng không khá hơn ngày thường là bao, có hôm cũng chỉ kiếm được hai ba trăm ngàn. Càng gần Tết lại càng sót ruột vì khách thì chẳng thấy đâu mà xe ôm thì nhiều không đếm xuể”.

Cũng ngao ngán giống ông Bình, anh Trần Văn Tuấn (quê Nam Định) cho biết, năm nay dịch bệnh khó khăn chỉ mong mỗi mấy ngày cuối năm kiếm thêm chút ít mà khách thưa thớt hơn hẳn so với những năm trước.

Anh Tuấn lí giải: “Mọi năm sinh viên đi học về quê đợt này đông lắm, chở một ngày không biết bao nhiêu chuyến. Chưa kể còn chạy cho mấy app xe ôm công nghệ nên cuối năm “cá kiếm” đủ tiêu Tết. Năm nay đã ít khách rồi lại còn thấy người ta chạy xe ôm đông hơn, Tết này chắc chết đói”.

Ai thuê gì chở nấy

Để tăng thêm thu nhập những ngày này, anh Tuấn cũng như nhiều tài xế xe ôm khác đều cố gắng tranh thủ chở thuê hàng hoá, đào quất…với mong muốn một cái Tết đủ đầy. Hình ảnh những chiếc áo đồng phụ xanh, vàng…vội vã khuân vác từng thùng hàng chất lên xe để chở đi tại bến xe Mỹ Đình những ngày này đã không còn xa lạ.

Anh Tuấn tranh thủ chở thuê hàng hoá để kiếm thêm thu nhập những ngày cuối năm.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (42 tuổi, quê Thanh Hoá) đang vừa chằng thùng hàng được khách thuê chở vừa chia sẻ: “Được thuê là tốt lắm rồi, ai thuê chở gì thì chở nấy thì mới có tiền mà về quê ăn Tết chứ năm nay khó khăn quá. Chắc cố chạy thêm vài ngày nữa rồi về quê sớm thôi chứ chẳng mong chờ gì”.

Anh cho biết thêm, mọi năm đều cố gắng chạy xe đến hết ngày 29 Tết rồi thu dọn đồ đạc về quê trước ngày 30 Tết nhưng năm nay thấy tình hình không mấy khả quan nên muốn về sớm đoàn tụ cùng vợ con. “Kiếm thêm vài đồng thì ăn Tết vui hơn đấy nhưng năm nay sinh viên cũng ở nhà hết, người ta đi lại cũng hạn chế nên thôi về trước cho vợ con nó mừng”, anh vỗ vỗ vào thùng hàng vừa chằng xong rồi nhanh chóng nổ máy.

Cũng như anh Tuấn Anh, anh Kiều Văn Việt (22 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) sau khi được nghỉ làm sớm cũng mang chiếc xe ra đường “hành nghề”. Trước đó, Việt cũng tranh thủ chạy xe vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập.

Trao đổi với PV, anh Việt cho biết, vì về quê chỉ mất 1 giờ di chuyển bằng xe máy, lại được nghỉ làm sớm nên tranh thủ ở lại thêm vài ngày chạy xe kiếm tiền. Không chỉ chở khách, Việt cũng sẵn sàng chở thuê đào, quất quanh khu vực đường Lạc Long Quân nếu có người thuê chở.

“Mỗi ngày cứ sáng thì em chạy qua bến xe Mỹ Đình, chiều thì lại vòng về Lạc Long Quân, vừa chở khách, vừa chở thuê đào, quất cho người ta. Tranh thủ chạy như thế cũng có ngày em kiếm được cả triệu bạc, để dành Tết mang về cho bố mẹ sắm Tết”, Việt chia sẻ.

Với những lao động tự do làm nghề xe ôm những ngày này, mỗi lượt khách, lượt chở hàng đều là một niềm hi vọng để họ có thêm một cái Tết ấm no, vui vầy bên gia đình, người thân…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề ‘đi câu’ cuối năm - Bài 1: Mỗi ngày trôi qua như ‘ngồi trên đống lửa’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO