Trong thời gian gần đây, các buổi biểu diễn nghệ thuật hàn lâm (opera, nhạc kịch, ballet...) đang dần “phủ sóng” ở nhiều sân khấu trên cả nước. Vậy điều gì đã thu hút khán giả đến với Nhà hát?
Sau một thời gian dày công chuẩn bị, vở nhạc kịch kinh điển “Những người khốn khổ” đã được Nhà hát Vũ kịch Việt Nam (VNOB) chính thức công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cả 4 đêm diễn đều “cháy vé”. Đây cũng không phải lần đầu tiên một vở diễn của VNOB đã tạo được sức lan tỏa và thu hút khán giả lớn đến vậy.
Trước đó, vở ballet “Hồ thiên nga” đã tạo nên “cơn địa chấn” với 7 đêm diễn chật kín khán giả… Để có được thành công, hàng trăm nghệ sĩ và nhân viên đã vất vả hàng tháng trời luyện tập.
Theo NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB: Để dàn dựng vở “Những người khốn khổ” đơn vị đã phải lên ý tưởng từ cuối năm 2019. Chúng tôi đã liên hệ đại sứ quán Pháp, đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp… Cuối cùng đã có được bản quyền âm nhạc để kịp thời phục vụ khán giả Việt Nam theo đúng kế hoạch.
Bên cạnh đó, cũng theo NSƯT Trần Ly Ly, Nhà hát đã lựa chọn dàn diễn viên, với trụ cột là các nghệ sĩ Opera nổi tiếng của VNOB, cùng với dàn hợp xướng Hanoi Voices, có thành phần là các nghệ sĩ quốc tế hiện đang làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, ekip đạo diễn, biên đạo có sự cống hiến của sức trẻ và tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là đạo diễn trẻ Triều Dương, tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn nhạc kịch tại Anh, chấp nhận cách ly 14 ngày sau khi từ Anh về, hay biên đạo múa Linh An, chuyên ngành biên đạo Broadway tại Mỹ…
Nhà hát Ca múa Thăng Long mới đây cũng đã chính thức công diễn vở nhạc kịch “Tôi đọc báo sáng nay”. Với sự tham gia của một ekip sáng tạo trẻ như nhạc sĩ Dương Cầm, ca sĩ Khánh Linh... bên cạnh các nghệ sĩ như NSƯT Khánh Hòa, Hồng Dung, Lô Thủy, Bách Nguyễn, Bảo Trâm, Đông Hùng, Đinh Quang Đạt... đã mang một màu sắc mới cho nhạc kịch. Bên cạnh nội dung vở nhạc kịch là những câu chuyện của đời sống, vấn đề của xã hội từ chuyện tiền điện, vệ sinh môi trường, chuyện vụn vặt ở khu phố, cho đến chuyện chống dịch Covid-19, lũ lụt ở miền Trung… đã thật sự đánh đúng tâm lý của khán giả.
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị công diễn Bản giao hưởng số 9 vĩ đại của nhà soạn nhạc người Đức Beethoven liên tiếp trong 3 đêm 16, 17 và 18/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là chương trình với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn hợp xướng Hà Nội, Dàn hợp xướng Freude Hà Nội, Dàn hợp xướng Zion Hà Nội... và đặc biệt là sự xuất hiện của các nghệ sĩ Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh, nhằm thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của tác phẩm mang tinh thần bác ái, đoàn kết nhân loại, hướng tới tương lai.
Được biết, vé của cả ba đêm hòa nhạc đã được đặt gần hết… Ngoài ra, đơn vị này với hệ thống chương trình hòa nhạc đặt vé trước cũng đang tạo được thói quen nghe nhạc hàn lâm cho công chúng thủ đô.
Có thể thấy, với “bức tranh” của nghệ thuật hàn lâm hiện nay thì dường như độ “phổ cập” với khán giả đã ngày một sâu rộng. Ở đó, những người nghệ sĩ không chỉ luyện tập để có những tác phẩm chất lượng mà còn là những “đại sứ” quảng bá nghệ thuật. Với nhiều nhà hát, thay vì ngồi chờ công chúng đến thưởng thức nhạc giao hưởng, thính phòng trong nhà hát, một số đơn vị đã chủ động đưa các loại hình nghệ thuật hàn lâm xuống đường phố, về với vùng nông thôn, khiến thể loại này gần gũi, thân thiện hơn với công chúng.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ có những sáng tạo táo bạo, mang tới những sản phẩm đặc sắc, gây ấn tượng mạnh với công chúng. Đơn cử như thể loại nhạc kịch đã đề cập đến nhiều vấn đề gần gũi với người dân hơn; nhiều vở ballet đã có sự kết hợp giữa âm nhạc bán cổ điển và âm nhạc dân gian Việt Nam… Chính những cách làm này đã phá bỏ được “rào cản” của khái niệm nghệ thuật hàn lâm chỉ dành cho một bộ phận, tầng lớp trong xã hội.
Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nghệ thuật hàn lâm là cốt lõi của nghệ thuật, có khả năng hội nhập quốc tế và đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho công chúng. Vì vậy việc duy trì, phổ biến mạnh hơn các tác phẩm trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết.
Để làm được điều này, theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Trước tiên cần thúc đẩy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hàn lâm từ lứa tuổi nhỏ, làm sao để mỗi người dân Việt Nam đều được tiếp cận, làm quen ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, đó là giải pháp dài hạn. Còn điều cần làm hiện nay là những người làm nghề phải sáng tạo ra những sản phẩm theo hướng gần gũi, phổ cập hơn, thu hút được khán giả nhưng vẫn giữ được nét hàn lâm, kinh điển.
“Bên cạnh đó, cần tiếp tục chủ động đến với khán giả, tạo nên thói quen nghe nhạc, xem kịch cho công chúng. Đồng thời, các đơn vị nghệ thuật cũng nên có kế hoạch truyền thông, quảng bá mạnh mẽ để thu hút công chúng” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.