Xã hội

Nghề ‘xem tuổi’ sầu riêng

ĐOÀN XÁ 26/05/2024 07:27

Là loại trái cây thông dụng, rất thơm ngon và nhiều dinh dưỡng ở khu vực miền Tây Nam bộ nhưng thu hoạch sầu riêng lại là công việc vất vả, khó khăn và rất ít người làm được. Trong đó, công đoạn khó nhất là “đếm tuổi” của trái sầu riêng, với những người có kinh nghiệm, kỹ năng mới biết chính xác. Họ thường được gọi là những thợ gõ sầu riêng, người chỉ chuyên tìm và cắt những trái đủ chín.

anh-3-doc-dao-nghe-xem-tuoi-sau-rieng.jpeg
Nghề “nghe tuổi” sầu riêng đã đem lại nguồn thu cho nhiều nông dân ở miền Tây Nam bộ.

Thu nhập từ công việc “nghe” trái chín

Những ngày này, các vườn sầu riêng ở vùng Tây Nam bộ rộng lớn vẫn đang tất bật trong mùa thu hoạch chính. Khác với những trái cây như bưởi, cam, nhãn, xoài hay thanh long… chỉ cần nhìn bên ngoài là biết ngay trái đã tới thời điểm thu hoạch, sầu riêng lại cần những thợ lành nghề hơn thế rất nhiều.

Anh Nguyễn Văn Huy, 37 tuổi, một thợ gõ sầu riêng gần 10 năm kinh nghiệm cho biết anh quê ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), một trong những vùng đất trồng sầu riêng nổi tiếng.

“Từ bé tôi đã cùng cha và ông ngoại chăm sóc cây sầu riêng. Hàng ngày nhìn trái sầu riêng lớn lên nên tôi biết lúc nào chúng chín, lúc nào chưa. Sầu riêng được trồng ở đây từ lâu lắm rồi nhưng khoảng chục năm trở lại đây mới trồng nhiều. Có nhiều chủ vườn ở xa tới mua đất, thuê người trồng nên tới mùa họ cũng phải thuê thợ cắt sầu riêng như chúng tôi.

Sầu riêng rất khó phân biệt sống, chín khi chúng còn ở trên cây. Cách dễ nhất là ngửi mùi thơm của chúng. Nhưng không phải trái nào cũng dễ dàng ngửi được. Cách nữa là lấy con dao thái lan nhỏ gõ gõ vào trái sầu riêng, thấy tiếng kêu bộp bộp, bịch bịch là chúng đủ tuổi, kêu boong boong là chưa đủ. Quy định trong nghề cắt sầu riêng phải từ 8 tuổi trở lên mới đủ độ tuổi.

Lúc này cắt xuống, sầu riêng sẽ tự chín sau vài ngày. Sầu riêng mà tầm 7 tuổi thì phải ủ kín bằng bao ni lông hay rơm rạ. Nếu sầu riêng dưới 7 tuổi thì là loại non, phải kích thích mới chín được. Thông thường không ai cắt sầu riêng dưới 7 tuổi cả”, anh Huy chia sẻ.

Cũng theo anh Huy, tuổi của sầu riêng là quy ước mà dân trong nghề thu hoạch tự ước lượng với nhau, người ngoài rất khó để định lượng được. Và cũng như các loại trái cây khác, dù tới mùa nhưng các trái sầu riêng không thể chín đồng loạt cùng lúc.

Thậm chí cùng một nhánh cuống, có trái chín, trái sống là bình thường. Với những cây lớn hàng trăm trái, sầu riêng có thể chín rải rác trong 2-3 tuần.

Vì vậy, việc chọn và tìm đúng trái chín là công việc không hề đơn giản, nhất là khi mỗi trái sầu riêng có giá trị tới vài trăm ngàn đồng. Nhưng không chỉ có kinh nghiệm xem tuổi, nghề thu hoạch sầu riêng thường bao gồm nhiều kỹ năng khác nên không phải ai cũng có thể làm được.

“Đầu tiên là phải có sức khoẻ, biết trèo cây vì sầu riêng cao lắm, nhiều trái ở đầu ngọn khó tiếp cận được. Khi tiếp cận một trái sầu riêng, ban đầu là quan sát bằng mắt thường. Nếu trái có nứt vỏ thì chắc chắn là chín rồi nhưng thực tế rất hiếm vì thường cắt trước lúc đó. Quan sát kỹ hơn, thấy vỏ sầu riêng có dấu đồi mồi, rám rám ở phần gai nhọn là bắt đầu chín.

Do sầu riêng chín từ dưới lên phần cuống nên nhìn mà không chắc chắn thì lấy dao gõ gõ vào phần dưới của trái. Tiếng gõ nghe lộp bộp là sầu riêng đủ tuổi vì lúc này cơm và múi đã bắt đầu tách ra rồi. Còn trái non thì tiếng kêu nặng hơn nhiều.

Sau khi tìm được trái chín là cắt. Đây là công đoạn cũng không dễ dàng gì vì sầu riêng rất nặng, trái 5-7 kg là thường và gai nhọn. Việc cắt và thả cho công nhân ở dưới hứng cũng cần có kỹ năng nữa”, anh Huy nói.

Cũng làm nghề đếm tuổi thu hoạch sầu riêng, anh Trần Bé, 34 tuổi ở xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) cho biết, mấy năm gần đây, mỗi vụ sầu riêng anh đều thu không dưới trăm triệu nhờ việc “nghe” tiếng gõ rồi cắt sầu riêng cho các chủ vựa.

“Công việc này vừa dễ lại vừa khó. Với người không biết thì nhìn sầu riêng trái nào cũng giống trái nào. Giờ sầu riêng chín nhưng vỏ vẫn có màu xanh. Nên với thợ lành nghề thì phải quan sát cuống, vỏ, gai sầu riêng để đoán gần đúng tuổi của chúng. Việc dùng dao gõ gõ là bước cuối cùng thôi. Hiện nay, tiền công của anh em gõ sầu riêng thường được vựa trả theo thoả thuận.

Mấy vựa ở bên Mỏ Cày, Chợ Lách thường trả tiền theo kg, có vựa trả theo ngày công nữa. Sầu thấp dễ cắt thì họ trả 500 đồng mỗi kg, còn sầu cây cao (tuổi lâu năm), khó cắt thì trả tới 1.000 đồng mỗi kg. Như tôi có ngày cắt được 1,5 tới 2 tấn sầu riêng nên tiền công cũng trên dưới 1 triệu đồng rồi”, anh Bé cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Bé, rủi ro với những thợ cắt sầu riêng là họ phải đền cho chủ vựa nếu cắt nhầm những trái chưa tuổi chín. “Sầu riêng giờ giá cao lắm. Những trái Ri6 hay chuồng bò rất nặng, có khi tới 6-7 kg có giá cũng vài trăm ngàn rồi. Mình cắt nhầm vài trái là coi như làm việc cả ngày không đủ tiền công luôn”, anh Bé kể.

Chất lượng là quan trọng nhất

Là “thủ phủ” sầu riêng của miền Tây Nam bộ, dọc những con đường ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) hay Châu Thành, Chợ Lách… (tỉnh Bến Tre) những ngày này luôn tấp nập hình ảnh mua bán vận chuyển sầu riêng.

Trong đó, hầu hết sầu riêng được các vựa thu mua rồi đưa lên xe container chở xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ một phần nhỏ được tiêu thụ trong nước. Dù có giá bán khá cao nhưng chất lượng sầu riêng xuất khẩu cũng được phía bạn hàng kiểm soát chặt chẽ.

Điều này, khiến các chủ vựa thu hoạch phải chọn lựa những thợ cắt lành nghề, có kinh nghiệm để không bị cắt nhầm, cắt lẫn các trái chưa đủ tuổi. Bởi trong cả một lô sầu riêng nếu có lẫn một vài trái không đạt chất lượng cũng sẽ bị trả về.

Chị Nguyễn Thu Diệu, chủ một vựa thu mua sầu riêng ở xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, thời điểm này đang là vụ thu hoạch, có ngày vựa của chị cắt gần 30 tấn sầu riêng để bán sang Trung Quốc.

“Hàng xuất khẩu bây giờ người ta kiểm tra gắt gao lắm, đặc biệt là tuổi sầu riêng. Vì thế vựa của tôi phải tuyển những thợ gõ lành nghề, biết nghe chính xác tuổi để giữ uy tín với bạn hàng. Nhiều trái sầu riêng lớn, có vỏ sáng màu nhưng lại chưa đủ tuổi. Trong khi nhiều trái vỏ còn xanh nhưng đủ tuổi, nếu mình không hái mà để vài ngày sau thì sẽ bị rụng xuống đất mất rất phí”, chị Diệu chia sẻ.

Theo chị Diệu, vựa của chị thường trả tiền công của thợ gõ sầu riêng hiện nay dao động từ 1 tới 1,2 triệu đồng/ngày. Theo đó, khi tìm được vườn sầu riêng, thỏa thuận mua bán với nông dân xong, vựa sẽ thuê thợ gõ tới thu hoạch, cắt sầu riêng.

Thông thường, sầu riêng được thu hoạch làm 2 đợt, cách nhau chừng 7 tới 10 ngày để đảm bảo các trái cắt đủ tuổi. Một số vựa tiết kiệm chi phí, thu hoạch 1 lần thì chắc chắn sẽ có nhiều trái chưa đủ tuổi vì sầu riêng rất khó chín đồng loạt hàng ngàn trái cùng nhau được.

Những trái chưa đủ tuổi đó buộc phải ủ, thậm chí là ủ có thêm hóa chất mới chín được. Tất nhiên, chất lượng trái này sẽ kém hơn và nếu bạn hàng phát hiện ra thì ảnh hưởng tới uy tín của vựa, thậm chí bị tẩy chay không mua hàng đợt tiếp theo nữa.

Vì vậy, những vựa làm ăn lâu dài thường tự kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tuổi của sầu riêng khi thu hoạch, để đảm bảo uy tín, thương hiệu và giữ mối làm ăn.

Ngoài ra, trong thời gian tìm hiểu về nghề thu hoạch sầu riêng ở miền Tây Nam bộ, chúng tôi được biết nhiều vựa thu hoạch sầu riêng sẽ kiểm tra chất lượng, tuổi của trái tới 2-3 lần trước khi chính thức đóng gói đưa đi xuất khẩu.

“Ngoài kiểm tra tuổi, mình còn phân loại trái theo hộc (múi) và trọng lượng nữa. Những trái sầu riêng loại 1 ngon nhất là có 4 tới 5 hộc, trọng lượng từ 2,5 tới 5 kg và tuổi 8 hoặc 9. Trái loại 1 có giá cao nhất, hầu hết đem xuất khẩu. Tiếp theo là các trái loại 2 và trái dạt thì giá thấp hơn nhiều vì không đạt chuẩn, rất khó bán”, chị Diệu chia sẻ thêm.

Là loại cây “tiền tỷ” khi đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân, thương lái nhưng thời gian này, sầu riêng ở miền Tây Nam bộ còn mang tới thu nhập cao cho những người thu hoạch, người gõ trái đếm tuổi sầu riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề ‘xem tuổi’ sầu riêng