Vụ tai nạn cách đây 20 năm đã khiến anh Phạm Sỹ Long (35 tuổi, trú tại thôn Hợp Thành, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị liệt tứ chi và sống cùng chiếc xe lăn. Dù bị bại liệt nhưng anh vượt lên số phận và trở thành 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của cả nước.
Biến cố bất ngờ ập đến vào năm 2003, Long (lúc ấy 15 tuổi) trong lúc đi chăn bò không may bị ngã từ trên cây xuống đất. Vụ tai nạn đã khiến Long bị liệt hoàn toàn, nằm bất động một chỗ, chân tay ngày càng teo tóp. Cũng từ đấy, cuộc đời của chàng trai trẻ đành phải “làm bạn” với chiếc xe lăn, mọi ước mơ hoài bão cũng khép lại.
Bị bại liệt nên mọi sinh hoạt của Long đều phải phụ thuộc vào người thân. Trong nhiều năm chỉ nằm một chỗ đã khiến Long chán nản và tự ti khi bản thân phải sống trong cảnh lệ thuộc và trở thành gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2007, trong lúc xem tivi, nhìn thấy hình ảnh những người khuyết tật viết bằng chân, đó cũng chính là bước ngoặc để chàng thanh niên này quyết định vượt lên chính mình, vượt lên nghịch cảnh.
“Tôi nhận ra cả cơ thể của mình không chỗ nào cử động được, chỉ còn duy nhất miệng. Tôi đã nhờ mẹ lấy sổ, bút để tập ngậm vào miệng và viết. Từ đó, tôi bắt đầu dùng miệng để cầm bút. Lúc đầu chưa quen, mỗi lần ngậm bút như vậy, răng môi của tôi đau buốt” - anh Long kể.
Với sự quyết tâm, Long đã bắt đầu viết được những nét chữ đầu tiên. Những dòng chữ đầu tiên anh viết chính là họ tên của mình và của người thân trong gia đình. Khi dùng miệng viết được chữ thành thạo, Long bắt đầu sáng tác thơ theo thể tự do và tập vẽ tranh, tô màu...
Đến năm 2013, được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, anh Long đã xuất bản tập thơ “Miền khát vọng” với 32 bài thơ và năm 2020 xuất bản truyện dài “Không chỉ là giấc mơ”. Đến thời điểm hiện tại, anh đã sáng tác được 365 bài thơ, vẽ được hơn 60 bức tranh, 5 tác phẩm truyện và cuốn hồi ký dài trên 800 trang giấy.
Không thể dùng miệng để viết lên sổ nhiều như trước, anh Long chuyển sang dùng bút ngậm tự chế để thao tác trên điện thoại, ipad. Cũng nhờ việc tham gia mạng xã hội, anh tiếp cận được nhiều hơn với thế giới bên ngoài và bắt đầu tham gia các khóa học về luyện giọng, đào tạo MC từ các diễn giả trong và ngoài nước. Thấy Long là người chịu khó, ham học, nhiều cơ sở đào tạo đã cấp học bổng, tiếp sức để anh theo đuổi đam mê.
Vào năm 2021, anh Long quyết định mở lớp học online luyện giọng nói và ra mắt câu lạc bộ “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” trên nền tảng Youtube và Facebook. Ban đầu, câu lạc bộ mở ra nhằm tạo môi trường giao lưu, học hỏi cho những người khuyết tật nhưng đến nay, đã có những học viên là học sinh, giáo viên... tham gia. Mọi người đến với anh không chỉ để học một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, thuyết trình mà còn mong muốn được nghe anh truyền cảm hứng, nghị lực sống.
Bà Trần Thị Hà - Bí thư Đoàn xã Xuân Phổ cho biết, anh Phạm Sỹ Long là người truyền cảm hứng về lối sống tích cực, tinh thần lạc quan đến với đoàn viên, thanh thiếu nhi trong và ngoài xã. Tại các chương trình ngoại khóa của nhiều trường học trên địa bàn huyện, anh Long trở thành nhân vật chính chia sẻ động lực, thắp lửa nhiệt huyết giúp nhiều người có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Với ý chí vượt lên nghịch cảnh, anh Phạm Sỹ Long được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2022 và vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.