Nghị quyết số 36-NQ/TW là nền tảng phát triển kinh tế biển, quản lý biển và hải đảo

Diệu Hòa 31/05/2019 18:31

Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên nhận định “Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đưa ra một chiến lược tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển và hải đảo của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW là nền tảng phát triển kinh tế biển, quản lý biển và hải đảo

Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên phát biểu khai mạc Hội nghị

Ngày 31/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường(TNMT) tổ chức Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên chủ trì hội nghị.

Hội nghị là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và ngày Đại dương thế giới năm 2019 tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên cho biết: Những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể song vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức. Việc phát triển kinh tế biển ở một số nơi, một số khu vực đã gây ra ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa biển; chưa quan tâm đúng mức xây dựng thiết chế văn hóa các vùng biển và ven biển; chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Nghị quyết số 36-NQ/TW là nền tảng phát triển kinh tế biển, quản lý biển và hải đảo - 1

Quang cảnh Hội nghị.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhận định “Nghị quyết đã đưa ra một chiến lược tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển và hải đảo của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra”.

“Đây là dịp để các vị đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về việc triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời là cơ hội để Bộ TNMT tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW” - Thứ trưởng Trần Quý Kiên khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến cho biết: Trên cơ sở đánh giá những mặt còn hạn chế, những tác động diễn biến trên vùng biển, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển. Tỉnh Bạc Liêu đã cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế biển một cách mạnh mẽ.

Theo đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/12/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh và kế hoạch số 38 của UBND tỉnh Bạc Liêu, trong đó có nhiều nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện NQ số 36-NQ/TW, nhất là mục tiêu phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh, giàu về biển, tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có tính cạnh tranh cao.

“Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển khá, là trung tâm điện gió, điện khí và điện mặt trời, trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế biển. Bên cạnh đó, tích cực chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu và triển khai các chương trình phát triển hài hòa trong điều kiện biến đổi khí hậu đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”- Phó Chủ tịch Lê Minh Chiến cho biết.

Các tham luận được trình bày tại hội nghị đã chỉ rõ những mặt hạn chế, yếu kém và nguyên nhân qua 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW); khái quát tình hình triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW trong thời gian qua; giới thiệu những nét chính trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 05 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW; đồng thời đề xuất, kiến nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị quyết 36-NQ/TW tại các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị quyết số 36-NQ/TW là nền tảng phát triển kinh tế biển, quản lý biển và hải đảo