Ngày 8/1/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Ngô Thị Minh ký ban hành Kế hoạch số 26/KH-BGDĐT. Tuy nhiên, sau khi giao cho các đơn vị cấp dưới triển khai thực hiện, thì đã xuất hiện nhiều “phiên bản” có nội dung bị thay đổi, thêm bớt, sai lệch bản chất với Kế hoạch số 26 do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký ban đầu.
Cấp dưới tự ý sửa đổi văn bản của Thứ trưởng?
Ngày 8/1/2021, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GDĐT đã ký ban hành Kế hoạch số 26/KH-BGDĐT về việc triển khai Chương trình công tác về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy và tệ nạn xã hội của Bộ GDĐT năm 2021.
Mục đích của kế hoạch này là triển khai các nội dung công việc được giao tại Nghị quyết số 121/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (Nghị quyết 121); Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Kế hoạch năm 2021 của Ban chỉ đạo 138/CP; Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị của Bộ GDĐT về phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và an ninh, trật tự, an toàn trường học; Phòng chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy và tệ nạn xã hội trong cán bộ, quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, khi Kế hoạch số 26 được gửi tới Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên để Vụ này triển khai tới các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, thì đã bị thay đổi từ tên Kế hoạch đến nội dung trong văn bản.
Cụ thể, “Kế hoạch triển khai Chương trình công tác về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, ma túy và tệ nạn xã hội của Bộ GDĐT năm 2021” đã bị thay đổi thành “Kế hoạch triển khai Công tác phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, tư vấn tâm lý, hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành Giáo dục năm 2021”.
Do tên Kế hoạch bị thay đổi nên mục đích của kế hoạch cũng bị thay đổi thêm nội dung triển khai, đó là: “Quyết định số 1665/QĐ-TTG ngày 30/10/2017 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Bên cạnh đó, phần nội dung của Kế hoạch số 26 cũng bị thêm bớt. Cụ thể, phần 8 của Kế hoạch bị thêm bớt như sau: Phần 8 của nội dung kế hoạch số 26 là “tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, video clip, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các mô hình điểm, tấm gương sáng trong triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Sơ kết, đánh giá công tác triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học”.
Tuy nhiên, trong văn bản được Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên gửi xuống các cơ sở cấp dưới đã bị thêm thành: Tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, video clip, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các mô hình điểm, tấm gương sáng trong triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Sơ kết, đánh giá công tác triển khai công tác xã hội, tư vấn tâm lý, hỗ trợ khởi nghiệp trong trường học.
Mặt khác, Phần nội dung công việc của phụ lục Kế hoạch số 26 bị thêm 2 phần đó là: Hội thảo tổng kết Chương trình phối hợp triển khai Đề án 1665 và thúc đẩy sáng tạo xã hội trong các trường đại học tại Việt Nam giai đoạn 2018-2021, đơn vị chủ trì là Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, thời gian thực hiện là tháng 3/2021, kết quả/sản phẩm là Hội thảo được tổ chức; Đơn vị phối hợp là các Bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ, các sở GDĐT, các nhà trường.
Nội dung Khảo sát, Hội thảo quốc gia về nghiên cứu các yếu tố liên quan đến nhà trường tác động đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ vị thành niên, đơn vị chủ trì là Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên. Thời gian thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9/2021.
Những ai liên quan?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, từ những phiên bản Kế hoạch 26 có dấu hiệu bị sửa đổi, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đã lấy làm căn cứ để xây dựng và phát hành hàng loạt công văn, giấy mời đến các đơn vị để triển khai các nhiệm vụ khi chưa được lãnh đạo Bộ GDĐT phê duyệt.
Phát hiện sự việc, lãnh đạo Bộ GDĐT yêu cầu Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên giải trình.
Theo Báo cáo giải trình của bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chuyên viên Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên gửi lãnh đạo Bộ thể hiện, bà Lê Thị Hằng (Phó Vụ trưởng) là người chỉ đạo bà Thủy thay đổi nội dung bản Kế hoạch 26 để có căn cứ phát hành các công văn về việc tổ chức tập huấn cán bộ nguồn về công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Đồng Tháp.
Theo bà Thủy trình bày, bà Thủy nhận thấy bản Kế hoạch số 26 mà Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng gửi email cho bà Thủy và chỉ đạo bà Thủy sử dụng có sai lệch tên, nội dung so với bản Kế hoạch 26 đã được Thứ trưởng Ngô Thị Minh phê duyệt ngày 8/1/2021. Bà Thủy đã có ý kiến thắc mắc với bà Hằng về sự sai lệch này, tuy nhiên bà Hằng yêu cầu bà Thủy phải sử dụng.
“Do nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, trưa ngày 1/4/2021, tôi đã gọi điện báo cáo nhanh sự việc cho Vụ trưởng Bùi Văn Linh, đồng thời 17 giờ cùng ngày, tôi đã gặp trực tiếp Vụ trưởng để báo cáo chi tiết vụ việc”, bà Thủy giải trình.
Để có thông tin chính xác về sự việc, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã nỗ lực liên hệ với ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên nhưng không nhận được sự phản hồi từ ông Linh. Còn bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GDĐT chỉ trả lời ngắn gọn: “Bộ đang thực hiện quy trình theo NĐ 112, có kết quả sẽ thông tin sau…”.
Việc sửa đổi Văn bản nêu trên nhằm mục đích gì, và vụ việc sẽ được Bộ GDĐT xử lý ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới.