Với mục đích cạnh tranh và thu hút khách hàng, thời gian qua ngành đường sắt liên tục tung ra các gói khuyến mãi giảm giá vé.
Trước đó, trong đợt cao điểm Tết Nguyên Đán đơn vị này cũng giảm giá hàng ngàn vé tàu. Đây là điều khá nghịch lý bởi việc giảm giá khiến chất lượng dịch vụ thấp, thiếu chi phí tài đầu tư cũng như duy trì hoạt động. Thậm chí, ngay cả khi giảm giá vé thì nhiều chặng có quãng đường dài (trên 1.000 km), giá vé của tàu lửa vẫn tương đương hoặc thậm chí cao hơn cả giá vé máy bay cùng chặng. Ngoài ra, giá vé tàu lửa thường không cơ động như giá vé máy bay, nhất là ở các khung giờ, ngày trong tuần cũng là bất lợi với đơn vị này.
Thực tế, bất lợi của ngành đường sắt so với đường hàng không hay thậm chí cả đường bộ đang ngày một lớn và khó có thể thay đổi chỉ trong thời gian ngắn. Ở các chặng đường dài trên 1.000 km, di chuyển bằng máy bay là phương tiện ưa thích, hiệu quả hơn so với tàu lửa. Chặng đường càng lớn, ưu thế về thời gian và giá vé càng rõ rệt hơn.
Cụ thể, như chặng đường TP HCM đi Hà Nội của tàu Thống nhất, giá vé dao động 500 ngàn đồng cho tới 1,5 triệu đồng/hành khách. Nếu so sánh với giá vé của phương tiện máy bay di chuyển chặng đường này, nhiều hãng hàng không giá rẻ có thể cung cấp vé chỉ chưa tới 1 triệu đồng/hành khách nếu hành khách mua vé trước khoảng 1 tuần lễ.
Với phương tiện máy bay chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ trong khi tàu hỏa phải mất 33 giờ đồng hồ cho chặng hành trình trên. Ngoài thời gian nhanh gấp nhiều lần, chi phí của máy bay hiện nay cũng đang khá rẻ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại không nhiều.
Trong khi đó, so với các phương tiện xe đò, xe khách thì tàu lửa cũng thất thế bởi các bến đỗ không linh động. Thậm chí thời gian cũng chậm hơn và chi phí lại cao hơn. Đặc biệt hạ tầng đường bộ, với các tuyến đường cao tốc khiến cho phương tiện đi lại thuận tiện hơn khiến cho đường sắt càng thêm khó khăn.
Vài năm trước, nhằm thu hút một lượng lớn hành khách là người đi du lịch, ngành đường sắt đã chủ động liên kết với các đơn vị du lịch nhưng vì nhiều lý do, lượng hành khách này đã không đạt được như kỳ vọng.
Theo một chuyên gia về giao thông, việc giảm giá vé để khuyến mại, cạnh tranh với các dịch vụ khác là hướng đi không bền vững và rất khó duy trì của ngành đường sắt hiện nay. Bởi giảm giá vé đồng nghĩa với thu nhập, chất lượng dịch vụ... bị cắt giảm, bị thiếu hụt theo. Trong khi đó, chất lượng phục vụ của đường sắt đang là vấn đề khiến hành khách quay lưng.
Nếu không có nguồn vốn để tái đầu tư, nâng cao năng lực thì rất khó cạnh tranh với các ngành vận tải khác. Vì vậy, việc liên tục giảm giá không chỉ khiến thu nhập bị giảm sút mà về lâu dài, đây cũng là nghịch lý kéo giảm năng lực đường sắt.