Nghịch lý học tiếng Anh

Dung Hòa 03/11/2023 06:47

Ngày càng có nhiều bạn trẻ sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ, các bậc học từ phổ thông tới đại học cũng tăng cường các chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên, không ít học sinh đạt điểm ngữ pháp cao, nhưng kĩ năng nói hạn chế.

Học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài giúp tăng cường khả năng giao tiếp.

Tránh học thụ động

Nhiều vấn đề liên quan tới thực trạng, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực giảng dạy, học và khảo thí tiếng Anh đã được trao đổi tại Hội nghị quốc tế về Khảo thí Ngoại ngữ New Directions Đông Á lần thứ 11 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Bà Mina Patel, chuyên gia Nghiên cứu khảo thí, Hội đồng Anh, cho hay, hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Có hơn 2 tỷ người sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp trên toàn cầu. Mặc dù ngày nay, thế giới đang trở nên đa ngôn ngữ, nhưng đối với lĩnh vực giáo dục và lao động, tiếng Anh vẫn được coi là ngôn ngữ hàng đầu.

Theo bà Patel, không riêng người Việt, mọi người trên thế giới đều có khả năng học ngôn ngữ. Sự khác biệt duy nhất nằm ở động lực và điều kiện học tập. Nếu mọi người có động lực từ bên trong, họ sẽ thành công theo bất kỳ cách nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu động lực chỉ đến từ bề mặt như cần vượt qua kỳ thi thì không đủ lớn để thúc đẩy bản thân mỗi người học tới những kết quả lớn hơn.

Bà Patel cho rằng giới trẻ hiện nay học sinh đã có động lực học tiếng Anh hơn trước nhưng để duy trì, tiếp thêm động lực và truyền cảm hứng học tập cho học sinh, vẫn cần một số điều chỉnh trong cách thức giảng dạy. Học sinh muốn được tương tác và thử thách hơn trong lớp học, vì thế công việc của giáo viên phải tạo ra sự đa dạng trong các chương trình học, thu hút học sinh và là một tấm gương tốt để truyền động lực cho người học.

Cần thay đổi cách đánh giá năng lực tiếng Anh

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Giám đốc Đề án Ngoại ngữ quốc gia (Bộ GDĐT), Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dùng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Hiện các số liệu thống kê về khả năng tiếng Anh của người Việt chưa có tính khoa học vì việc này đòi hỏi dựa trên các tiêu chí, công cụ cũng như cách thức chọn mẫu chuẩn xác.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu nhận định, xét về mặt điểm số, hiện nay có rất nhiều học sinh Việt Nam đạt mức điểm IELTS 6.5 – 7.0, thậm chí là 8.5. Còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh được miễn thi tiếng Anh cũng tăng lên trên 40.000.

Dẫu vậy, trên thực tế vẫn có nhiều người dù đạt điểm số ngữ pháp cao nhưng lại không nói được tiếng Anh. TS Mai Hữu lý giải, là do phương pháp giảng dạy trước đây không thiên theo hướng giao tiếp, do đó học sinh được học về ngữ âm nhiều hơn nghe - nói, đồng thời cũng không có môi trường sử dụng. Hiện nay, học sinh học tiếng Anh nhưng chưa có nhiều môi trường để giao tiếp, thực hành. Ngoài ra các bài thi, trong đó có bài thi tốt nghiệp THPT, không đánh giá kỹ năng nghe - nói nên chưa phát huy hết khả năng của người học. Trong khi với môn tiếng Anh “càng thực hành nhiều càng tốt”. Nhưng thực tế, do không gian hạn chế của lớp học, các hoạt động tương tác đôi khi có thể gây ồn cho các lớp khác. Mặt khác, việc học tiếng Anh cần phải xuất phát từ nhu cầu tự thân. Nhưng ở một số khu vực ưu tiên thời gian cho các môn tự nhiên như Toán hơn, do đó thời gian học tiếng Anh còn hạn chế.

Vì vậy, hướng đổi mới trong đào tạo tiếng Anh là phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của người học. Theo TS Mai Hữu, trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Học sinh được tăng cường nghe nhiều hơn rồi phát triển dần các kỹ năng khác. Mục tiêu là kết thúc cấp tiểu học, học sinh đạt bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Tương tự, mục tiêu với THCS và THPT lần lượt là bậc 2 và bậc 3.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - chuyên gia giảng dạy tiếng Anh chia sẻ: Muốn học giỏi tiếng Anh cần 3 yếu tố: Thứ nhất, phải có môi trường nói tiếng Anh - yếu tố này vô cùng quan trọng. Thứ hai là yếu tố người thầy. Và thứ ba là chọn giáo trình phù hợp, không nên chạy theo các chương trình nhập khẩu quá nặng. Ngoài ra còn phải tính đến điều kiện của vùng miền. Học sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đương nhiên học tốt hơn học sinh ở nông thôn, miền núi vì ở những nơi đó thiếu thiết bị, thiếu thông tin và đời sống còn khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý học tiếng Anh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO