Để kỷ luật một đảng viên, nhất là bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, các tổ chức đảng đã phải tiến hành xem xét hết sức kỹ lưỡng, không gây oan khiên cho ai nhưng cũng không để vi phạm nào bị bỏ lọt; càng không xuê xoa, dung túng.
Ngày 28/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, để xem xét, thi hành kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong đó có 3 trường hợp đảng viên vi phạm bị khai trừ ra khỏi Đảng, là các ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh); Đào Anh Kiệt (nguyên Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM) và Nguyễn Văn Điều (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình).
Nhìn lại từ trước tới này, ít nhất là trong vòng gần 4 năm với Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, có thể thấy số đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị khai trừ ra khỏi Đảng là khá lớn. Trong đó có cả những đảng viên ở cương vị cao, cả về chức vụ chính quyền lẫn chức vụ trong Đảng.
Với kỷ luật Đảng, có những mức độ khác nhau tùy theo mức độ vi phạm, nhưng với mức độ buộc phải khai trừ ra khỏi Đảng là hình thức nặng nhất.
Qua những quyết định khai trừ đảng viên vi phạm ra khỏi Đảng có thể thấy sự nghiêm khắc, nghiêm minh của Đảng, kiên quyết loại bỏ khỏi hàng ngũ những ai có những sai phạm đến độ không thể giáo dục. Họ đã đánh mất chất cộng sản, đã xúc phạm lời thề thiêng liêng trong buổi lễ kết nạp họ vào Đảng.
Để kỷ luật một đảng viên, nhất là bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng, các tổ chức đảng đã phải tiến hành xem xét hết sức kỹ lưỡng, không gây oan khiên cho ai nhưng cũng không để vi phạm nào bị bỏ lọt; càng không xuê xoa, dung túng.
Nhưng đáng tiếc, từ những vụ án đã và đang chuẩn bị đem ra xét xử thời gian qua cho thấy công tác cán bộ, công tác kỷ luật Đảng ở một số nơi đã làm không tốt. Từ đó để lọt vào đội ngũ những kẻ xấu, phá hoại từ bên trong phá ra, làm suy giảm niềm tin của xã hội vào Đảng, Nhà nước.
Vì thế trong tình hình mới càng cần phải siết chặt hơn nữa kỷ luật Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, mà trước hết là công tác cán bộ từ cơ sở; công tác đấu tranh phê bình ngay từ cơ sở, mà ở đây là từ cấp chi bộ. Nếu “mũ ni che tai”, lấy nhắc nhở phê bình là chính trước khuyết điểm thì cũng có thể coi là làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, từ đó dung dưỡng mầm họa.
Từ chi bộ, công tác xây dựng Đảng cần phải được đề cao hơn nữa, dân chủ đi liền với kỷ cương, không để sự việc âm ỉ theo chiều hướng xấu. Để rồi khi vỡ lở, không chỉ người sai phạm bị kỷ luật mà tổ chức đảng nơi người đó sinh hoạt cũng sụt giảm uy tín.
Trở lại với việc 3 cá nhân sai phạm bị khai trừ ra khỏi Đảng mới đây, hai trường hợp (ông Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt) thì “không có gì phải bàn” vì trước đó khá lâu họ đã đã bị Toà án nhân dân TPHCM xử phạt tù và đang chấp hành án tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Nhưng đáng chú ý là trường hợp thứ 3: ông Nguyễn Văn Điều, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình đã vi phạm nghiêm trọng Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương và vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia gây hậu quả rất nghiêm trọng, đã bị khởi tố hình sự. Nói là đáng chú ý vì sự sai phạm của ông này còn “mới tinh”.
Trước đó, vào tối 8/5/2020, tại thành phố Thái Bình, ông Điều điều khiển xe ôtô biển số 29A - 995.83 trên đường Trần Thủ Độ đã va chạm với một người đi xe đạp. Vụ tai nạn khiến một người phụ nữ cao tuổi bị hất văng, đập vào xe máy đang chạy cùng chiều và sau đó tử vong; người đi xe máy bị thương.
Tai nạn giao thông là không ai mong muốn, nhưng quan trọng là thái độ của người gây ra tai nạn. Thật không thể chấp nhận là sau khi gây tai nạn ông Điều tiếp tục điều khiển xe bỏ chạy hơn 3 km, cho đến khi đến khi đâm tiếp vào một cổng sắt mới dừng lại.
Như vậy là từ khi gây ra vụ tai nạn (ngày 8/5) cho tới khi chính thức Ban Bí thư ra quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Điều (thông báo ngày 28/7) thời gian chưa tới 3 tháng. Đây là vụ xử lý kỷ luật (ở khung nặng nhất đối với đảng viên, lại là người có chức có quyền) được dư luận đánh giá là nhanh, kiên quyết.
Ở đây xin không bàn thêm về tư cách của một người như ông Điều, mà muốn nói rằng dư luận hết sức ủng hộ và tin tưởng vào quy trình xử lý kỷ luật nhanh chóng, rõ ràng của Đảng.
Nếu so với trường hợp ông Nguyễn Hữu Tín và ông Đào Anh Kiệt thì càng thấy lần này kỷ luật của Đảng rất chặt, rất nhanh: ông Tín bị khởi tố ngày 18/9/2018; ông Kiệt bị khởi tố cùng ngày - có nghĩa là sự việc đã chính thức diễn ra từ 2 năm trước.