Sáng 12/4, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm này đang điều trị cho 1 bệnh nhân ngộ độc chì do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng thiếu máu, liệt tứ chi, tổn thương thần kinh, và không thể tự nghiêng mình.
Theo người nhà bệnh nhân, sau khoảng 3 tháng uống thuốc nam mua của một bà lang gần nhà với mục đích chữa bệnh đau khớp, bệnh nhân chỉ còn 32kg, không thể tự đi lại được. Quá hoảng hốt, gia đình đưa bệnh nhân nhập viện và kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc chì nặng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chì trong máu lên đến 188,79 mcg/100 ml; viên thuốc bà lang cho bệnh nhân uống có gần 3% là chì. Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân đã có những tiến triển khả quan, có thể đứng lên và tự đi lại được, tuy nhiên, tổn thương dây thần kinh khó có thể hồi phục lại 100% như lúc ban đầu.
Một trường hợp khác, có cháu bé 4 tuổi ở Mỹ Đức, Hà Nội, được mẹ mua thuốc cam ở chợ gần nhà để bôi tưa lưỡi và hăm mông.
Thế nhưng, cũng vì chữa bệnh theo cách truyền miệng mà cháu bé phải nhập viện trong tình trạng còi cọc, thiếu máu. Tại bệnh viện Bạch Mai, sau khi các bác sĩ làm xét nghiệm, gia đình mới biết bé bị nhiễm chì rất nặng từ loại thuốc cam này.
Cũng tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Chị Lê Thị Nh. 22 tuổi, ở Ninh Bình, sau 8 tháng lập gia đình chưa có thai được bạn giới thiệu đến nhà ông lang L. ở cùng huyện để được bắt mạch và kê thuốc.
Chị Nh. được dùng 3 loại thuốc, 1 loại thuốc dạng lá để sắc uống và 2 loại viên để uống. Sau 10 ngày dùng thuốc, chị Nh. thấy đau mỏi toàn thân, cảm giác trống ngực, đau bụng, tới Trung tâm chống độc ngày 26/6/2012 được khám kiểm tra và được xác định bị ngộ độc chì, nồng độ chì máu 59,02 mcg/dL (nồng độ cho phép thấp hơn 10mcg/dL).