Ngộ độc nấm: Cảnh báo không thừa

Hà Phong 05/08/2015 09:45

Cục An toàn thực phẩm đưa ra cách nhận dạng nấm độc: Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc; Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.

Cần hết sức cẩn thận khi ăn nấm không rõ nguồn gốc.

Các tỉnh miền Nam đang là mùa mưa. Còn các tỉnh phía Bắc cũng đang trải qua đợt mưa kéo dài. Đây là thời điểm thuận lợi để nhiều loại nấm phát triển.

Mới đây, BV Đa khoa huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã tiếp nhận, chữa trị kịp thời cho bà Hà Thị Luyến (44 tuổi) và con gái Nguyễn Thị Lệ (20 tuổi), ở xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn bị ngộ độc do ăn phải nấm độc.

Theo chị Lệ, sáng 31/7, chị ra vườn hái rau tình cờ nhìn thấy một số cây nấm cao khoảng 15 cm, thân nấm to như chiếc đũa, mũ nấm có đường kính khoảng 10 cm nên hái về. Sau đó chị Lệ rửa sạch nấm, rồi chế biến, xào thành món ăn dùng trong bữa cơm trưa.

Ăn được khoảng một giờ, cả 2 mẹ con thấy chóng mặt, buồn nôn, đau thắt vùng bụng, ngực nên được đưa đến BV Đa khoa huyện Triệu Sơn cấp cứu.

Sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ xác định 2 mẹ con bà Luyến bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Lúc đó, 2 bệnh nhân đã có biểu hiện khó thở, mạch yếu, tụt huyết áp nên đội ngũ y, bác sĩ đã thực hiện các biện pháp giải độc, can thiệp kịp thời và chăm sóc tích cực. Rất may sau đó, cả 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, chỉ còn đau bụng nhẹ sau mấy ngày đã được xuất viện.

Trên đây là 1 ví dụ về ngộ độc do ăn nấm không rõ nguồn gốc. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua, các vụ ngộ độc do nấm độc tự nhiên đã liên tiếp xảy ra. Đây là loại ngộ độc có tỷ lệ tử vong cao và gây hậu quả nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa qua đã xảy ra 10 vụ ngộ độc nấm, Kon Tum là địa phương ghi nhận nhiều nhất với 4 vụ, tiếp đến là một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu với 2 vụ, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái mỗi địa phương xảy ra 1 vụ. Còn tính từ đầu năm 2015 đến nay, toàn quốc đã ghi nhận 13 vụ ngộ độc do nấm độc, làm 58 người mắc, 54 người đi viện và 4 người tử vong.

Việt Nam là một nước nhiệt đới khí hậu nóng ẩm nên thuận tiện cho các loài nấm phát triển, đặc biệt vào mùa Xuân, Hè. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón.

Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.

Bà Luyến bị ngộ độc nấm được điều trị tại BV.

Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục An toàn thực phẩm đưa ra khuyến cáo: Tuyên truyền người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần; Phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm (buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Đồng thời Cục cũng có đưa ra cách nhận dạng nấm độc: Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc; Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.

Một số biểu hiện khi ăn phải nấm độc

Khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo loại nấm mà có các biểu hiện ngộ độc khác nhau. Biểu hiện ngộ độc nấm cụ thể xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn 20-30 phút, còn bình thường biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau 2-4 giờ, thậm chí xuất hiện muộn sau khi ăn 20 giờ. Ngộ độc càng muộn thì càng khó chữa, ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện chung như sau: Đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối, dính máu; Buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; Toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; Hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; Co giật, tăng tiết đờm rãi…

Khi biết ăn phải nấm độc cần xử trí như sau: Ngay sau khi ăn nấm mà có các biểu hiện trên cần ngay lập tức gây nôn bằng các cách như: Móc họng, ngoáy họng bằng lông gà, uống nước mùn thớt… sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Đặc biệt, không cho nạn nhân uống các loại thuốc với rượu vì chất độc của nấm ngấm rất nhanh vào máu, làm tăng thêm độc tính của chất độc.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngộ độc nấm: Cảnh báo không thừa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO