Covid-19 trở lại Việt Nam. Các ngoại binh muốn vào nước ta thi đấu chẳng hề đơn giản. Nhưng việc họ trụ lại được tại V.League cũng không hề dễ dàng, bởi những điều khoản trong hợp đồng thử việc.
Nhiều chân sút vật vờ
Cả tuần vừa rồi, chuyện Gramoz Kurtaj và Nam Định ầm ĩ trong giới bóng đá Việt Nam. Câu chuyện đôi bên tranh cãi xoay quanh việc Kurtaj bị HLV Nguyễn Văn Sỹ đổ thừa là mắc bệnh ngôi sao và chỉ chọn trận để chơi bóng khiến đôi bên liên tục đăng đàn báo giới để thanh minh, chỉ trích lẫn nhau.
Tuy nhiên, đó chỉ là một cái cớ cho một vấn đề đằng sau. Đấy là hợp đồng giữa Nam Định và tiền vệ người Kosovo này. Gramoz cất công bay từ châu Âu vào Việt Nam. Anh phải trải qua 2 tuần cách ly để thử việc tại Nam Định. Và sau cùng, đội bóng thành Nam ép anh ký vào một bản hợp đồng với thời hạn đúng 1 tháng. Đồng nghĩa nếu như Gramoz không chứng tỏ được điều gì, anh sẽ bị thanh lý như một người lao động bình thường đến thử việc tại một công ty.
Những ngoại binh đến V.League không hề đơn giản. Dịch Covid-19 như bẻ chân bẻ tay họ. Để vào được Việt Nam, họ phải trải qua 14 ngày cách ly với đủ hình thức khác nhau. Và ngay sau đó, họ phải thể hiện hết sức trong bối cảnh vừa trải qua 2 tuần không thể chơi bóng trên sân cỏ. Đã thế, họ buộc phải ký vào bản hợp đồng rất ngắn hạn. Cuối cùng, khi không thể hiện được khả năng, CLB V.League sẵn sàng đá họ ra ngoài đường để tìm người mới.
Gramoz rơi vào tình cảnh đúng như thế. Anh kể rằng: “Trong ngày cuối cùng đăng ký cầu thủ tạm thời, Nam Định đưa tôi một bản hợp đồng. Họ nói rằng chỉ ký hợp đồng 1 tháng với tôi. Tôi chịu áp lực khi đặt bút ký. Bởi nếu không, Nam Định sẽ ký với cầu thủ khác, khi vẫn còn rất nhiều cầu thủ đang thử việc”, Gramoz chia sẻ. “Tôi ra sân ở trận gặp Hà Nội FC, ghi hai bàn và mọi người đều hạnh phúc, nhưng sau khi trận đấu kết thúc, tôi hơi đau cơ vì trận đấu rất căng thẳng và tôi cống hiến 100% sức lực trên sân để giành chiến thắng. Ngoài ra, vì tôi phải cách ly trong hai tuần và có chuyến bay dài từ châu Âu nên cơ bắp của tôi hơi mệt và cảm thấy rằng nó có thể dẫn tới chấn thương nghiêm trọng nếu tôi không nghỉ ngơi trong vài ngày.
Vào thứ Năm và thứ Sáu, tôi tập luyện cùng đội, nhưng gần như không thể chiến đấu và chạy nước rút với 100% khả năng, vì vậy tôi nói với HLV rằng có quá nhiều rủi ro nếu tôi thi đấu. Tôi cần tập luyện thêm 2-3 ngày với để cảm thấy sẵn sàng 100% trở lại. Tôi nói với ông ấy rằng tôi sẽ sẵn sàng 100% cho trận đấu tiếp theo. Nếu đó là trận chung kết Cúp Quốc gia hay ngày cuối cùng của mùa giải thì hôm nay tôi sẽ cố gắng, nhưng tôi cũng phải nghĩ đến tình hình chuyển nhượng ở Việt Nam.
Tuần trước, CLB thậm chí còn đưa một cầu thủ khác đến thử vị trí của tôi, vì vậy nếu tôi thi đấu hôm nay và dính chấn thương nặng thì chắc chắn HLV sẽ đuổi tôi ra ngoài và tôi cũng không thể ký hợp đồng với CLB khác nữa. Bất kỳ ai ở vị trí của tôi cũng sẽ làm như vậy”.
Cần thay đổi thời hạn chốt danh sách ngoại binh ở V.League
Trước khi vòng 3 V.League diễn ra, các CLB đều có 2 trận đấu để kiểm tra cầu thủ ngoại. Và nếu sau 2 trận đấu đấy, CLB cảm thấy không phù hợp. Họ sẵn sàng thanh lý để tuyển về một “Tây khác”. Gramoz chí ít sau khi bị Nam Định thanh lý vẫn tìm được bến đỗ. Đó là Thanh Hoá, đội bóng cũ mà anh từng chơi bóng vào năm 2019.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như Gramoz. Những cầu thủ như Claudecir, Walter Luiz, Felipe Martins hay mới nhất là Diakite đối diện với cảnh thất nghiệp trong ít nhất là nửa năm. Họ không dễ rời khỏi Việt Nam. Bởi trong bối cảnh hiện tại, khi các giải bóng đá ở Đông Nam Á đều đã khoá sổ chuyển nhượng, khi mà dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát ở nhiều nơi, việc đi lại với ngoại binh là quá khó. Họ đành chấp nhận ở lại cho đến khi giai đoạn 2 của V.League diễn ra. Đồng nghĩa, các CLB lại trải qua một quá trình thanh lọc ngoại binh một lần nữa.
Vấn đề nằm ở việc VPF đưa ra quy định về thời hạn đăng ký ngoại binh không phù hợp. Đang có độ vênh giữa thời điểm chốt nội binh và ngoại binh. Bởi nếu như VPF yêu cầu các đội phải đăng ký danh sách ngoại binh trước khi V.League bắt đầu thì họ lại để các CLB có quyền thay đổi ngoại binh khi V.League trải qua vài vòng đấu. Đương nhiên, những cầu thủ bị gạt bỏ rơi vào cảnh vật vờ, không lương, không thưởng trong suốt nửa năm trời.