Ngày 15/2, đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã trao số tiền bồi thường 1,068 tỷ đồng cho ông Trần Ngọc Chinh. Dự kiến, cũng trong tháng 2/2023, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trao 1,668 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai cho người đại diện của ông Trần Trung Thám.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra vụ án ông Chu Văn Quản - Bí thư chi bộ thôn bị sát hại. Lúc này, ông Trần Ngọc Chinh cùng nhiều người dân địa phương đã đứng ngoài theo dõi.
Đến ngày 3/3/1980, khi ông Chinh đang trồng lạc ngoài đồng thì lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phú đến đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông về tội giết người. Chiều cùng ngày, ông bị đưa lên trại giam Phủ Đức và được xác định là chủ mưu của vụ án.
Ngoài ông Chinh, Công an còn bắt thêm các ông: Trần Trung Thám; Khổng Văn Đệ (trú cùng thôn) và ông Nguyễn Đình Ký. Trong quá trình bị tạm giam, ông Trần Trung Thám đã bị chết.
Sau đó, quá trình điều tra xác định chỉ một mình ông Nguyễn Đình Ký phạm tội giết ông Chu Văn Quản. Ngày 15/6/1983, ông Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tù chung thân.
Ngày 10/10/1982, ông Chinh được VKSND tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người. Sau đó, ông Chinh và ông Đệ lần lượt được trả tự do vì không liên quan đến vụ án ông Quản bị sát hại.
Tuy nhiên, khi được trả tự do cho các nạn nhân oan sai này, các cơ quan tiến hành tố tụng Vĩnh Phú không tiến hành xin lỗi hoặc cải chính công khai về việc đã gây ra oan sai đối với 3 người.
Tháng 10/2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành xin lỗi công khai 3 ông, thừa nhận có những “sai sót dẫn đến hậu quả không ai mong muốn”. Gia đình 3 nạn nhân oan sai nói trên yêu cầu cơ quan chức năng gây oan sai phải tiến hành bồi thường tổn thất tinh thần, vật chất mà họ đã phải gánh chịu do những phán quyết oan trái.
Tháng 9/2020, ông Khổng Văn Đệ là người đầu tiên trong số 3 nạn nhân đã chấp nhận mức tiền bồi thường oan sai 1,167 tỷ đồng (so với mức ông Đệ yêu cầu là ông 5 tỷ 285 triệu đồng).
Còn ông Trần Ngọc Chinh và người đại diện của ông Trần Trung Thám không đồng tình với thương lượng bồi thường của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc nên khởi kiện, yêu cầu VKS bồi thường 38 tỷ đồng tổn thất tinh thần, vật chất. Tuy nhiên, quá trình xem xét xử lý, tòa án đã tuyên mức bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng.