Ngổn ngang câu chuyện vỉa hè

Minh Thủy 11/11/2023 07:55

Hơn 8 tháng trước, nhằm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, ngày 15/2/2023, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 01. Kế hoạch gồm 3 giai đoạn, bắt đầu ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm từ 1/3 đến 1/11. Tuy nhiên, cũng như những lần ra quân trước, tới nay vỉa hè, lòng đường Hà Nội vẫn bị lấn chiếm.

Cùng với Kế hoạch 01, ngày 9/3/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành văn bản số 607 về việc tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường. Tuy nhiên, vỉa hè lòng đường chỉ “yên” ít ngày rồi đâu lại vào đấy. Đến ngày 31/3, Hà Nội đã chuyển sang hướng thí điểm quy hoạch khu vực cho thuê vỉa hè.

Từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè. Thế nhưng, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, chỉ được một thời gian, công tác quản lý trật tự đô thị lại rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”. Câu chuyện vỉa hè, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM chưa bao giờ hết ồn ào.

Khi dư luận bức xúc về chuyện vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng cho dù đã có nhiều đợt “ra quân” rất rầm rộ, thì cũng có ý kiến cho rằng sau quá nhiều lần “thất thủ” đã cho thấy dù kiên quyết đến mấy thì cũng không khả thi do không phù hợp thực tế. Vỉa hè có thể chỉ là câu chuyện nhỏ so với bao vấn đề “nước sôi lửa bỏng” khác, vì nó “chưa chết ai”, nhưng nếu cứ để ngổn ngang thì lại rất khác. Nhất là khi nó cản trở giao thông, buộc người đi bộ phải luồn lách giữa trận đồ bát quái những bàn ghế, hàng hóa, xe cộ...

Nhiều người gọi đây là “cuộc chiến” - cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ - thông qua những đợt ra quân rầm rộ. Đã từng có một Phó Chủ tịch quận “tả xung hữu đột” trong “cuộc chiến” ấy, nhưng rốt cục đâu vẫn hoàn đấy. Còn cái cảnh khi vào chiến dịch, lực lượng tuần tra các tuyến phố thu giữ hàng hóa, bàn ghế, thậm chí thu giữ cả xe máy để trên vỉa hè, thì cũng không có gì lạ.

Những lần ra quân ấy cuối cùng không mang lại kết quả, vì sao? Câu trả lời tưởng dễ nhưng hóa ra lại rất khó vì động chạm đến sinh kế của người dân, hơn nữa, nó còn là một bộ phận của kinh tế đô thị. Không chỉ đối với người có nhà mặt đường mà còn rất nhiều người nơi khác tới thuê cửa hàng, “ngồi nhờ” vỉa hè để mua bán. Nhiều đoạn đường phố đã trở thành chợ. Chưa có con số thống kê, nhưng ước tính ở các đô thị dễ có đến cả triệu người sống nhờ vào kinh doanh trên vỉa hè.

Đó chỉ là yếu tố kinh tế, tất nhiên là quan trọng nhất, bên cạnh đó còn có cả yếu tố nếp sống, thậm chí cả “văn hóa vỉa hè”. Như vậy, nó có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực, vấn đề là làm thế nào để hạn chế mặt tiêu cực, đồng thời khai thác, phát huy mặt tích cực, thậm chí là lấy mặt tích cực để hạn chế mặt tiêu cực. Lúc đó “vấn nạn vỉa hè” ở các đô thị mới có lối thoát.

Còn nhớ, phát biểu kết luận và chỉ đạo tại cuộc họp giao ban quý 1/2023 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã (ngày 31/3/2013), ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nói: Thành phố văn minh hiện đại không thể cứ quanh năm đi dẹp vỉa hè, lòng đường.

ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng từng cho rằng, những đợt ra quân rầm rộ nhưng lại “đầu voi, đuôi chuột” đã tạo tiền lệ không tốt. Nguyên nhân là do sự thiếu quyết tâm của chính quyền, thiếu chấp hành của người dân và thiếu tính toán trong vấn đề an sinh xã hội khi người dân không còn được buôn bán ở vỉa hè. Chính quyền phải tính toán kỹ chứ không nên "cực đoan, răm rắp".

"Chỗ nào mình cũng dẹp hết, không để cho bà con làm nơi sinh nhai thì rất khó. Có những gánh hàng vỉa hè nuôi sống cả gia đình, và đó là nồi cơm của người dân, cho nên việc tổ chức thực hiện không nên quá cực đoan, phải quy định rõ” - ông Hòa nói.

Tương tự, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng vỉa hè vẫn lộn xộn là do cơ quan chức năng địa phương làm chưa tốt, thiếu giám sát, thiếu xử lý thường xuyên. Lãnh đạo các thành phố lớn (nhất là Hà Nội và TPTHCM) cần có những cơ chế, chính sách hợp lý hơn khi lập lại trật tự vỉa hè.

"Phải giải quyết vấn đề từ gốc, sau đó mới đi đến quy định cụ thể. Ra quân được một thời gian đâu lại vào đấy là không được" - ông Nghiêm nói.

Như vậy, kể cả khi đã giành lại được vỉa hè thì “hậu” của nó bỗng trở nên quan trọng. Thực tế cho thấy, nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng, người dân mất sinh kế thì vỉa hè vẫn sẽ cứ ngổn ngang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngổn ngang câu chuyện vỉa hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO