Xã hội

Ngư dân vui mùa cá hố

ĐOÀN XÁ 02/03/2025 08:00

Những tháng đầu năm này, hàng trăm ngư dân miền Tây Nam bộ ở vùng ven biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh… đang vui mừng vì những chuyến ghe đầy ắp cá hố. So với nhiều năm trước, cá hố hiện nay là một trong những loại hải sản có giá trị kinh tế cao nhất, giúp mang lại lợi nhuận hàng triệu đồng cho ngư dân sau mỗi chuyến đi biển.

Ảnh 1-Ngư dân vui mùa cá hố
Ngư dân chuẩn bị dây câu cho đêm câu cá hố.

Những chuyến đi biển bạc triệu

Những ngày đầu tháng ba, tại cảng cá Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) luôn nhộn nhịp rất nhiều ghe thuyền của ngư dân nghề biển từ sáng sớm. Thời gian từ tháng 12 tới tháng 5 hàng năm được coi là mùa kiếm tiền của ngư dân, với khá nhiều nghề biển khác nhau. Đây là thời gian biển miền Tây Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung rất êm ả, phù hợp với hầu hết các nghề, trong đó có nghề đánh bắt cá hố. Đặc biệt hơn nữa, so với các loại hải sản khác, cá hố hiện được thu mua với giá cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Những loại cá hố “cụ” (có nơi gọi là cá hố vàng) trọng lượng trên hai ký lô luôn được thương lái chọn lựa đầu tiên.

Ông Lê Văn Bảo, 58 tuổi, chủ một ghe câu cá hố ở thị trấn Vàm Láng cho biết mùa bắt cá hố kéo dài khá lâu, tuỳ theo thời tiết mỗi năm. “Ghe của gia đình tôi chủ yếu thả câu chùm cá hố ở vùng biển ngoài khơi gần Vàm Láng, Vũng Tàu này thôi. Nghề câu thì thu hoạch được ít sản phẩm hơn nhưng mình bán giá cao hơn. Ở đây nhiều ghe làm nghề lưới và nghề đáy cũng bắt được nhiều cá hố lắm. Nhưng đó chủ yếu là hố non, hố bạc thôi. Hố bạc giá chỉ bằng phân nửa hố “cụ” thôi. Bù lại ghe họ đánh bắt được nhiều, có đêm cả trăm ký lô đó. Riêng ghe của tôi thì chỉ vài chục ký là nhiều rồi”, ông Bảo kể.

Theo người ngư dân này, ông cùng cậu con trai út và người em họ trong ấp thường bắt đầu mỗi chuyến biển từ lúc buổi chiều. Họ chuẩn bị dầu, thực phẩm, lưới và mồi câu rồi giong ghe chạy ra ngoài khơi tầm 10-15 hải lý và bắt đầu thả câu. Sau đó, khi rạng sáng là họ thu lưới và di chuyển về phía cảng. Cũng theo ông Bảo, cá hố là loài ăn tạp nên dễ câu, đặc biệt những đêm có trăng sáng thì thường câu được gấp 2-3 lần đêm tối trời. Đêm tối trời ngư dân có thể chong thêm đèn để câu nhưng sẽ tốn chi phí nhiều hơn. Mỗi chành câu dài tới vài trăm mét, trên đó lại gắn lưỡi câu và dây phụ dài chừng 3-4 mét, thả xuống biển. Mỗi đêm ông sẽ thả và mắc mồi hai lần rồi quay lại bờ. Khi tới cảng, ông Bảo chuyển cá hố lên bờ cho thương lái. “Bạn hàng ở đây là mối quen từ lâu rồi. Họ lấy cá xong đem thẳng lên TP Hồ Chí Minh luôn. Ngoài ghe của tôi, khu vực này cũng có nhiều ghe cá hố lắm. Có ghe thì ở Vàm Láng này, có ghe bên Tân Thành, Ba Tri, Thạnh Phú… nữa. Họ cũng câu ngoài biển nhưng sáng sớm thì ghé lại đây bởi đây là cảng cá lớn nhất trong vùng rồi, lại nằm gần thành phố nữa”, ông Bảo kể thêm.

Ảnh 2-Ngư dân vui mùa cá hố
Niềm vui khi bắt được cá hố “cụ”.

Trao đổi thêm với chúng tôi, anh Lê Văn Quý, 30 tuổi, con trai ông Bảo cho biết anh theo cha đi biển được 4 năm rồi. Trước kia anh từng theo bạn bè lên TP Hồ Chí Minh làm công nhân nhưng sau đó lập gia đình thì về lại quê và đi biển. “Nghề biển bây giờ vất vả nhưng thu nhập cũng khá cao, nhất là những tháng mùa khô. Ngư dân gọi thời gian này là mùa hốt bạc mà. Mỗi đêm kiếm một hai triệu cũng dễ lắm. Nhưng tới khi mưa là khó rồi. Phần vì biển động, phần vì mùa mưa thì sẽ không thể câu được loại gì cả”, anh Quý kể. Theo anh Quý, mỗi đêm anh và ông chú họ câu được chừng 30 tới 40 ký lô cá hố, hầu hết phân thành 2 loại. Cá trên một ký để riêng, bán được khoảng 65.000 đồng tới 75.000 đồng mỗi ký. Loại nhỏ hơn thì chỉ khoảng 35.000 đồng tới 50.000 đồng mỗi ký tại cảng mà thôi.

Đặc sản mùa biển êm

Cũng vừa cập cảng Vàm Láng sau một đêm trên biển, ghe của gia đình anh Trần Văn Vịnh, 48 tuổi, cũng có được bốn rổ cá hố trắng phau, lấp lánh ánh bạc. Những con cá hố khá đều nhau, dài tăm tắp như thanh gươm sắc nhọn. Anh Vịnh cho biết hai vợ chồng anh quê ở bên Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) nhưng thường cập ghe lại cảng Vàm Láng để bán hải sản vì ở đây đông thương lái thu mua. Nhiều ghe đi biển của ngư dân miền Tây Nam bộ vẫn có phụ nữ đi cùng, khác với tập quán hạn chế phụ nữ đi biển như một số ghe ở các tỉnh miền Trung.

Anh Vịnh bảo vợ chồng anh làm nghề lưới đáy chạy nên không cố định ở nơi nào. “Mùa này biển êm, nơi nào có cá thì mình đánh bắt thôi. Đợt này cá hố về nhiều, đi theo đàn lớn lắm. Có đêm đánh được gần trăm ký lô luôn. Đêm qua chỉ được hơn ba chục ký thôi, còn lại là cá chét, cá chỉ vàng với cá lù đù. Cá hố lưới thì nhỏ và thương lái chỉ mua giá từ ba, bốn chục ngàn thôi, tuỳ trọng lượng cá vậy. Mấy ghe câu họ bắt được cá lớn thì giá hơn nhưng tôi không làm ghe câu”, anh Vịnh chia sẻ thêm.

Theo người ngư dân này, ngoài chiếc ghe được đầu tư hơn ba trăm triệu đồng, vợ chồng anh còn mua máy tời để kéo và thả lưới hết sáu chục triệu để mưu sinh. Do đặc thù nghề đáy chạy rất vất vả nên nếu không có máy tời thì hai người rất khó để kéo lưới, nhất là những hôm có sóng, biển trở mình.

Theo quan sát của chúng tôi, những ghe đánh bắt cá hố khá nổi bật khi vận chuyển lên bờ và có sẵn thương lái đợi để thu mua. Ngoài một số loại cá lớn mang trực tiếp lên TP Hồ Chí Minh thì phần lớn cá hố được ngư dân sơ chế và làm khô. Khô cá đối từ nhiều năm qua được coi là đặc sản của vùng ven biển miền Tây Nam bộ. Thời gian này sản lượng cá nhiều và giá thành tương đối rẻ so với những tháng mùa mưa nên nhiều người sản xuất khô cá hố. Những giàn tre để treo cá hố phơi nắng là hình ảnh quen thuộc của nhiều làng biển miền Tây Nam bộ. Sau khi sơ chế, khô cá hố có thể bảo quản được lâu và vận chuyển một cách dễ dàng, đi xa hơn, thậm chí xuất khẩu nên được nhiều người sản xuất.

Ảnh 3-Ngư dân vui mùa cá hố
Thành quả sau một đêm câu.

Theo chị Nguyễn Thị Hạnh, một người dân làm khô cá hố ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) thì ngày nào chị cũng ra cảng để chọn mua cá tươi về làm khô. Khác với nhiều loại khô, cá hố hầu như không sơ chế hay tẩm ướp gì cả, chỉ cần làm sạch và bỏ phần đầu cá đi rồi buộc lại từng cặp và treo lên phơi. “Quan trọng nhất là phải cá tươi và và còn lớp bạc. Ở đây nhiều ghe làm nghề kéo, nghề đáy thì cá hơi kém nhưng vẫn sử dụng dụng được. Riêng cá câu thì chất lượng là nhất luôn, giá thành cũng cao lắm. Phải ba ký lô cá tươi mới thành một ký khô được. Riêng loại khô một nắng thì hai ký cá tươi nguyên liệu thôi. Mình làm khô mấy tháng mùa nắng này nhưng bán thì lai rai cả năm. Xưởng nhà tôi có quảng cáo cả trên mạng nữa”, chị Hạnh cười cười cho biết.

Từ một loại hải sản có giá trị thấp, hiện cá hố có giá trị khá cao, tương đương với cá thu, cá bớp hay cá dứa, những hải sản loại nhất của ngư dân miền Tây Nam bộ. Việc giá cao và đang trúng mùa đã mang lại niềm vui không chỉ cho ngư dân mà còn cả những người sản xuất khô cá hố vùng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngư dân vui mùa cá hố