Người cán bộ 'miệng nói tay làm' ở Tả Phìn

Tùng Duy 04/08/2023 07:39

“Tả Phìn được như hôm nay có công lớn của cán bộ Lý Lão Tả” – người dân bản nói về “anh Mặt trận” ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai).

Anh Lý Lão Tả trồng lan và hướng dẫn, hỗ trợ người dân Tả Phìn làm ăn, có thu nhập ổn định cuộc sống.

Tâm tình lúc nửa đêm

Ròng rã mấy tháng, cán bộ xã Tả Phìn thay nhau vượt núi về thôn Lủ Khấu, nơi giáp ranh xã Bản Khoang, vận động bà con đồng thuận giải quyết việc phân chia đất sản xuất với người dân xã bạn mà chưa xong.

Năm 2014, khi anh Lý Lão Tả (28 tuổi) được bầu làm Chủ tịch MTTQ xã Tả Phìn, chuyện đất cát ở vùng sơn cước giáp khu du lịch mát lạnh Sa Pa mà cứ nóng như cháy rừng. Lấn chiếm, mua bán chuyển nhượng trao tay khắp nơi khi đất được giá. Cán bộ Mặt trận Lý Lão Tả rất hiểu cái lối đi vào lòng dân bản. Tham mưu cho huyện, anh dám chắc cứ kiên trì gần dân, lúc nói tình, khi nói lý nhất định họ sẽ hiểu và làm theo.

“Tối nay lại lên bản nhé”, cán bộ Mặt trận Lý Lão Tả nhận cuộc gọi của Bí thư Đảng ủy xã hẹn đi bản như mấy hôm rồi, nhưng nay có chút khác hơn là họ chuẩn bị gà và thêm ít thức ăn.

Lý Lão Tả và Bí thư xã phóng xe máy băng đường trơn mưa rừng về đến Lủ Khấu tối đó đã muộn. Ghé nhà Giàng A Sô, một trong những người nóng tính, đã nghe dọa lớn tiếng bảo cán bộ về đi. Lý Lão Tả vẫn bước vào, cứ cười nhẹ nhàng, ngồi luôn cạnh bếp lửa. Thân tình chuyện thôn xóm, hỏi chuyện ốm đau. Chuyện gì cũng tỏ như người của bản. Lại bàn làm rau, trồng nhất chi mai, trồng cây atisô bán ra Sa Pa được giá. Rồi khéo léo gợi ý ông chủ nhà người Mông mang rượu ra uống cho đỡ lạnh, lại tiện có con mang theo... Giàng A Sô đã bắt đầu thấy thân thiện gọi thêm mấy người bản Lủ Khấu đến uống rượu.

Cán bộ Mặt trận nói rằng, dân bản mà cứ khư khư giữ đất xâm canh là mang tiếng lấn chiếm, dọa đánh người cũng là sai pháp luật, đất thì không có sổ đỏ thì trồng gì cũng không xong, nay phân chia lại thì chỉ lợi lòng người, bên kia Bản Khoang cũng là người Mông đi đâu mà thiệt. Bản Mông kháng Pháp giữ rừng, bấy nay theo Đảng làm đúng chính sách. Giờ Nhà nước bố trí lại đất cũng để công bằng, no ấm cái bụng người Mông... Thế là đến nửa đêm thì Giàng A Sô cùng những người dân đồng ý chia đất. Sáng hôm sau cán bộ địa chính huyện đã có mặt ở bản rất sớm cùng dân hai xã ra nương vạch lại phần đất...

Ngay khi gặp Lý Lão Tả ở sân trụ sở xã Tả Phìn, chúng tôi cảm nhận về một “anh Mặt trận” hiền hậu dễ gần. Nhớ hồi trụ sở UBND xã mới xây, còn có 3 thửa ruộng của người dân chưa chịu nhường đất làm sân trụ sở. Họ nghe chuyện giá đất tăng cao, lại thấy trụ sở UBND xây rất to ngay cạnh thì kiên quyết lắc đầu. Lý Lão Tả dày công thuyết phục, ngày tranh thủ đến vận động, tối lại đến chơi thăm từng nhà. Hôm nào anh Tả ốm mệt thì nhắn Bí thư xã thay lượt “làm nhiệm vụ”. Họ không ngơi nghỉ vì quyết tâm đưa Tả Phìn cán đích nông thôn mới như nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đặt ra.

Không nhớ phải bao lần xuống cơ sở, điện thoại tốn bao tiền, có lần tưởng chừng niềm vui anh Tả vỡ òa khi một hộ gia đình “cứng nhất” đã đồng ý giao đất, nhưng nửa đêm người con trai lớn từ đâu trở về giận giữ từ chối, thế là phải dừng lại. Thầm lặng không mỏi mệt, rồi anh Tả nghĩ ra cách khuyên một nhà dân khác có ruộng cũ của hợp tác xã trả lại đất, lấy chỗ đó bù cho 3 hộ gia đình kia. Anh bàn với xã và huyện tặng 3 gia đình một chiếc máy cày 13 triệu đồng, đề nghị ngân hàng chính sách ưu tiên cho họ vay 50 triệu đồng, lại hỗ trợ thêm cây giống trồng lan và nhất chi mai bán dịp Tết. Thế mới xong cái sân. Anh Tả từ đó thầm gọi tên nó là “mảnh sân Mặt trận”.

Cần nhiều hơn nữa những “Lý Lão Tả”

Anh kể rằng đất Tả Phìn từng nổi danh cung cấp rau quả ngon từ thuở những nữ sơ ngày xưa đến ở tu viện cổ (khoảng năm 1942). Hơn trăm năm trước, người Pháp tìm đến xây dựng một Sa Pa nghỉ dưỡng, đã lập ra xứ rau quả Tả Phìn cung cấp toàn vùng, thậm chí đưa sản phẩm về tận Hà Nội. Thổ nhưỡng và thời tiết quý báu miền sơn cước, lẽ nào thu nhập sản xuất của đồng bào Mông và Dao lại không “cập” với thời cuộc ngay cạnh trung tâm du lịch trứ danh. Anh Tả nghĩ và bắt tay làm.

Cứ mờ sớm, buổi trưa hay lúc chiều hôm, anh Tả tranh thủ đi khắp bản gom phân trâu bò về trồng lan trần mộc và nhất chi mai. Thứ cây cảnh đồng bào thường bứng được lẻ tẻ bán ở trục đường lên Sa Pa dịp Tết rất đắt khách. Hợp đất, hợp giời mát, lan và mai dễ trồng dễ mọc, rồi bán vèo rất nhanh. Tích vốn nhân ra, anh tìm về tận Quảng Ninh và Ba Vì mua cây con về trồng thành mấy vườn, thương lái xuôi tìm đến, anh kiếm trăm triệu đồng mỗi năm. Cả bản, rồi cả xã làm theo, bây giờ có hộ kiếm được nửa tỷ đồng mỗi năm, xây nhà tầng khang trang. Anh Tả còn hướng dẫn bà con bản lên Sa Pa học nuôi cá tầm, cá hồi. Hơn 700 hộ Tả Phìn từ chỗ gần 50% hộ nghèo, nay chỉ còn 70 hộ nghèo.

“Chúng tôi cần lắm những cán bộ như Lý Lão Tả. Gương mẫu, tận tụy, miệng nói tay làm, mỗi lần đi họp trên huyện, anh Tả có vẻ thầm lặng nhưng khi phát biểu thì ý kiến xây dựng rất hay, tâm huyết và đầy trách nhiệm” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thị xã Sa Pa Nguyễn Hữu Đức khi nói về “anh Mặt trận” ở Tả Phìn.

Ông Đức cũng cho biết, ở xã Liên Minh cũng có một “Lý Lão Tả” rất xuất sắc, đó là Vù A Long, chỉ vài năm qua đã vận động dân ửng hộ hơn 150 triệu đồng quỹ các loại, vận động xây, sửa 23 nhà Đại đoàn kết với tổng hơn 510 triệu đồng, lên ý tưởng sản xuất, tiêu thụ hàng thổ cẩm Xa Phó đạt sáng kiến cấp tỉnh...

Chỉ dăm năm qua, hơn 20km đường liên thôn, hơn 10km đường ngõ xóm được dân đồng thuận hiến đất. Bóng dáng “anh Mặt trận” Lý Lão Tả in hằn từng góc bản cùng dân ký cam kết, vận động. Vệ sinh ngõ xóm thành nếp, tự quản đường chiếu sáng năng lượng mặt trời do dân đóng góp, chống rác thải nhựa, nuôi nhốt chuồng trại đóng góp quỹ Vì người nghèo, vận động người dân chung tay xây nhà Đại đoàn kết, xóa nhà tạm, ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cán bộ 'miệng nói tay làm' ở Tả Phìn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO