Người cán bộ “tàn nhưng không phế”

Nguyễn Văn Thứ 13/07/2015 09:30

Thời trai trẻ xông pha nơi chiến trường, từng bị pháo địch bắn vỡ quai hàm, thủng phổi, cánh tay trái bị thương suýt phải cắt bỏ. Trở về đời thường với tỷ lệ thương tật 4/4, cuộc sống tưởng như sẽ rất khó khăn với cựu binh Đào Hữu Xuyên (thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Nhưng bằng ý chí, nghị lực, ông đã vươn lên, làm được nhiều việc hữu ích cho bản thân, gia đình và quê hương mình.

Ông Đào Hữu Xuyên với sản phẩm mũ giang xuất khẩu do cơ sở của mình làm ra.

Doanh nhân giỏi

Ông Xuyên chia sẻ, quãng những năm 1980, như bao cựu binh khác, xuất ngũ về quê ông phải đối mặt với vô vàn khó khăn, sức khỏe giảm sút, kinh tế gia đình thuộc diện “được bữa trước lo bữa sau”.

“Xã Yên Đồng quê tôi vốn có nghề làm dây băng bằng giang xuất khẩu sang Đông Âu. Do sản phẩm phải lựa chọn rất kỹ nên phụ phẩm thừa rất nhiều. Khi ấy kinh tế gia đình khó khăn, tôi nảy ra ý định tận dụng nguyên liệu giang thừa để làm ra những chiếc mũ giang mang bán”, ông Xuyên kể về việc khởi nghiệp.

Ngày ấy, mũ giang là vật dụng che nắng che mưa phổ biến, sản phẩm gia đình ông làm ra khá đắt hàng, thu nhập đủ nuôi sống cả gia đình. Từ chỗ chỉ sản xuất theo quy mô gia đình, ông đứng ra mở rộng, lập thành Tổ hợp may, mang tên 27-7; mời thêm nhiều đồng đội cùng là thương bệnh binh và người lao động ở địa phương cùng tham gia sản xuất để có thu nhập. Ông cho hay, ban đầu tổ hợp chỉ có 80 máy may. Để mở rộng, phát triển, ông hỗ trợ các gia đình một phần kinh phí để mua máy về làm, cùng với đó truyền nghề cho họ.

Làm ra sản phẩm đã quan trọng, tiêu thụ được sản phẩm còn quan trọng hơn, với vai trò là người đứng đầu tổ hợp, ông Xuyên phải lăn lộn khắp nơi tìm mối tiêu thụ. “Ngày ấy, chỉ với chiếc xe máy cũ, tôi đi khắp các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, vào tới tận Đà Nẵng để tìm mối tiêu thụ sản phẩm mũ giang, cứ ở đâu có HTX mua bán, có trường học là tôi tìm đến liên hệ”, thương binh 4/4 Đào Hữu Xuyên chia sẻ về nỗ lực của mình…

Đến những năm 1990, thời thế thay đổi. Mũ giang không còn được thị trường ưa chuộng, phải nhường chỗ cho mũ vải, mũ dây. Để đảm bảo cho tổ hợp trụ vững, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động, với vai trò người đứng đầu, ông Xuyên lại phải “vắt óc” tìm cách chuyển hướng sản xuất.

“Xem tivi, tôi thấy ở nước ngoài, vào các dịp lễ hội hay mùa bóng đá người dân thường đội các loại mũ có kiểu dáng ngộ nghĩnh. Trong các nhà hàng, khách sạn cũng vậy, họ sử dụng rất nhiều các loại hộp, khay đựng hoa quả, đồ khô, đệm trải bàn ăn, trên bãi biển…Tôi chợt nghĩ, tại sao mình không làm để bán cho họ nhỉ? Với sự cần cù, khéo léo của người quê tôi, họ thừa sức làm được những sản phẩm này”, ông Xuyên kể.

Như mọi lần, nghĩ là làm! Có điều, theo ông Xuyên, việc này có cái khó là không phải cứ làm ra sản phẩm là có thể mang thẳng ra nước ngoài bán ngay được. “Tôi phải lọ mọ đi “gõ cửa” một số công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…để kêu gọi họ hợp tác, theo kiểu chúng tôi làm ra sản phẩm, họ thu mua, xuất khẩu”, ông kể.

Trước sự tâm huyết của người cựu chiến binh và với uy tín của một làng nghề truyền thống, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã đồng ý bắt tay hợp tác với ông. Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, từ năm 1998, việc chuyển hướng sản xuất, vươn ra nước ngoài của ông bắt đầu thu được kết quả, khi các loại sản phẩm mũ, đệm, khay…do cơ sở của ông thiết kế, sản xuất lần lượt được xuất khẩu đi nhiều nước như Pháp, Trung Quốc, Mêhicô, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil…Với khoảng 100.000 sản phẩm các loại được xuất khẩu mỗi năm, ông Xuyên duy trì việc làm, thu nhập thường xuyên cho hơn 30 lao động. Hàng trăm hộ gia đình khác trong xã nhờ vậy cũng có thêm việc làm, thu nhập từ việc liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất của ông Xuyên.

Không dừng lại, bám sát nhu cầu thị trường, từ năm 2002, ông Xuyên mở thêm xưởng may quần áo, tạo việc làm, thu nhập cho 100 lao động trong và ngoài xã Yên Đồng, với mức lương bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng…

Cùng lúc điều hành vài cơ sở, tổ hợp sản xuất, lo công ăn việc làm cho nhiều người, vậy mà ông Xuyên còn được biết đến là một cán bộ Mặt trận, với 21 năm liên tục được nhân dân khu dân cư Tiến Thắng (gồm 6 xóm, 1.800 hộ, gần 5.800 khẩu) tín nhiệm cử giữ chức Trưởng ban Công tác Mặt trận. Không phụ sự tin yêu, tín nhiệm của bà con, vị cựu binh, thương binh luôn hết lòng với việc làng, việc xóm

Cán bộ Mặt trận được dân tin yêu

Cùng lúc điều hành vài cơ sở, tổ hợp sản xuất, lo công ăn việc làm cho nhiều người, vậy mà ông Xuyên còn được biết đến là một cán bộ Mặt trận, với 21 năm liên tục được nhân dân khu dân cư miền Tiến Thắng (gồm 6 xóm, 1.800 hộ, gần 5.800 khẩu) tín nhiệm cử giữ chức Trưởng ban Công tác Mặt trận. Không phụ sự tin yêu, tín nhiệm của bà con, vị cựu binh, thương binh luôn hết lòng với việc làng, việc xóm.

Đơn cử, mới đây, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở chỉ đạo của cấp ủy địa phương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Đào Hữu Xuyên cùng các thành viên khác trong Ban đã khởi xướng, tuyên truyền, vận động bà con miền dân cư Tiến Thắng đóng góp tiền của, công sức để làm đường trục liên xóm trong miền dân cư.

Được sự hưởng ứng tích cực của bà con, con đường bê tông dài tới 4km, rộng tới 4m, kinh phí thực hiện 3,2 tỷ đồng do nhân dân đóng góp đã hoàn thành, thiết thực phục vụ các hoạt động sản xuất, dân sinh ở địa phương, làm thay đổi hẳn diện mạo làng quê Tiến Thắng. Trong niềm vui chung, người dân địa phương ghi nhận có nhiều công sức của Ban Công tác Mặt trận miền và Trưởng Ban Đào Hữu Xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cán bộ “tàn nhưng không phế”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO