Người chăn nuôi đứng trước nhiều áp lực

Lê Bảo-Minh Sang 08/05/2023 07:05

Trong quý I/2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lượng thịt xuất khẩu của Việt Nam vẫn khiêm tốn so với tổng sản lượng sản xuất. Trong khi đó lượng thịt nhập khẩu tăng đã khiến cung vượt cầu.

Người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp.

Tăng trưởng hai con số

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu được 5,83 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,62 triệu USD; tăng 70,3% về lượng và tăng 81,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) là nhiều nhất, chiếm 44,04% về lượng và chiếm 64,84% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước; với gần 2,57 nghìn tấn, trị giá 16,61 triệu USD, tăng 79,8% về lượng và tăng 102% về trị giá so với quý I/2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), sau lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản, đến nay, Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu chính ngạch thịt gà sang Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và 5 nước thuộc liên minh kinh tế Á - Âu gồm: Nga, Belarrus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Đầu năm 2023, xuất khẩu thịt gia cầm đã có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), chỉ tính riêng trong tháng 2 năm 2023, giá trị xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ của Việt Nam sang các thị trường khác đạt hơn 1,6 triệu USD, gấp đôi so với tháng 1 năm 2023 và vượt 86,5 nghìn USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thịt gia cầm lớn nhất, chiếm 28,6% thị phần, Maylaysia chiếm 24,8% thị phần...

Đối với trứng gia cầm, trong tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu đạt hơn 501,5 nghìn USD, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng gà giống xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 đạt 123.320 con đối với gà giống hướng trứng và đạt 896.070 con gà trắng giống.

Trước đó năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia cầm các loại, giá trị đạt 84,6 triệu USD, giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 3,62% về giá trị so với năm 2021.

Việt Nam nhập khẩu lượng thịt khá lớn

Mặc dù xuất khẩu thịt và các sản phẩm về thịt đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng song theo đánh giá giới chuyên gia những kết quả trên vẫn còn khiêm tốn, nhất là khi nguồn cung trong nước khá dồi dào. Vấn đề đáng lưu tâm là giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 156 triệu USD, trong khi nhập khẩu lên tới 1,35 tỷ USD. Như vậy, thâm hụt thương mại các sản phẩm chăn nuôi lên tới gần 1,2 tỷ USD.

Về thị trường nhập khẩu, trong tháng 2/2023, Hàn Quốc là thị trường cung cấp thịt gà lớn nhất cho Việt Nam với lượng nhập khẩu đạt hơn 6 nghìn tấn và trị giá đạt hơn 7,6 triệu USD, tăng 136,9% về lượng và tăng 127,9% về trị giá so với tháng trước. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ, với lượng nhập khẩu thịt gà đạt hơn 4,2 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 4,2 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 36,5% về trị giá so với tháng trước…

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, không chỉ nhập khẩu thịt và các sản phẩm chăn nuôi quá lớn, mà thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp tại các địa phương. Đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, gia cầm lậu tràn vào, nguy cơ rất cao các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài vào (như các chủng virus cúm gia cầm) gây ra các ổ dịch bệnh động vật.

Ngày 4/5, Bộ NNPTNT đã có Công văn gửi Bộ Công an về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới. Theo đó, để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Thịt nhập khẩu tăng cộng với tình trạng nhập lậu thịt gia cầm là một trong số những nhân tố kéo giá thịt trong nước xuống đáy. Nhiều tháng trở lại đây, giá gia súc nói chung và lợn hơi nói riêng xuống mức thấp kỷ lục. Ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi lại tăng chóng mặt khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh khó khăn. Vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

“Đã đến lúc cần có các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua. Đề nghị các bộ, ngành sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế” - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm đề xuất.

Theo Bộ Công thương, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt cần đáp ứng được những yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cùng các quy định thị trường mà chúng ta hướng tới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm và phục vụ xuất khẩu; cập nhật thông tin thị trường các sản phẩm chăn nuôi để có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường kết nối, mở rộng thị trường để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam, trong đó có chăn nuôi gia cầm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người chăn nuôi đứng trước nhiều áp lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO