Giờ từng đoàn chiến sĩ đang hùng dũng tiến, đem máu tự do xây đời ấm no/Trong sương rơi, trong gió rét, trong mưa tuôn, trong nắng cháy, đồng một lòng tiến lên vì nước... Đó chính là phần mở đầu của “Hành khúc Trung đoàn 812” đã đi theo bước chân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ suốt 70 năm qua. Nhưng ai là tác giả của nó là một câu chuyện dài…
* Chuyện ít biết về tác giả và nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Ninh Thuận, Bình Thuận
Từ cậu học sinh Thăng Long...
Dương Minh Đẩu sinh ra ở Phùng Xá, Mỹ Đức, Sơn Tây cũ - một làng quê gần chùa Hương Tích. Thân phụ là công chức ngành Đường sắt nên cho con ra Hà Nội, trú nhà bà ngoại rồi vào học trường Thăng Long. Là sếp ga xe lửa nên ông đi đến đâu thì đưa vợ con theo. Khi cụ là sếp ga Vinh thì Dương Minh Đẩu là học sinh College de Vinh (sau này là Quốc học Vinh, cùng với Quốc học Huế và Quy Nhơn được Pháp cho mở ở Trung kỳ); năm 1944 khi học xong Thành chung lại theo cha vào sống ở Sài Gòn.
Được thầy cô giáo dục tinh thần yêu nước nên chàng trai họ Dương mới 17 tuổi đã tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - một tổ chức quần chúng của Xứ ủy Nam kỳ, tập hợp đến hàng vạn thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân yêu nước, hoạt động công khai ngay tại Sài Gòn đầu 1945.
...Tới những ngày Tháng Tám 1945
Tại hội nghị Trung ương ngày 12/3/1945, chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của TBT Trường Chinh được thông qua. Khắp nơi chuẩn bị Tổng khởi nghĩa
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội; 23/8, Huế giành chính quyền và 25/8, Sài Gòn… Nhưng chưa đầy một tháng, ngày 23/9, được sự hỗ trợ của quân Anh, Ấn, Nhật mà quân Pháp quay lại gây hấn ở Sài Gòn. Cả Nam Bộ sục sôi khí thế cách mạng, khắp nơi vang lên lời ca “Mùa Thu rồi, ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”... Lực lượng thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn cùng bà con dựng thành đắp luỹ, giáo mác trong tay, chiến đấu bảo vệ nhà nước cách mạng non trẻ. Đúng ngày 23/9, Dương Minh Đẩu chiến đấu ngay tại trung tâm: Quảng trường Nhà thờ Đức Bà.
Vốn là “tuyến 2” của Mặt trận Đông Nam bộ, đón quân Nam tiến từ miền Bắc vào, nay Phan Thiết thành nơi tập kết của bộ đội từ miền Đông rút ra. Dương Minh Đẩu gia nhập Giải phóng quân Phan Thiết từ 1/11/1945.
Những ngày gian khó ở Cực nam Trung bộ
Tại Hội nghị Bình An (Phan Thiết) ngày 11/11/1945 tổ chức lại: Chi đội Bình Thuận là Chi đội 1, Ninh Thuận - Chi đội 2 và Khánh Hoà - Chi đội 3. Dương Minh Đẩu được giao nhiệm vụ Chính trị viên đại đội 1 mang tên Phan Đình Phùng (Chi đội 1) và bắt đầu những tháng ngày vất vả của mặt trận Khu 6. Sau Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Chi đội 1 đổi thành trung đoàn 82.
Cuối 1947, trung đoàn đóng quân ở Ô Rô (Chiến khu Lê Hồng Phong). Thời tiết cuối năm giá lạnh, đêm đêm anh em phải đốt lửa sưởi ấm. Quây quần quanh lửa trại, nhớ lại 2 năm chiến đấu vất vả, Dương Minh Đẩu cảm hứng sáng tác bài “Trung đoàn 82 quân hành khúc”. Ông nhớ lại: “Ngày đó bộ đội Khu 6 chiến đấu gian khổ. Mới 19 tuổi, mình mạnh dạn sáng tác bài hát để động viên anh em. Quyền Chính uỷ trung đoàn Vương Gia Khương (tham gia cách mạng từ 1939, từng ngồi tù Sơn La, Côn Đảo) giúp sửa lại lời và nhạc. Kể từ đây, hành khúc đã theo bước chân trung đoàn 82 trên khắp mọi nẻo đường”. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban quản trị – tham mưu trung đoàn. Tới tháng 4/1948, khi Đại đội trưởng Nguyễn Minh Khương hy sinh, ông được giao nhiệm vụ trở về phụ trách đại đội Phan Đình Phùng. “Về được 2 tuần, đánh liền 2 trận và cả 2 trận đều dính đạn. Trận đầu đuổi địch trong rừng Thái An, một tên đang chạy bất ngờ quay lại bắn một phát xiên thủng túi ngực sượt ngay dưới nách. Sém chết! Ba ngày sau, trong trận đánh chặn cánh quân càn từ Thái An xuống Bàu Trắng, mình bị trúng đạn, gãy chân khi chỉ cách địch có 30m. May mà anh em kéo về được. Từ đoàn Sao Vàng, ca sĩ Bùi Kim Dung được điều về làm y tá Trung đoàn bộ 82. Dung chăm sóc vết thương cho mình suốt thời gian nằm viện. May sao mình không bị cưa chân. Có lẽ nhờ… tình yêu!” - sau này ông tâm sự.
Nằm viện 4 tháng, sau một năm kiên trì tập đi thì bỏ được nạng. Tháng 8/1948, ông được đề bạt Chính trị viên tiểu đoàn. Đầu 1949, khi thành lập Liên khu 5, 2 trung đoàn 81 và 82 sát nhập thành Liên trung đoàn 812. Từ đây, hành khúc này đã trở thành bài hát chính thức của Liên trung đoàn với cái tên mới “Trung đoàn 812 quân hành khúc”.
Từ tháng 9/1949 tới cuối 1952, Dương Minh Đẩu được giao làm Trưởng ban Chính trị trung đoàn 812, sau đó Khu ủy và Bộ tư lệnh điều ông về làm Trưởng ban Tuyên truyền văn nghệ - Phòng Chính trị Liên khu 5.
Cán bộ đầu não Trung đoàn 82, tại chiến khu Ô Rô năm 1946. Từ trái sang: Dương Minh Đẩu, Trần Quốc Thái, Nguyễn Sắc Kim, Đoàn Tử Bảy.
Sau 1954 và cuộc đời gắn với nền Điện ảnh nước nhà
Tập kết ra Bắc, ông là trưởng đoàn Triển lãm và Văn công Liên khu 5, tham gia xây dựng khu triển lãm tại Bích Câu và Đại hội Văn công toàn quân. Cuối năm 1955, được cử đi học Học viện Chính trị trung – cao, năm 1958 tốt nghiệp, Dương Minh Đẩu được phong hàm thiếu tá, về công tác tại Cục Tuyên huấn, TCCT.
Nhân kỉ niệm 15 năm Thành lập QĐNDVN (22/12/1944 – 22/12/1959), Chủ nhiệm TCCT Nguyễn Chí Thanh nêu ý tưởng xây dựng Xưởng phim Quân đội. Phó chủ nhiệm Lê Quang Đạo cùng Cục Tuyên huấn lựa chọn kĩ các phóng viên ảnh, các chiến sĩ ở các đội chiếu bóng từ đơn vị về, thành lập Xưởng phim ở số nhà 17 Lý Nam Đế, Hà Nội. Từ tháng 4/1960, Dương Minh Đẩu được giao nhiệm vụ Phó giám đốc và 3 tháng sau là Giám đốc Xưởng phim Quân đội. Ông và đồng đội đã xác định: Trái ngành, trái nghề nhưng không biết thì vừa làm vừa học. Nhiệm vụ này đã gắn bó với ông suốt 20 năm - giai đoạn hào hùng nhất của lịch sử QĐNDVN.
Năm 1960, TCCT mời NSND Giáo sư Kim Tế Hoàng (Triều Tiên) sang giúp đào tạo lớp biên đạo múa đầu tiên. 33 học trò của ông đã được học, luyện và cho ra vở kịch múa xuất sắc “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”.
Thời gian sau đó (1963-1964), Bác, Bộ Chính trị và Quân ủy chỉ thị: Dàn dựng lại vở kịch múa này và chuyển thể thành phim với sự tham gia của Tổng đạo diễn Trọng Lanh, 2 NSND Trần Minh, Ngọc Anh; Hoàng Hà, Vũ Toàn, Lê Kim Tiến, Phạm Tuấn... Âm nhạc: Huy Thục, Nguyễn Thành; chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng: NSND Lê Đóa (kiêm vai Tổng đốc). Được sự giúp đỡ của Xưởng phim Bát Nhất (Quân giải phóng Trung Quốc), đoàn đã sang Bắc Kinh dàn dựng, ghi hình, thu âm trong thời gian 7 tháng, chuyển thể thành phim nhựa. Nguyễn Thông và Dương Minh Đẩu là đạo diễn cho bộ phim.
Thời kì ở Xưởng phim Quân đội, cùng nhiều bộ phim do ông là đạo diễn đoạt 2 giải Bông sen Vàng, 2 giải Bông sen Bạc: “Quyết tâm đáng thắng giặc Mỹ xâm lược” (1965), “Vài hình ảnh Xuân 68”, “Những điều trông thấy ở Phnôm Pênh” (1979)… Riêng “Campuchia, 3+4” đoạt giải Bồ câu Vàng tại Liên hoan phim Leipzig (CHDC Đức, 1979).
Cuối 1981, ông chuyển sang làm việc ở Trung tâm Nghe – Nhìn (Uỷ ban Phát thanh – Truyền hình VN) rồi cố vấn Đài Truyền hình VN cho đến khi về hưu, 1990. Thời kì này ông tham gia làm phim ở các thể loại, trong đó có “Lời chào vạn dặm”…
Sau khi nghỉ hưu, ông còn biên kịch cho các phim tài liệu: “Khi đất và người gặp gỡ” (1992), “Những ngọn đèn trong đêm” (1993), “Nam bộ kháng chiến” (1996), “Phong trào Nam tiến” (1997).
Ở bất cứ cương vị nào, ông đều để lại những tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao. Năm 1993, đạo diễn điện ảnh Dương Minh Đẩu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho các tác phẩm điện ảnh: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (phim nhựa tài liệu, 5 cuốn), “Vài hình ảnh Tổng tiến công Xuân 68” (phim nhựa tài liệu 3 cuốn), “Campuchia 3+4” (phim nhựa tài liệu 4 cuốn).
Vỹ thanh
Không chỉ Điện ảnh mà Dương Minh Đẩu còn để lại dấu ấn trong lĩnh vực Âm nhạc. Đó là tác phẩm duy nhất “Trung đoàn 812 quân hành khúc” cùng Vương Gia Khương. Trung đoàn 812 vinh dự đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng cùng 9 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Trong số cán bộ qua các thời kì có 10 đồng chí được phong hàm cấp tướng.
Chắc ít ai biết, ông là thân phụ của Đại tá, NSƯT Dương Minh Đức - nguyên Hiệu phó Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Hiếm có gia đình nào mà cả cha và con được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT trong cùng một năm!
...Nhân 23/9/2018, Trung tâm Truyền hình QPVN kịp ghi lại câu chuyện của chàng trai Thanh niên Tiền phong có mặt ở trung tâm Sài Gòn, chiến đấu chống quân Pháp quay lại gây hấn. Thế mà chỉ ít ngày sau, ông ốm, chuyển bệnh và mãi mãi về với cõi Vĩnh hằng.
Thắp hương trước di ảnh của ông nhân 49 ngày rồi thăm lại phòng đọc, nhìn những giá đầy ắp sách mà cảm thấy ông vẫn quanh quẩn đâu đây. Nhớ lại trong lễ truy điệu, ngay sau khi anh Dương Minh Đức thay mặt gia đình cảm ơn quan khách, thì trên loa bật lên “Hành khúc Trung đoàn 812”. Hành khúc này được chọn làm nhạc hiệu của 2 đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận và Bình Thuận!