Người cược mạng sống để xóa hủ tục

Anh Tuấn 13/03/2020 16:41

Ông Pó thốc áo lên chứng minh cho tôi xem vết mổ rạch giữa bụng từ trên xuống rồi nói, ông đã mang mạng sống của mình ra để cược với đồng bào, không có ma quỷ nào trả thù cả, việc xóa bỏ hủ tục chẳng thể đặng đừng. Đồng bào người Mông ở Mường Lát (Thanh Hoá) tin, họ làm theo, thực hiện nghiêm việc tang ma, đảm bảo vệ sinh môi trường, không còn dềnh dàng cả tuần lễ như xưa nữa.

Người cược mạng sống để xóa hủ tục

Ảnh: Anh Tuấn.

Không phải không có quan tài

Ông Lâu Gia Pó- người từng kinh qua nhiều chức vụ tại địa phương trước khi lên làm Bí thư Đảng uỷ xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hoá) rồi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội cho biết: Ông được các cấp, ngành đánh giá, đồng bào dân tộc Mông ghi nhận là người đã dành nhiều tâm huyết triển khai, thực hiện thành công đề án xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đặc biệt là tục tang ma ở Mường Lát vốn ăn sâu trong ý thức của từng người dân, gia đình, làng bản. Nói về câu chuyện xoá bỏ các hủ tục, ông Pó khẳng định: Lịch sử người Mông ở Mường Lát vốn dĩ di cư từ phía Bắc xuống. Phong tục, tập quán của người Mông trước đây hay di cư nên cuộc sống thường thiếu ổn định, dẫn tới nhiều hệ luỵ.

Theo ông Pó, trong tục tang ma, mỗi khi có người qua đời, từ xa xưa không phải người Mông trước khi thực hiện các nghi thức không có quan tài. Nhưng vì di cư, đi nơi này, nơi khác, từ đó mới xảy ra việc, khi dịch chuyển chỗ ở, dọc đường có người chết không tổ chức được chu toàn được. “Sẵn có cái cáng khiêng người bệnh tật, ốm đau nếu chết sẽ làm thủ tục thờ cúng. Việc vận chuyển đưa đi như vậy chỉ cần mỗi người một đầu khiêng đi. Sau này, người Mông nghĩ rằng, đám tang không có quan tài mà tổ chức đặt luôn thi thể ở trảng cỏ rồi đưa vào huyệt mộ và lấp đất”- ông Pó kể.

Từ xa xưa, gia đình người Mông nào có nhiều cặp con trai, con dâu thì mổ nhiều bò để làm lễ tạ ơn khi cha mẹ qua đời. Mỗi một cặp con trai, con dâu phải mổ một con bò, cộng thêm một con cho vợ hoặc chồng người chết. Vì đồng bào quan niệm, hai vợ chồng cùng làm ăn, bên nhau đến khi mất. Người Mông không có chữ viết, chỉ tính theo quan niệm, đàn ông chôn ngày lẻ, vì vậy dẫn tới việc nhiều nhà làm lễ cúng kéo dài. Những ngày nắng, thi thể người quá cố bốc mùi, rất khó chịu. Ông Pó nhớ lại: “Chúng tôi nhận thấy hủ tục đó cần phải được xóa bỏ, nhưng làm thế nào để xóa bỏ được là cả câu chuyện rất dài và vô cùng nan giải. Vì vấn đề liên quan đến việc tâm linh đã ăn sâu vào gốc rễ từng người ngay từ khi còn thơ dại. Tôi nghĩ rằng, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền. Song tuyên truyền sao đây khi mà không có thực tiễn, bà con sẽ không nghe!”.

Bản Mông- nơi ông Pó sinh ra lớn lên đã tồn tại 200 năm rồi, văn hóa của dòng tộc ở nơi này rất bền chặt, gắn kết nên để thay đổi một việc liên quan đến tâm linh thật vô cùng khó khăn. Phải tới thời điểm, ông Dơ- chú ruột của ông Pó mất khi vừa bước sang tuổi 67 thì vị cán bộ vốn dĩ là con nhà dòng dõi của đồng bảo ở nơi này mới chính thức vào cuộc. Ông Pó bàn bạc với người cháu Lâu Minh Pó, công tác tại Huyện uỷ Mường Lát để áp dụng việc tang ma đối với ông chú của mình theo đúng nghi thức truyền thống nhưng phải văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nói là vậy, nhưng thực hiện không hề dễ dàng chút nào, trước khi làm, anh em nhà ông Pó gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có dòng họ nào làm. Các bậc cao niên trong họ phản đối kịch liệt, kể cả bố của ông Lâu Minh Pó cũng phản đối.

Ông Lâu Gia Pó nhớ lại: “Khi ấy, tôi điện cho anh Lâu Thanh Mai là bác họ, từng làm lãnh đạo huyện về hưu, điện cho Minh Pó về, 2 chú cháu quyết tâm làm bằng được. Rồi, lãnh đạo huyện điện về cho các cụ là nếu ai ủng hộ thì về bản Pha Đén giúp Lâu Gia Pó tổ chức thành công đám tang. Còn nếu cụ nào không theo thì không được vào. Lúc này các bà trong dòng họ cũng phản đối rất gay gắt, họ còn nói rằng, người nào làm quan tài thì tống người đó vào trước”. Các cụ ông thì kiên quyết, cho rằng ai phạm pháp thì có pháp luật trị, ai mà đảo lộn phong tục tập quán, đi ngược phong tục của ông cha thì dòng họ đó bị diệt lùi. Ông Pó kiên quyết: “Tôi vẫn quyết tâm, lần này khởi đầu một đám, tạo sự thay đổi, nếu không được thì chúng tôi bàn lại, nếu thành công, chúng tôi tiếp tục phát huy”.

Người cược mạng sống để xóa hủ tục - 1

Đám tang của đồng bào Mông ở Mường Lát được thực hiện theo nếp sống mới .

Cuộc “cách mạng” thành công

Chuyện vẫn chưa dừng lại, trong việc xóa bỏ hủ tục tang ma, ngay trong dòng họ Lâu còn nhiều ý kiến trái ngược, chưa nói đến các dòng họ khác của đồng bào Mông ở Mường Lát. Phải tới khi ông Lâu Gia Pó mắc trọng bệnh thì cuộc “cách mạng” mới đi đến thành công. Chuyện là, khi ông Pó tổ chức đám tang cho người chú theo nếp sống văn minh thì ông mắc bệnh đau tim nặng, phải về Viện Quân y 108 thực hiện ca phẫu thuật. Ông Pó kể: Chưa nói đến các dòng họ khác, ngay trong dòng họ của ông, nhiều người nghĩ, lần này ông đi vĩnh viễn. Có người còn hỏi thăm con cái ông Pó là bố... mất chưa? Nhưng rất may, điều trị sau một tháng ở Hà Nội, ông Lâu Gia Pó trở về nhà và khỏi hẳn, khỏe khoắn. Từ đó mới tạo được niềm tin cho nhân dân. Ông Pó thẳng thắn: “Thực sự, khi đó tôi vô cùng lo lắng, tôi mà chết thật thì những hủ tục chưa biết tới bao giờ mới được xóa bỏ và đề án của ngành chức năng lập ra chưa biết bao giờ mới thành công!”.

Người cược mạng sống, khoe rằng: Sau khi điều trị về, ông vẫn làm Bí thư Đảng uỷ xã cho đến ngày nghỉ chế độ. Còn cháu Lâu Minh Pó lúc đó là Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Mường Lát, sau khi tổ chức thành công đám tang cho chú, Minh Pó được tín nhiệm bầu giữ chức vụ cao hơn, Minh Pó lên làm Phó Bí thư Huyện uỷ. “Đến giờ thì mọi rào cản đã được tháo gỡ, không ảnh hưởng gì, đối với mọi người lại rút ngắn thời gian, giảm chi phí, tránh được ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh. Đồng bào Mông ở Mường Lát giờ thành tự nguyện rồi, khi có người trong gia đình không may qua đời, họ đều tổ chức như dưới xuôi thôi”, ông Pó tự hào.

Báo cáo tổng hợp của huyện Mường Lát cho thấy: Đến nay, đã có khoảng 100 đám tang của người Mông đưa thi thể người quá cố vào quan tài. Các dòng họ của Pù Nhi, Nhi Sơn; lan toả sang cả các bản người Mông của huyện Quan Sơn cũng đã thực hiện theo. Khi chúng tôi tới Pù Nhi đúng thời điểm gia đình ông Pó đang chuẩn bị tổ chức tang lễ cho người em rể là chồng của bà Lâu Thị Dợ (em gái ông Pó). Tôi quan sát, thi thể người qua đời đã được đưa vào quan tài, các nghi thức tâm linh được thực hiện một cách đầy đủ nhưng không kéo dài, không giết mổ nhiều trâu bò như trước nữa.

Ông Pó cho biết thêm: Đến thời điểm này gần như không phải tuyên truyền nữa. Từ đám đầu tiên không thấy ảnh hưởng gì, tiếp theo dòng họ Hơ làm tốt công việc tang ma. Anh Hơ Chí Xá- Bí thư Chi bộ ở bản Cá Nọi từng được đi báo cáo điển hình ở tỉnh, ở Trung ương. Ông Lâu Gia Pó nhấn mạnh: “Bây giờ người Mông sở tại ở Pù Nhi có bảy dòng họ gồm: Họ Lâu, Hơ, Po, Sung, Va, Ly, Chá đều thực hiện việc tang ma theo nghi thức mới hết rồi. Họ Ly, ít người nhất cũng đã làm rồi, không còn dòng họ nào phản đối, không phải động viên nữa”.

Những việc cổ hủ, lạc hậu vốn tồn tại lâu dài trong đồng bào Mông ở Mường Lát đã và đang được xóa bỏ nhưng những bài trường ca hát trong các dịp lễ hội, ngày vui, sự việc buồn được gìn giữ, phát huy. Bất di, bất dịch, ngày cưới hay ngày mất của ai đó; họ hàng thân thích, bà con làng bản đều mặc đúng trang phục, đó là nét văn hóa. Việc cưới xin của người Mông cũng nhẹ nhõm hơn, giờ chỉ thách 10 lít rượu, con lợn 50kg và 1,5 triệu đồng tiền mặt. Ông Lâu Gia Pó hoài niệm: “Cả quãng đời công tác, tôi làm được một số cái mới cho bà con, đó là trách nhiệm chung, làm sao cho dân bản tin tưởng vào đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước là rất cần thiết”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cược mạng sống để xóa hủ tục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO