Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 khiến nhiều đàn gia cầm của người dân bị chết gây thiệt hại về kinh tế.
Ngày 5/6, tại một số điểm trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, nơi xuất hiện dịch cúm A H5N1 mới đây đã được người dân cùng cơ quan chức năng dọn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột để diệt khuẩn. Những hộ chăn nuôi gia cầm bị chết sau khi được đưa đi tiêu hủy, cán bộ thú y địa phương làm báo cáo gửi cho các ngành chức năng đề xuất với huyện để xin kinh phí hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian tới.
Đang phun thuốc khử trùng chuồng trại gia cầm, ông Trần Văn Anh - người dân thôn La Hà 3, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa nói: Gia đình tôi bỏ số tiền hơn 30 triệu đồng mua 1.100 con vịt giống về nuôi. Lúc đầu đàn vịt phát triển bình thường, đến khoảng gần 3 tháng chuẩn bị xuất bán cho thương lái thì bất ngờ hơn 200 con vịt bị co giật, mắt đục rồi chết hàng loạt. Tôi đã báo cho cán bộ thú y xã cùng các cơ quan chức năng huyện xuống kiểm tra, xử lý”.
Theo ông Văn Anh, sau khi lực lượng chức năng huyện Tư Nghĩa phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 4 xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm, đàn vịt của gia đình ông Văn Anh dương tính với virus cúm A H5N1. Số gia cầm nói trên cũng được đem đi tiêu hủy.
Bà Nguyễn Thị Kim Vân (vợ ông Trần Văn Anh) cho biết, khi có kết quả đàn gia cầm của gia đình bà dương tính với virus cúm A H5N1, sau đó số đàn vịt còn lại hơn 880 con bị đem đi tiêu hủy hết.
“Nếu số vịt này không bị mắc bệnh, tôi bán 1 con vịt với giá từ 130.000 đến 140.000 đồng, với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Thế nhưng giờ gia đình tôi coi như trắng tay không còn gì nữa. Mong các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ lại con giống cho gia đình tôi tiếp tục chăn nuôi lại để có nguồn thu nhập” - bà Vân nói.
Tương tự, hộ gia đình ông Nguyễn Phượng - thôn Phú Nhuận, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa nuôi hàng trăm con vịt được hơn 2 tháng thì đàn gia cầm có dấu hiệu như: run rẩy, đi phân trắng rồi lăn ra chết.
Ông Phượng cho biết: Cách đây 2 tháng tôi có mua 500 con vịt đem về nuôi, tôi đã chủ động dọn vệ sinh chuồng trại và có tiêm một số loại vaccine cho đàn gia cầm. Thế nhưng khi đàn vịt chuẩn bị đến ngày xuất bán cho thương lái thì chết hàng loạt. Gia đình tôi đã báo cho cán bộ thú y xã Nghĩa Thuận, họ xuống kiểm tra và lấy mẫu gửi đến cơ quan chức năng, kết quả đàn vịt của tôi bị dương tính với virus cúm A H5N1.
“Qua đây chúng tôi mong muốn, thời gian tới, cán bộ thú y xã Nghĩa Thuận cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tư Nghĩa tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và phòng bệnh cho đàn gia cầm, gia súc để giúp người dân nâng cao kỹ năng chăn nuôi” - ông Phượng nói.
Ông Trần Thanh Tịnh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết: Trên địa bàn xã xuất hiện ổ dịch cúm A H5N1 của hộ ông Nguyễn Phượng và đã được ngành thú y xã đem đi tiêu hủy và báo cáo cho UBND huyện Tư Nghĩa về sự việc này. Hiện nay trên địa bàn xã chưa phát hiện thêm các ổ dịch cúm A H5N1. Thời gian tới chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kỹ năng cho các hộ dân trong việc chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra trên đàn gia cầm.
Chia sẻ về sự việc này, ông Trần Thiên Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết, các ngành chức năng đã tăng cường giám sát, phát hiện sớm, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xử lý các ổ dịch theo quy định. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và ngăn chặn kịp thời việc bán chạy hay giết mổ gia cầm bệnh làm gia tăng nguy cơ lây lan.
“Ngành thú y đã đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đợt 1 năm 2023 và tổ chức tiêm phòng thường xuyên theo lứa tuổi từ nguồn vaccine huyện phân bổ; rà soát, thống kê chính xác tổng đàn gia cầm của địa phương; tổ chức tiêm phòng bắt buộc vaccine cúm gia cầm đạt 100% kế hoạch” - ông Thanh nói.
Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kịp thời phân bổ vaccine cúm gia cầm, hóa chất tiêu độc, khử trùng cho các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng và triển khai thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi gia cầm. Chủ động giám sát, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh; kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương xử lý ổ dịch theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo số 2080 về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, do thời tiết khắc nghiệt làm giảm sức đề kháng và tiêm phòng vaccine chưa đủ mũi nên nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra trong thời gian tới rất cao.