Ở thời điểm này, thuê bao không chính chủ, tức sim đang được đăng ký bằng thông tin của người khác cũng chưa bị khoá sim và những sim bị khoá 1 chiều vẫn có thể mở lại nếu như đăng ký đúng chính chủ.
Theo Nghị định 49, các thuê bao di động của các nhà mạng đang hoạt động đều phải có thông tin đúng quy định và trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ giúp việc quản lý, giải quyết tận gốc SIM rác, không đúng thông tin quy định, tất cả các thuê bao di động tại Việt Nam không chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa 1 chiều sau ngày 31/3/2023.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long yêu cầu các nhà mạng phải thực hiện nghiêm túc về vấn đề này. "Nếu lùi thời hạn sau ngày 31/3 sẽ khiến cho nhiều thuê bao tiếp tục kéo dài thời gian trong việc chuẩn hóa thông tin thuê bao khi nhận được thông báo từ nhà mạng", lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết.
Vì vậy, Bộ TT&TT kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3. Sau thời gian này, các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa lại thông tin cá nhân cho các thuê bao bị khóa.
Ghi nhận của phóng viên tại các địa điểm giao dịch của 3 nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone và Mobifone trong ngày 31/3 đều chật cứng khách hàng đến chuẩn hóa thông tin thuê bao, đáng chú ý khách hàng chủ yếu là những người lớn tuổi, ít sử dụng điện thoại và không biết cách chuẩn hoá ngay trên mạng.
Ở điểm giao dịch Vinaphone khu vực Thanh Xuân, Hà Nội, từ 8h sáng, khách hàng đã xếp hàng dài trước cửa để chờ giao dịch. Ngay khi vừa mở cửa đón khách, nhân viên tại cơ sở Vinaphone đã hướng dẫn khách hàng lấy số thứ tự và sắp xếp chỗ ngồi cho khách.
Anh Việt Anh (27 tuổi), nhân viên tại cửa hàng cho biết, việc chuẩn hoá thuê bao nếu có giấy tờ đầy đủ và số đã dùng từ lâu thì việc đăng ký sẽ dễ dàng hơn. "Khách hàng không cần phải chờ đợi quá lâu vì việc chuẩn hoá thông tin chỉ mất khoảng tầm 5 phút. Tuy nhiên vì có nhiều người lớn tuổi không hiểu rõ về quy trình này thì thời gian sẽ tốn hơn", anh Việt Anh cho biết.
Bác Phạm Quốc Tuấn (58 tuổi) cho biết, do không hiểu rõ về việc phải đi đăng ký sim nên đến khi con nhắc nhở thì bản thân bác mới bắt đầu kiểm tra tin nhắn và biết rằng phải đi đăng ký do sim vẫn chưa chính chủ.
"Tôi đến đây từ 7h sáng do lo lắng việc sim sẽ bị khoá nếu không đăng ký, tuy nhiên phải đến 8h hơn thì chỗ này mới làm việc, sau khi lấy số thứ tự tôi được bạn nhân viên dẫn vào chỗ ngồi chờ, nghĩ rằng sẽ phải chờ lâu vì có rất đông người cũng đứng đợi, tuy nhiên thực chất việc làm lại sim diễn ra rất nhanh, tôi chỉ việc đưa khoảng 4-5 số điện thoại của các con cháu cùng chứng minh thư là làm được", bác Tuấn nói.
Lo lắng trước thông tin sim sẽ bị khoá sau ngày hôm nay, bác Trịnh Thu Hà (53 tuổi, Hà Nội) cũng đã đến trụ sở làm việc của Mobifone để đăng ký chuẩn hoá thuê bao. Bác Hà cho biết sim điện thoại được con gái mua từ một cửa hàng bán sim gần nhà để đăng ký vào mạng tiện gọi điện và vào mạng nhắn tin với con cháu.
Bác Hà chia sẻ: "Tôi sợ sim của mình sẽ bị khoá không dùng được nữa nên đã bảo con gái xin nghỉ buổi sáng để đến đây làm lại sim, tuy nhiên nhân viên cũng bảo tôi là thời điểm này sim mới chỉ bị khoá 1 chiều vẫn có thể dùng để vào mạng hay nghe điện thoại được, chỉ không gọi đi được nên không cần quá lo lắng. Phải tháng sau không đăng ký mới bị khoá sim hoàn toàn".
Thực tế, sau 15 ngày khóa 1 chiều, nếu thuê bao không chuẩn hóa thông tin theo quy định bị khóa thông tin sẽ bị khóa 2 chiều. Sau 30 ngày sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định. Vì vậy trong khoảng thời gian bị khoá 1 chiều, khách hàng vẫn có thể tự mở lại sim trên điện thoại nếu có số căn cước chính chủ hoặc đến các trụ sở các nhà mạng để được chuẩn hoá.
Một số người khác lại băn khoăn liệu trước đây thuê bao di động đăng ký chính chủ bằng CMND nhưng giờ đổi sang CCCD gắn chip có thuộc diện cần bổ sung thông tin không. Tuy nhiên, các nhà mạng khẳng định CMND cũ vẫn hợp lệ.
Theo đó, về mặt quy định, chứng minh nhân dân vẫn có giá trị nên nếu thông tin đúng, người dùng không cần lo lắng. Chiến dịch lần này chủ yếu tập trung vào việc khắc phục những tồn tại của dữ liệu, ví dụ thiếu giấy tờ, sai họ tên, sai ngày tháng năm sinh, chứ không phân biệt CMND hay CCCD gắn chip.
Các nhà mạng cũng nhấn mạnh chỉ thuê bao nhận được thông báo mới cần đi chuẩn hóa. Tình trạng khóa nhầm sẽ không xảy ra. Ở giai đoạn này, thuê bao không chính chủ, tức sim đang được đăng ký bằng thông tin của người khác cũng chưa bị khoá sim.
Tuy nhiên, các nhà mạng khuyến nghị người dùng nên sử dụng sim đúng thông tin của mình, sớm cập nhật CMND sang CCCD. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi, tránh rủi ro pháp lý như sự cố lừa đảo, tranh chấp thuê bao có thể phát sinh.
Ngoài ra, sim chính chủ liên kết với số CCCD gắn chip còn phục vụ quá trình sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Đại diện các nhà mạng khẳng định nếu là sim chính chủ, người dùng có thể dễ dàng đổi từ giấy tờ cũ sang giấy tờ mới mà không gặp vấn đề. Ngoài ra, người dùng cũng có thể thao tác trên ứng dụng di động hoặc gọi điện đến tổng đài để được hỗ trợ.