Những ngày qua, các ca mắc Covid-19 trên phạm vi toàn quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm, đặc biệt tại thành phố Hà Nội, số ca F0 tăng mạnh. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống Covid-19 không có chỗ cho tâm lý chủ quan, lơ là.
Áp lực vì số ca mắc Covid-19 tăng nhanh
Kể từ ngày 15/12, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục ở mức cao từ trên 1.300 đến trên 1.400 ca mắc. Đáng chú ý, đến ngày 20/12, số ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội đã tăng mạnh, lập đỉnh mới về số ca F0 mắc mới, cao nhất là 1.641 ca - số liệu từ Sở Y tế Hà Nội.
Như vậy, trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 của Hà Nội là 24.618 ca, trong đó 9.139 ca ngoài cộng đồng, 12.028 ca tại khu cách ly, 3.451 ca tại khu phong tỏa. Hiện tại, toàn thành phố có 14.596 ca đang được điều trị; trong đó 9.895 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung, 5.061 người đang cách ly điều trị tại nhà.
Số F0 tăng chóng mặt, trong khi đó nhiều người dân phản ánh việc chậm nhận kết quả xét nghiệm, chậm được đưa đi cách ly. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội chưa quá tải, nhưng hệ thống y tế ở một số nơi có thể chưa được cân đối.
Do đó, y tế xã, phường cần có sự phân bổ, điều động hợp lý, thành lập thêm trạm y tế lưu động, đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất, ô xy, thuốc chữa bệnh ban đầu,… theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Phu cho rằng, y tế cơ sở của Hà Nội phải tiếp cận sớm F0, hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, tận dụng mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Nếu F0 diễn biến nặng, y tế phải nắm được để chuyển người bệnh đến bệnh viện. Điều này rất quan trọng để bệnh viện không bị quá tải, giảm tỷ lệ tử vong.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã huy động sinh viên tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội huy động Đoàn thanh niên, Hội sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố báo cáo Cấp ủy, Ban Giám hiệu/Ban Giám đốc nhà trường chọn cử từ 200 đến 300 sinh viên tình nguyện/đơn vị tham gia “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” tư vấn cho người dân trong hoạt động phòng, chống dịch và hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại nhà.
Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh
Mặc dù ghi nhận tới hàng trăm ca F0 trong cộng đồng mỗi ngày, nhưng đối với một số người dân trên địa bàn Hà Nội, tâm lý chủ quan, lơ là đã xuất hiện. Một số người không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch vì cho rằng tiêm đủ 2 mũi vaccine và không có bệnh nền là đủ để bảo vệ họ trước Covid-19.
Tại quận Hoàn Kiếm, địa bàn có nhiều không gian công cộng như không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn kiếm và phụ cận, quảng trường trước cửa Nhà thờ Lớn... luôn đông người, nhất là các dịp cuối tuần, đặc biệt là dịp Lễ Giáng sinh, Tết... Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra.
Mới đây nhất, UBND phường Hàng Trống đã phải ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng/người đối với một nhóm thanh niên tụ tập, không đeo khẩu trang trên địa bàn phường.
Tại Cầu Giấy, nhiều người dân có ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch. Trên địa bàn các phường Trung Hòa, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô, các cửa hàng kinh doanh đều thực hiện 5K; nhiều hộ có ý thức khá cao về công tác an toàn phòng dịch, trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang, vách ngăn... và nhắc nhở khách khai báo y tế. Tuy nhiên, một vài quán ăn vỉa hè trên đường Nguyễn Khánh Toàn vẫn ghi nhận tình trạng không yêu cầu khách quét mã QR.
Ngoài ra, ở nhiều quán nước vỉa hè, vẫn có tình trạng người dân đến tụ tập thành nhóm, ngồi uống nước, tán gẫu nhưng không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy định…
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn trước do nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron; số ca mắc và tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng; nhiều ca bệnh trong cộng đồng gia tăng và không rõ nguồn lây.
Nếu người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thì sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh và phá vỡ thành quả chống dịch của toàn xã hội. Do đó, ý thức trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch quan trọng hơn bao giờ hết. Người dân nên tuân thủ 5K, khai báo y tế phải trung thực, nghiêm túc.