Năm học 1973 - 1974 thực sự vô cùng ý nghĩa. Đó là năm học đầu tiên, chúng tôi được học ở trường chính. Mỹ đã thua trên bầu trời Hà Nội, Hiệp định Paris được ký kết. Không còn cảnh những chiếc máy bay gầm rú trên trời rồi trút bom nữa. Học sinh từ các nơi sơ tán trở về.
Quê tôi ở vùng ven Hà Nội, lại ngay đường quốc lộ 5, nên từ khi máy bay Mỹ ném bom miền Bắc các lớp học đều được phân lẻ ra rồi sơ tán vào các xóm chứ không học tập trung ở trường. Thế là từ khi bước chân vào lớp 1 tôi ngày ngày theo học ở lớp học được xây dựng tạm theo kiểu nửa chìm nửa nổi với mái lợp lá gồi, tường đắp đất bao quanh, muốn vào lớp bọn chúng tôi phải đi theo “con đường” là đoạn giao thông hào.
Tuy các lớp phân tán như thế nhưng khoảng cách giữa các lớp cũng như với trường chính không cách nhau là mấy. Chỉ hiềm nỗi vào giờ ra chơi chúng tôi không có chỗ chạy nhảy hay đàn đúm lớp này lớp kia. Đúng là dạo ấy chỉ lớp nào biết lớp ấy. Ra chơi thì mấy đứa rủ nhau ngồi quanh gốc tre. Ngồi quanh mà lại nhiều năm nên chỗ đất bên gốc tre bị chai lì chẳng cây cỏ nào mọc được.
Nói là sơ tán vậy thôi nhưng chúng tôi vẫn thực hiện giờ vào lớp giờ ra chơi và giờ về theo tiếng trống trường từ trường chính vọng tới. Tiếng trống đều đặn vang lên chẳng chệch một giây, cứ 6 tiếng vào và 3 tiếng ra “tùng... tùng... tùng”.
Năm học mới này lại thêm ý nghĩa là vì chúng tôi được học ở ngôi trường mới. Trường mới được xây dựng khang trang ở chỗ trước kia vốn là những thửa ruộng nằm cạnh con đường nối thôn Yên Nhân với thôn Phú Đa. Trường mới, sân trường rộng lại có “vườn địa lý” với những giống cây, giống hoa mới được trồng nên đứa nào cũng thích. Thích là bởi chính ngôi trường này cùng với những vườn cây vườn hoa đều có công của chúng tôi khi chúng tôi được tham gia những buổi lao động. Riêng bọn con trai thì còn có “vinh dự” là thay nhau ra ngủ ở đó để trông trường.
Tôi nhớ đêm đầu tiên, năm ấy tôi học lớp 5 đầu cấp 2, tôi và 3 thằng dũng cảm nhất như lời cô chủ nhiệm nói, được cử ngủ trông trường. Dạo đó trường mới đang còn rất bộn bề, chỉ mới xây xong mấy phòng học chưa lát nền và dĩ nhiên là chưa có cánh cửa nên phòng học cứ trống hoác cho gió đồng tha hồ vào cửa này luồn ra cửa kia.
Thực ra xã tôi cũng có trường cấp 2 từ lâu rồi, tôi nghe mẹ bảo là có từ hồi Pháp kia, ngôi trường cũ ấy không hiểu sao hồi xưa người ta lại xây dựng nó ở xóm Bình Tân, một xóm nhỏ nằm bên kia đường quốc lộ 5 và tách biệt hẳn với ba thôn của xã Văn Phú. Có lẽ do bất tiện vì học sinh tới trường phải đi qua đường quốc lộ nên xã Văn Phú đã chủ trương xây dựng trường mới sang phía bên này đường quốc lộ, gần các thôn hơn.
Đêm ấy 4 thằng chúng tôi cứ tay không, nghĩa là chẳng mang theo một thứ gì, hồn nhiên tới trường. Đã cuối thu nên gió thổi lành lạnh, mấy thằng hì hụi vừa dùng chân gạt gạt vừa cầm túm cành cây nhỏ xua xua để dọn chỗ nằm. Đến khi gọi là xong xuôi thì cả 4 thằng mới ớ ra vì phải nằm đất. Được cái là trẻ con nên cũng dễ dãi, chúng tôi túm tụm co vào một góc phòng học để ngủ.
Mà nào có ngủ được đâu, cử một thằng về lấy chiếu thì nó sợ không dám đi một mình. Kéo cả 4 thằng cùng về nhà thì là “bỏ vị trí gác”. Cuối cùng chúng tôi bảo nhau ngồi dậy, dựa lưng vào tường ngủ gà ngủ gật.
Đang thiêm thiếp giấc chập chờn ấy thì cả bốn đứa bừng tỉnh, co rúm lại sợ hãi. Bên ngoài vọng tới bước chân người đi không giống bước chân người bình thường. Đó là những bước chân đi nghe không đều nhau, nghe chân mạnh chân yếu. Rõ ràng là “những bước chân ma rồi”, chúng tôi sắp hồn bay phách lạc thì nghe có tiếng người hỏi: “Mấy cháu còn thức không đấy?”.
Hú hồn, thì ra người đi tới và cất tiếng hỏi là bác Toại thọt. Gọi là bác Toại thọt là vì không hiểu sao hai chân của bác ấy lại không đều nhau. Chân phải dài hơn chân trái. Bác Toại năm đó chừng 50 tuổi, không vợ con, người bé choắt, nhà ở xóm Đìa, bác được xã cử ra làm người trông coi xây dựng kiêm luôn bảo vệ. Thường thì bác Toại ngủ một mình trong căn nhà tạm ở cuối sân trường. Bọn chúng tôi được cử ra ngủ mà quên mất ở trường đang xây dựng còn có bác Toại.
Bác Toại ngó mặt nhìn vào chỗ 4 thằng đang rúm ró sợ hãi. Bác cười rõ to: “Làm quái có ma mà sợ. Mà các cháu ngủ đất à? Không được rồi chờ bác một lát”. Nói rồi bác Toại quay đi. Lát sau lại nghe thấy tiếng bước chân bên mạnh bên nhẹ lại gần. Lần này bác Toại mang theo một chiếc chiếu đôi, chiếu còn mới, hình như là bác chưa sử dụng, bác bảo mấy thằng đứng dậy và trải chiếu xuống nền.
Đêm hôm ấy chúng tôi yên tâm vì làm quái gì có ma, ngủ một giấc tới bảnh mắt mới dậy. Chúng tôi chạy tới chỗ bác Toại chào bác, bác Toại lại cười rõ to: “Nhớ bảo với các bạn có được ra ngủ trông trường thì mang chiếu mang màn đấy nhé”.
Các lớp đã xếp hàng ngay ngắn trên sân trường. Lá cờ Tổ quốc được treo lên đỉnh cột cờ từ sáng sớm đang tung bay trong gió. Thầy Ngọc, hiệu phó bước lên đứng trước hàng học sinh, thầy phải nói rất to bởi hồi đó làm gì có loa có đài. Không khí thật trang nghiêm khi thầy hiệu phó hô “Chào cờ. Chào”. Toàn trường đứng im phắc cùng ngước mắt nhìn lên lá cờ bay phấp phới. Cũng dạo đó việc chào cờ chỉ có đứng nghiêm chứ không có hát quốc ca vì chúng tôi “chưa quen” nhưng cũng rất thành kính.
Sau lễ chào cờ thì thầy Ngọc mời thầy Hợi hiệu trưởng trường lên đọc diễn văn khai giảng. Nhưng thầy Hợi không đọc bài diễn văn mà thầy đọc thư của Bác Hồ gửi các cháu học sinh nhân dịp năm học mới, năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thầy Hợi đọc rõ ràng, giọng như lạc đi vì xúc động. Đọc xong lá thư của Bác Hồ, thầy Hợi đứng nghiêm một vài giây, nhìn xuống chỗ chúng tôi, thầy nói: “Các em thân mến. Năm học này trường chúng ta sau nhiều năm phân tán giờ chính thức được học tập trung. Để có được ngôi trường mới này các em nên nhớ đó là thể hiện sự quan tâm của chính quyền xã Văn Phú cùng công lao xây dựng của toàn thể các em học sinh”.
Thầy Hợi xúc động im lặng vài giây rồi mới nói tiếp: “Các em chắc vẫn nhớ suốt trong những năm các lớp học phải phân tán nhưng tiếng trống trường vẫn đều đặn vang lên”. Thầy Hợi lại im lặng nhưng lần này ánh mắt thầy nhìn khắp lượt chúng tôi, thầy nói tiếp: “Các em có biết tiếng trống trường suốt những năm đó do ai đánh không?”. Chúng tôi xì xầm hỏi nhau, thú thực là suốt mấy năm qua chúng tôi chỉ nghe tiếng trống vang lên chứ có để ý là do ai đánh đâu”.
Thầy Hợi dường như biết chúng tôi đang nhìn nhau dò hỏi nên thầy nói ngay: “Suốt những năm học phân tán đó tiếng trống trường đều do bác Toại đánh. Bác Toại chưa khi nào đánh trống chậm một giây. Thầy đề nghị toàn trường ta vỗ tay cảm ơn bác Toại”.
Tiếng vỗ tay vang lên rào rào, thầy Hợi ra hiệu cho toàn trường trật tự trở lại, thầy nói tiếp: “Bởi thế nên người đánh trống khai giảng năm học vô cùng ý nghĩa này thầy muốn toàn trường ta cùng nghe tiếng trống do bác Toại đánh”.
Nói xong, thầy Hợi bước xuống hàng ghế giáo viên và nhân viên của trường, giơ tay ra bắt tay bác Toại và cẩn thận đỡ bác Toại đi về phía chiếc trống trường đã được treo ở dưới chân cột cờ. Bác Toại ban đầu có vẻ ngần ngại. Không ai bảo ai, không có khẩu lệnh nhưng tiếng vỗ tay của chúng tôi cùng nhất loạt vang lên. Bác Toại tuy vẫn còn lúng túng nhưng cũng đã tới chỗ chiếc trống. Thầy Hợi hai tay cầm dùi trống đưa cho bác Toại.
Bác Toại quay xuống nhìn chúng tôi, hình như đôi mắt bác ngấn lệ, hai tay bác Toại nâng dùi trống lên, bác làm động tác cảm ơn rồi mạch lạc vung dùi vào mặt trống. Tiếng trống vang lên “Tùng... tùng... tùng”. Tiếng trống khai giảng năm học mới đã vang lên.