Ông bà cha mẹ tôi đều là người Hà Nội. Bà tôi bán lụa ở chợ Bưởi, quanh năm bận bịu với tơ lụa, cửa hàng. Nhưng dẫu bà tôi không bận thì việc nấu cỗ Tết vẫn thuộc tay ông tôi.
Ông tôi bảo, nghèo mấy thì Tết cũng phải “mâm cao, cỗ đầy”. Vì thế ngày tôi còn nhỏ, trẻ con vừa mong Tết đến để có quần áo mới, vừa để được ăn các món ngon và ăn thỏa thích. Có năm ông bảo bố tôi, “anh không có thì để thầy lo”, thầy muốn cỗ phải thể hiện sự trang trọng, đầy đủ để cả năm hanh thông, cả năm may mắn. Khi nào thầy không lo được thì phải bớt, chứ năm nay thầy sẽ làm mâm 8 bát 8 đĩa.
Rồi ông tôi làm cỗ Tết. 8 đĩa gồm: Xôi gấc; gà luộc; hạnh nhân xào; nộm; thịt quay, giò lụa hoặc giò xào; nem rán; chả quế. 8 bát gồm: Bát vây cá; măng lưỡi lợn hầm chân giò; bóng bì; mực nấu rối; nấm thả; chim hầm; gà tần; miến nấu lòng gà.
Ông tôi tự tay đi chợ mua thực phẩm. Bố mẹ tôi và bọn trẻ con chúng tôi “chạy” vòng ngoài. Nhặt rau, tỉa hoa, bóc lạc, rửa bát đĩa lau khô. Nhưng đến khi bày, thì ông lại tự tay bày. Ông bày rất khéo. Đĩa thịt gà ông chặt xong xếp phần da xuống trước, khi đĩa đã đầy, ông lấy cái đĩa khác đặt úp rồi lật lên. Đĩa thịt gà vàng ươm trông thật đẹp. Không chỉ trình bày mà màu sắc của các món ăn cũng được ông rất chú trọng.
Ngoài 8 bát 8 đĩa còn thêm 3 bát nước chấm cơ bản, bát nào cũng có ớt. Ớt vừa mang tới màu tươi tắn cho mâm cỗ vừa lôi cuốn vị giác: Một bát nước mắm nguyên chất với tỏi, ớt; Một bát nước chấm nem; Một đĩa muối với tiết, hạt tiêu, lá chanh, chanh, ớt. Ngoài ra còn: Bánh chưng, dưa hành…
Sau này, bố mẹ tôi không theo được ông, phần vì kinh tế thời bao cấp rất eo hẹp, nhà cũng chật, bàn thờ cũng nhỏ không đủ chỗ để bày như hồi ở nhà ông trong quê. Bố tôi thẽ thàng bảo với mẹ: 4 bát 4 đĩa cũng được, tượng trưng cho 4 mùa, 4 phương. Thế mà có khi mâm cũng phải phải bày đến 2 tầng mới đủ.
4 bát sẽ bao gồm các món: Canh bóng thả nấu với chân tẩy và nước dùng gà; chân giò hầm măng khô; mọc nấm thả và miến nấu lòng gà. 4 đĩa sẽ bao gồm các món như: gà trống thiến luộc; nem rán; giò lụa (hoặc giò thủ, chả quế); bánh chưng.
Cũng có năm bố tôi còn có thêm món thịt đông, món ăn nhiều nhà rất hay nấu vào những ngày lạnh miền Bắc. Bố tôi bảo món này không tính. Tết, trên ban thờ còn có mâm ngũ quả, mấy hộp mứt, chè kho, chè lam…
Năm tháng qua đi. Cuộc sống đổi thay. Tôi có gia đình, nhiều việc biết làm nhưng không biết làm cỗ, gói bánh chưng như nhiều phụ nữ. Tết đến tôi chỉ nấu vài món. Thời bao cấp được nghỉ có hai ngày rưỡi thì nấu vài món trong đó có con gà luộc, thịt nấu đông, bóng miến xào… đã là rôm rả. Bánh chưng thì góp gạo, đỗ, thịt… nhờ gói, nhờ luộc đưa mười lấy về bảy, ba phần trả công cho người làm. Sau này thì đi mua. Rồi bây giờ, có cả dịch vụ làm cỗ Tết…
Song, có nhiều người không như tôi, đó là những người phụ nữ vừa đảm, rất hiện đại nhưng cũng vẫn giữ được nề nếp gia phong. Một trong số đó là Vũ Thị Tuyết Nhung. Tôi biết chị từ lâu qua các chương trình "Hà Nội của chúng ta" trên sóng Đài Truyền hình Hà Nội (HTV).
Nhung đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau, từ phóng viên, biên tập viên, dẫn chương trình đến viết kịch bản, đạo diễn… và là Trưởng Ban biên tập Văn hóa - Xã hội của HTV. Tôi “mê” Nhung ngay từ lần gặp mặt đầu tiên ở ngoài đời. Nhung xởi lởi, nhiệt tình, nhanh nhẹn và… lễ phép.
Cái lễ phép rất phong thái, văn hóa của phụ nữ Hà Nội khiến tôi rất nể trọng. Người có vị thế trên sóng truyền hình như Nhung khó dứt khỏi cái bẫy ảo tưởng, luôn tự cho mình là hơn người, là có quyền kiêu ngạo…
Nhung thì không. Nếu có kiêu hãnh thì là cái kiêu hãnh ngầm trong tâm thức, cái kiêu hãnh biết rõ mình ở vị thế nào, kính trên nhường dưới một cách văn hóa chứ không phải quỵ luỵ. Gia đình Nhung nhiều đời ở Hà Nội. Nhung thấm đẫm cái thanh lịch, hồn hậu của người Hà Nội cổ.
Ăn nói chừng mực mà vẫn không khách sáo. Là người làm việc rất chuyên nghiệp ở HTV, ngoài ra còn viết báo, viết văn. Bài của Nhung bao giờ cũng kỹ, cũng hay, sách ra có lượng bạn đọc nhiều, người tán dương không ít, trong 2 năm ra 3 đầu sách mà không trang nào viết ẩu, viết nhạt. Trang nào cũng thấm đẫm tình yêu như: “Hà thành hương vị xưa cũ”, “Đặc sản bốn phương hội tụ”, “Hà Nội mến thương”.
Nhung viết về hàng trăm con phố ở Hà Nội, hàng trăm món ăn ngon, mỗi con phố là một quan sát tinh tế, mỗi món ăn là một kinh nghiệm của chính bản thân cộng thêm ngòi bút giàu cảm xúc nên hơn một ngàn trang viết của Nhung được bạn đọc đón nhận hồ hởi.
Những bài viết của Nhung bắt nguồn từ ký ức, kỷ niệm của chính Nhung. Nhung sinh năm 1957 tại Hà Nội trong gia đình nề nếp, sống trong khu vực phố cổ. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Nhung có óc quan sát tinh tế, trí nhớ và xúc cảm tốt, cộng với năng lượng sống dồi dào nên Nhung kể rất hay, rất hấp dẫn những gì Nhung đã thấy, đã biết, đã trải nghiệm trong đời mình. Điều đó thật hiếm. Khi tôi bảo sẽ viết về Nhung, người nấu cỗ Tết thì Nhung giãy nảy: “Ấy không chị ơi. Nhiều người nấu ngon lắm, giỏi lắm, em chả là gì”.
Nhung khiêm tốn đó thôi. Song cũng phải thừa nhận không chỉ Hà Nội, nhiều vùng miền ở nước ta có nhiều người làm cỗ Tết vừa ngon vừa đẹp. Nhưng Nhung thì khác. Làm cỗ Tết vừa ngon vừa đẹp lại còn biết kể lại, mà trong chuyện kể nào có phải chỉ là mâm cỗ mà là những gì con người có, xã hội có… xung quanh mâm cỗ ấy thì Vũ Thị Tuyết Nhung là hiếm.
Mâm cỗ Tết Nhung nấu trong thời đại 4.0 này vẫn cầu kỳ, đẹp và ngon như thời ông nội tôi ngày xưa. Nhìn mâm cỗ bày ra bên cạnh lọ hoa lay ơn ở nhà Tuyết Nhung là cả một trời thương nhớ ùa về. Nhung chọn từng cái nấm, mộc nhĩ, tôm khô, mực khô, miếng bóng bì để nấu cho bát bóng thả thanh ngọt mà vẫn đậm đà. Đĩa xào hạnh nhân thập cẩm vô cùng đẹp mắt. Không chỉ mâm cỗ ngày Tết mà quanh năm ngày tháng bất kỳ dịp lễ lạt nào Nhung đã nấu cỗ thì mâm cỗ cũng rất đặc sắc. Nhung nấu các món ăn ngày thường cũng ngon. Nhung kho nồi cá, xương nục nhuyễn, thơm mùi giềng. Nhung tự làm tương ớt, ăn ngon nhớ mãi...
Mâm cỗ to, làm rất lâu công, mà nhà ít người, nhưng Nhung nấu vì thích, vì nhất định muốn giữ cốt cách xưa, vì nấu để còn nuôi ký ức, trước là dâng lên tổ tiên sau là để đãi bè bạn mà còn cho chị em mang về. Nhung cũng là típ người sống hết mình, sống đậm đà tình nghĩa.
Và, chỉ cần đọc bài “Trong quán cà phê Lâm ngày ấy”, “Câu chuyện bên những chiếc cổng làng”, “Hồi sinh nghề chạm bạc Hà Nội”, “Phong cách tà áo dài”… cho thấy bên cạnh viết về các món ăn Hà thành hương vị xưa cũ, Vũ Thị Tuyết Nhung còn có vốn văn hóa đủ để viết về nhiều lĩnh vực của một Hà Nội ngàn năm văn hiến…
Vì “thương nhớ ngày xưa” nên Nhung lưu giữ nhiều kỷ vật nhà bếp. Một chiếc tráp đựng trầu, một chiếc bình tích đồng thau, một chiếc mâm bằng đồng, bộ đĩa đàn, chiếc muôi nhôm đã móp méo, cũ kỹ, nhuốm màu thời gian, như thể đó là cách Nhung nuôi tinh thần và cảm xúc cho mình.
Nhung yêu cuộc sống, có trực giác và mỹ cảm tốt, mang bức tranh nào về nhà là bức ấy đẹp đúng nghĩa của hội họa. Không chỉ cỗ Tết, mà sau Tết, dịp hoa lê nở rộ, Nhung sắm cành lê tuyệt đẹp, nấu một mâm cỗ “thưởng lê” rồi mời chị em đến vui vầy.
Nhung nhiệt tình với đời, là Trưởng đoàn thiện nguyện của Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, và đoàn thiện nguyện Thanh Xuân, không chỉ kêu gọi, tổ chức thiện nguyện mà bản thân Nhung cũng tích cực thiện nguyện…