Người Hà Nội trong ngày toàn thắng

H.Vũ 30/04/2021 09:00

Cách đây 46 năm (30/4/1975 - 30/4/2021) đất nước trọn niềm vui, “non sông thống nhất” sau bao nhiêu năm chờ đợi. Một Việt Nam thống nhất chan hòa tình Bắc Nam gắn với thời khắc lịch sử của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người Hà Nội hướng về miền Nam ruột thịt.

Ông Dương Trung Quốc. Ảnh: Quang Vinh.

Cảm nhận chiến thắng đã ở rất gần

Lịch sử nước nhà đã bước sang trang mới, thời khắc của độc lập thống nhất gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được kết thúc bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975. Từ khi Chiến dịch được mở màn cũng là lúc người dân cả nước, nhất là người dân Thủ đô luôn ngóng trông hướng về miền Nam dõi theo tin tức được phản ánh từng ngày. Đối với nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (lúc bấy giờ là cán bộ Phòng Tư liệu, Viện Sử học Việt Nam) thì đó là giây phút của độc lập thống nhất mà ông không bao giờ quên.

Theo ông Quốc, đó không chỉ là thời khắc gắn với ngày 30/4/1975 mà là sự mong chờ từ những tháng năm trước đó của cả dân tộc, được khởi nguồn từ năm 1973 gắn với Hiệp định Paris. Tại miền Bắc dù không quyết liệt như chiến trường miền Nam song cuộc chiến tranh phá hoại cũng đã làm cuộc sống của người dân Thủ đô vẫn trong gian khổ nên khao khát hòa bình, đất nước thống nhất là niềm mong đợi lớn nhất.

Ông Quốc nhớ lại: Tháng 1/1973 là ký ức không ai quên khi chúng ta ký kết Hiệp định Paris, hòa bình tạm trở lại ở miền Bắc. Năm đó với người dân Hà Nội là Tết “không ai quên”. Các gia đình ra bờ hồ Hoàn Kiếm, nhìn lên trời xem bắn pháo hoa, hát vang lên bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi”. Hàng ngày theo dõi thông tin về cuộc chiến ác liệt tại miền Nam. Lúc đó ai cũng biết dù gian khổ hy sinh nhưng ngày chiến thắng sẽ đến và rất gần bởi sau khi ký kết Hiệp định Paris Mỹ đã rút quân khỏi miền Nam.

Lúc đó ai cũng hiểu rằng thời gian thống nhất đất nước đã đến rất gần, và ai cũng nhớ đến câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài thơ chúc Tết năm 1968: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Chính lô-gíc đó càng ngắn hơn với những người làm sử như chúng tôi. Như chưa chờ đợi bao giờ, thông tin về sự quyết liệt của chiến trường miền Nam luôn được thông tin từng ngày dù lúc đó báo chí truyền thông chưa phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Theo ông Quốc, từ khi bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng là thời điểm người dân Hà Nội luôn trông ngóng hàng ngày. Lúc đó ở những địa điểm công cộng lớn tại Hà Nội đều có bản tin chiến sự, bản đồ chiến sự vẽ vùng được giải phóng ngày càng được mở rộng, các mũi tên chỉ bước tiến công của quân ta ngày càng tiến gần tới trung tâm miền Nam.

“Các Bản đồ chiến sự được đặt ở cửa Thông tấn xã Việt Nam, Hàng Trống, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Chợ Đồng Xuân, Chợ Hôm. Ngày nào người dân cũng ra ngó xem quân ta đi đến đâu? giải phóng đến đâu? Không khí lúc đó gần như mọi người cùng hành quân ra mặt trận. Người dân nhìn vào bản đồ có thể tiên đoán rằng ngày giải phóng đã đến với chúng ta rất gần”- ông Quốc kể.

Người dân Hà Nội trong ngày chiến thắng 30/4/1975. Ảnh tư liệu TTXVN.

Tin tưởng về tương lai bừng mở

Lúc bấy giờ dù không tham gia chiến trường ở miền Nam nhưng ông Quốc vẫn luôn dõi theo cuộc chiến từng phút từng giờ, song hành cùng cuộc chiến. Ngay sau khi giải phóng Đà Nẵng, tiên đoán ngày giải phóng miền Nam đã tới rất gần nên lúc bấy giờ giới sử học được giao nhiệm vụ đổi tên đường phố của Sài Gòn ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng.

“Lúc đó, GS Nguyễn Đổng Chi là người chủ trì việc này, còn tôi là cán bộ được phân công đi sưu tập bản đồ, thống kê Sài Gòn có bao nhiêu con đường? Tên con đường nào phải giữ lại, tên con đường nào phải bỏ và tên con đường nào dự kiến được thay thế. Vấn đề này dù là chuyên môn nhưng vừa phấn khởi, vừa phức tạp vì có nhiều cái mới về Sài Gòn mà mình chưa biết. Đó là những ấn tượng và công việc được làm rất khẩn trương “như người lính” để theo kịp với bước đi của chiến trường. Vì thế mà ngày giải phóng miền Nam được tôi theo dõi từng ngày, gần như tôi hình dung chiến trường đó được thu hẹp dần và chờ đợi thời gian thời điểm. Phải nói là rất hồi hộp!” - ông Quốc nhớ lại.

Kể về thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975 tại Thủ đô Hà Nội, ông Quốc nhớ lại, khi đó tuy báo chí chưa nhiều như bây giờ song thông tin ra trên các báo vào buổi sáng đó cũng khá đầy đủ với những dòng chữ đỏ. Vào sáng 30/4/1975, tiếng ông Dương Văn Minh ra mệnh lệnh cho quân lính của mình đều được phản ánh. Chúng ta đón nhận tin chiến thắng qua hệ thống loa công cộng. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại chúng ta có sáng kiến rất lớn đó là đưa loa truyền thanh vào từng nhà để báo động, rồi nhắc nhở người dân thực hiện nghĩa vụ, thông báo tin tức. Thời đó hệ thống loa công cộng được phát huy ghê gớm.

Và đến buổi trưa 30/4, khi tin Sài Gòn được giải phóng lúc bấy giờ người dân Thủ đô đã tràn ra bờ hồ Hoàn Kiếm, mang tất cả những gì có thể mang như nhạc cụ, lá cờ, biểu ngữ, hình ảnh lãnh tụ đi theo trong không khí hồ hởi ngày hội của non sông. Lúc đó, người ta cảm nhận rõ ràng cảm giác chiến thắng, hân hoan nghĩ đến ngày gia đình sum họp.

Ông Quốc kể rằng: “Chiến thắng thì ai cũng thấy nhưng trong niềm vui đó mọi gia đình đều hồi hộp, ngóng trông sau thắng lợi con, em của mình có quay trở về không? Cả Hà Nội đêm đó dường như không ngủ, thở phào nhẹ nhõm nghĩ về tương lai bừng mở ra. Sau chiến thắng, mỗi người dân Hà Nội đều tin tưởng vào tương lai với nhiều tâm trạng khác nhau”.

“Như gia đình tôi gốc là ở Bến Tre. Tập kết ra Bắc xong một số người lại vào Nam để chiến đấu. Có những người 40 năm chưa gặp lại vì vào Sài Gòn từ năm 1954. Vậy là một nửa ở Hà Nội, một nửa ở Sài Gòn. Khi ra đi hẹn nhau sớm gặp lại nhưng thời gian kéo dài đằng đẵng. Cho nên, nghe tin giải phóng miền Nam tâm trạng của gia đình tôi lúc đó có sự pha trộn trong không khí hồ hởi. Còn với riêng người Hà Nội có 2 cảm xúc không bao giờ quên đó là Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, và Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”- ông Quốc bồi hồi.

Trong thời khắc lịch sử, ông Quốc cho rằng cảm xúc lớn nhất của người dân là càng hiểu vì sao chúng ta phải chiến đấu. Khi nền độc lập nước nhà còn non trẻ, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang Pháp 4 tháng để vận động hòa bình, thuyết phục một số thế lực chính trị khác nhau ở bên Pháp để ủng hộ đường lối của Việt Nam. Lúc bấy giờ Pháp muốn tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không thỏa hiệp và chiến tranh bùng nổ. Đối với người dân Việt Nam thống nhất đất nước là quan trọng hàng đầu. Vì thế ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 có ý nghĩa rất lớn đối với dân tộc. Nhiều người có thể tạm gác chút hy sinh, mất mát, những vết thương trong gia đình để thấy rằng sự nghiệp giải phóng dân tộc là chính đáng. Độc lập thống nhất là mục tiêu cao nhất, thắng lợi lớn nhất. Thành tựu to lớn mang tính lịch sử đó là di sản hết sức trân trọng, củng cố không chỉ bằng giàu có của đất nước mà còn là sự đoàn kết, thống nhất.

Theo ông Dương Trung Quốc, ngày chiến thắng 30/4/1975 đã để lại cho chúng ta bài học lịch sử về hào khí, niềm tin của người dân trong xã hội. Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, có tâm sự, băn khoăn thắc mắc suy nghĩ khác nhau nhưng toàn xã hội đều nhìn về một hướng.

“Tôi rất nhớ một khái niệm mà Cụ Hồ hay dùng bên cạnh “quyết tâm thì cần nhấn mạnh đến yếu tố “tín tâm”. Đó là có lòng tin thì mới thành công. Khi nhìn thấy chiến tranh không tránh được, Cụ Hồ đã yêu cầu những người có trách nhiệm chuẩn bị chiến trường. Quyết tâm thôi chưa đủ mà làm sao phải để quyết tâm thành đồng tâm, và quan trọng là tín tâm. Có niềm tin mới thắng lợi, bởi nhiều khi niềm tin vượt qua cả sức mạnh thuần túy nhưng niềm tin đó phải dựa trên cơ sở khoa học, tính khả thi, sự tính toán. Tất cả đó chính là tầm nhìn của nhà lãnh đạo”-ông Quốc cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Hà Nội trong ngày toàn thắng