Người kể chuyện đời thời hậu chiến

Minh Quân 14/08/2023 07:00

Với mong muốn kể với công chúng những câu chuyện cảm động, chân thực về những con người đặc biệt, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa tổ chức triển lãm và ra mắt 2 cuốn sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại” và “Biệt đội giữ bình yên nơi đất lửa”, tại Hà Nội.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á và các cựu tù Côn Đảo. Ảnh NVCC.

Cảm xúc bồi hồi

Mặc dù chỉ diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 11 đến 13/8), tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội), nhưng triển lãm và buổi ra mắt sách đã mang đến cho công chúng những cảm xúc bồi hồi, xúc động về những con người vô cùng đặc biệt.

Cuốn sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại” gồm hơn 200 bức ảnh đã ghi lại hành trình các cựu tù Côn Đảo trở lại nơi buồng giam đã giam cầm họ, là hình ảnh các cựu tù hồi ức về những năm tháng bị đánh đập, tra tấn và hành hạ khắc nghiệt; khoảnh khắc tái ngộ của các cựu tù, tử tù Côn Đảo tại nơi mà họ đã bị giam cầm; giây phút xúc động khi họ viếng thăm đồng đội ngã xuống trên mảnh đất này; là khoảnh khắc xúc động của du khách khi được nghe các cựu tù - nhân chứng sống kể về năm tháng họ bị tù đày.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết ông thực hiện bộ sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại” với mong muốn bày tỏ sự kính trọng với những tử tù, cựu tù Côn Đảo nói riêng - những “tượng đài sống” mà ông có cơ hội tiếp cận bằng xương bằng thịt. Họ giờ đây vẫn còn kịp nhìn ngắm và tận hưởng không khí hòa bình của đất nước. Bên cạnh đó, ông muốn gửi đến thế hệ trẻ thông điệp “Hãy biết trân quý giá trị của hòa bình, thấu hiểu những hy sinh cao cả của nhiều cô, chú, bác ngày trước”.

Trong tập 1 của quyển sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại”, nhiếp ảnh gia đã tiếp cận 35 cựu tù, tử tù đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh; 3 cựu tù đang sinh sống ở Bà Rịa-Vũng Tàu và 1 cựu tù ở Đồng Nai.

Chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm và ra mắt sách, bà Phan Thị Bé Tư xúc động nhớ lại những ngón đòn tra tấn của kẻ thù những năm bà bị giam ở nhà tù Côn Đảo. Bà kể về nguồn gốc bức ảnh, cũng là trang bìa cuốn sách “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại” được nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ghi lại.

Với bà Bé Tư, đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng cựu tù kiên trung năm nào vẫn nhớ như in những đòn tra tấn dã man của địch. Bà kể, khi bà bị bắt, kẻ địch dùng mọi thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn nhất để tra tấn bà. “Hơn 50 năm qua, tôi không thể quên nỗi đau của những năm tháng bị tù đày, giờ đây, tôi nén lòng kể cho con cháu, thế hệ sau này nghe câu chuyện của mình, chỉ với mong muốn, con cháu ghi nhớ và biết trân trọng, bởi ngày tháng hòa bình, độc lập hôm nay được đánh đổi bằng xương máu, bằng tính mạng của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng đi trước” - bà Bé Tư chia sẻ.

Tại triển lãm, câu chuyện của các tử tù, cựu tù khác như bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước; Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Văn Em... đã mang đến cho công chúng nhiều cảm xúc đặc biệt cũng như sự cảm phục đối với tinh thần kiên cường chiến đấu của các cựu tù nơi “địa ngục trần gian”.

Chị Lê Thị Thu Hà - Đội trưởng Đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Á.

Những người hùng thầm lặng

Nếu như cuốn sách “Tử tù, cựu tù Côn Đảo - Ngày trở lại” mang đến cho người xem cảm xúc bồi hồi về ký ức một thời nơi “địa ngục trần gian” thì cuốn sách ảnh “Biệt đội giữ bình yên nơi đất lửa” lại là những câu chuyện về những người hùng thầm lặng thời bình. Gần 170 bức ảnh là những khoảnh khắc ấn tượng về đội rà phá bom mìn ở Quảng Trị. Lớn lên trên đất lửa Quảng Trị, những con người đặc biệt này hiểu rõ hơn ai hết rằng trên cánh đồng, trong rừng, sườn núi, triền sông quê mình vẫn còn hàng nghìn tấn bom mìn đang im lìm đe dọa.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết, ông phải mất 9 tháng với nhiều lần đến Quảng Trị để ghi lại hoạt động rà phá bom mìn của các thành viên. Ông đã đi theo những tình nguyện viên rà từng centimet vuông đất, căng thẳng theo dõi từng tín hiệu, cẩn trọng từng động tác tháo gỡ, nín thở bấm lệnh hủy nổ... “Tôi thực hiện cuốn sách và tổ chức triển lãm với mong muốn tôn vinh những con người quả cảm, thầm lặng trong thời bình, luôn cẩn trọng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt để rà phá, loại bỏ bom mìn, giữ bình yên cho vùng đất đầy bom đạn chiến tranh này” - ông cho biết.

Thông qua những bức ảnh, công chúng càng khâm phục trước những con người không quản nắng, mưa, miệt mài tìm kiếm, rà phá bom mìn trong từng tấc đất. Anh Hoàng Kim Chiến - Đội trưởng đội xử lý bom mìn số 1 cho biết, anh tham gia công việc này với mong muốn làm được việc có ích cho gia đình, quê hương, nhằm giảm bớt lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị. Đến nay, anh đã công tác tại dự án được 14 năm, cùng với anh em trong đội xử lý hàng nghìn quả bom, đạn các loại. Mong ước của anh là làm sạch bom mìn trên “đất lửa”, để quê hương Quảng Trị được bình yên.

Công chúng khi tham gia triển lãm đã không khỏi xúc động khi các thành viên đội rà phá bom mình nghẹn ngào kể lại câu chuyện về một thành viên trong đội - Đội trưởng đội xử lý bom mìn đã hy sinh khi một quả bom phát nổ. Sự hy sinh ấy khiến cho các thành viên trong đội càng thêm quyết tâm tìm kiếm và xử lý hết bom mìn, để không ai còn phải chịu sự mất mát, đau thương do hậu quả chiến tranh.

Dự án NPA/RENEW - Chương trình Khảo sát và rà phá bom mìn của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) hợp tác với Dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị. Tính đến cuối tháng 6/2023, NPA/RENEW đã hoàn thành công tác lập bản đồ các khu vực ô nhiễm bom đạn chùm tại 690 thôn của tỉnh Quảng Trị, với diện tích ô nhiễm lên đến gần 619km2, rà phá an toàn gần 25km2 và xử lý an toàn hơn 126.000 vật liệu nổ các loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người kể chuyện đời thời hậu chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO