“Em đi tìm chiếc lá/Viết bài thơ tháng ba/Gửi về miền biên ải/Tặng người lính xa nhà…” (Thu Hà). Tôi tình cờ đọc được những dòng xúc cảm ấy của một cây viết trên trang thơ lính biên phòng đúng vào những ngày đầu tháng 3 mà những người lính quân hàm xanh luôn nhớ về - Ngày truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Năm nay là năm thứ 57 của ngày truyền thống ấy; đồng thời là năm thứ 27 ngày Biên phòng toàn dân- một dịp đặc biệt để nhắc về những hy sinh thầm lặng của các anh- những người góp phần đem lại bình yên nơi miền biên cương, hải đảo.
Trải qua gian nan, khốc liệt của chiến tranh và ngày càng được xây dựng, củng cố trong thời bình, hôm nay, lực lượng bộ đội biên phòng đã lớn mạnh thêm về nhiều mặt nhưng dù ở đâu, khi nào thì hình ảnh những người lính biên phòng vẫn luôn gần gũi với nhân dân nơi miền biên ải. Những địa danh, những tên đất, tên rừng có thể xa lạ với nhiều người dân miền xuôi nhưng lại thật thân quen, gắn bó với các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng qua nhiều mùa Xuân “cắm đồn”, “cắm bản” ba cùng với đồng bào dân tộc.
Không chỉ là những người thầy giáo, bác sĩ, chiến sĩ mà họ còn là những người bạn thân thiết của dân. Nhiều phong trào của các chiến sĩ biên phòng đã phát huy hiệu quả, giúp cho nhân dân nhiều vùng biên giới thoát cái đói, cái nghèo. Từ phong trào hay nói khác đi là mô hình “Hũ gạo tình thương” vẫn được duy trì cho đến hôm nay.
Hình ảnh các chiến sĩ biên phòng đến với dân, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới vẫn được ghi nhận tại nhiều vùng biên cương từ vùng núi cực Bắc của Tổ quốc đến những vùng đất Tây Nam nắng gió quanh năm.
Bằng thực tế công việc được chính những người cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh thể hiện, họ đã ba bám, bốn cùng với đồng bào: Trực tiếp tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn giúp đỡ bà con gặp khó khăn ở các vùng dân tộc trong việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ bà con chuyên đổi cây trồng…
Bộ đội biên phòng đã có đóng góp to lớn trong các cuộc vận động như “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” - một chương trình thể hiện sự phối hợp thành công giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng trong nhiều năm qua; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”... góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào khu vực biên giới, củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội...
Trong một trả lời báo chí mới đây, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khi nói về hiệu quả của đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã nhấn mạnh sự tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ các cấp, của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng… Kết thúc đợt vận động, trên địa bàn các tuyến biên giới và hải đảo đã xây dựng được 6.901 căn nhà Đại đoàn kết, 274 công trình dân sinh, trị giá gần 248 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ không dấu nổi tự hào về quê hương ông với 130 km bờ biển hình thành một vùng ngư trường rộng trên 11.000 km2. Cũng vì thế mà kinh tế biển rất phát triển ở nơi đây với 5.480 chiếc tàu với tổng công suất 934.000 CV; 10 nghiệp đoàn nghề cá với 6.000 đoàn viên và 307 tổ đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.
Chỉ tính riêng năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 167.540 tấn các loại, giải quyết việc làm cho hơn 4 vạn lao động trực tiếp trên biển… Nhưng với địa thế của mình người dân Quảng Ngãi cũng luôn phải ‘đứng đầu ngọn sóng” so với nhiều địa phương khác trong đấu tranh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ ngư trường truyền thống để phát triển kinh tế, xóa nghèo cho dân. Những năm qua để ngư dân bám biển, làm ăn ổn định trên biển, rõ ràng, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực góp phần để bảo vệ ngư dân.
Để có được niềm tin yêu nơi dân, nói như Trung tướng Phạm Huy Tập, Chính ủy Bộ đội Biên phòng thì đó là nhờ chúng ta đã xây dựng thành công nền biên phòng toàn dân. Từ chỗ tin yêu, nhân dân khắp các vùng biên giới đã cùng bộ đội biên phòng bảo vệ an ninh biên giới,làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo nơi biên cương xa xôi.
Còn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh thì cho rằng, mô hình phối hợp giúp đỡ nhân dân các dân tộc trên các tuyến biên giới xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế giữa MTTQ ở các tỉnh có đường biên giới đất liền và biển đảo với các đơn vị bộ đội biên phòng đã giúp vận động nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo” đạt kết quả cao; rồi việc phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới; các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; công tác phân giới, cắm mốc trên các tuyến biên giới. MTTQ các xã, huyện biên giới cùng các đồn biên phòng cũng thường xuyên tuyên truyền để nhân dân các xã biên giới hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới, để bà con nâng cao cảnh giác, chủ động phát hiện, đấu tranh phòng, chống với các loại tội phạm… Sự phối hợp ấy chính là cách tốt để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nơi biên cương, hải đảo.