Trong những ngày vừa qua, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim làm trưởng đoàn đã tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân các dân tộc một số xã của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và làm việc với lãnh đạo hai tỉnh này để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trên địa bàn.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim
tiếp xúc với người dân xã Chu Hương, huyện Ba Bể (Bắc Cạn)
1. Tại xã Chu Hương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), không khí của buổi tiếp xúc giữa Đoàn công tác TƯMTTQ Việt Nam, lãnh đạo địa phương với 60 đại biểu đại diện 4 dân tộc anh em rất chân thành và cởi mở. Có lẽ cũng lâu rồi người dân xã Chu Hương mới lại có dịp được chia sẻ, kiến nghị những khó khăn, bức xúc trong cuộc sống và được những người làm công tác Mặt trận và lãnh đạo địa phương lắng nghe, chia sẻ cũng như giải đáp ngay một số kiến nghị, khúc mắc.
Theo Chủ tịch UBND xã Chu Hương Nguyễn Văn Đông, là xã vùng sâu, vùng xa nằm ở phía Nam huyện Ba Bể, tuy có thế mạnh về tài nguyên đất, tài nguyên rừng nhưng Chu Hương vẫn là một xã nghèo đang thụ hưởng chương trình 135, 30a của Chính phủ.
Chia sẻ về kinh nghiệm thoát nghèo, ông Hà Văn Núi - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng muốn thoát nghèo vươn lên làm giàu người dân Chu Hương cần phát huy hết thế mạnh của rừng, quan tâm việc phát triển hàng hóa từ cây lâm nghiệp. Theo ông Núi với nguồn tài nguyên đất lâm nghiệp hơn 2.600 ha người dân của xã cần quan tâm đến việc phát triển những cây lâm nghiệp có giá trị hàng hóa như keo, chè, phát triển trồng cây dược liệu.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim cho rằng, phải đầu tư có chiều sâu để mỗi diện tích đất rừng có thu hoạch cao nhất. Cần tác động vào rừng để việc thâm canh đi vào chiều sâu vừa bảo vệ rừng vừa phát triển kinh tế. Phải học hỏi các địa phương về kinh nghiệm trồng rừng, bảo vệ rừng để mỗi m2 đất đạt hiệu quả cao nhất.
Từ thực tế tại Chu Hương có đến 250 ha đất trồng chè nhưng giá trị sản phẩm vẫn còn thấp chỉ bán được 50 ngàn đồng/kg trong khi đó tại Yên Thế - Bắc Giang sản phẩm chè khi xây dựng được thương hiệu bán với giá cao gấp mấy lần, theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim, cần xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng có các HTX, tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các vùng chuyên canh, chuyên sâu, xây dựng thương hiệu để tạo bứt phá trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chỉ trong 3 giờ đồng hồ tiếp xúc với không khí cởi mở, chân thành nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc xã Chu Hương đã được gửi tới Đoàn cán bộ UBTƯMTTQ Việt Nam cũng như nhiều những chia sẻ, tư vấn của Đoàn Công tác, của lãnh đạo địa phương đã được bà con tiếp thu để áp dụng trong cuộc sống.
2. Ngày 29-7, Đoàn công tác Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục đến Cao Bằng và có cuộc tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân các dân tộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình để nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Rất nhiều những chia sẻ về đời sống thường nhật, những khó khăn trong lao động sản xuất, cũng như những đề xuất những ý kiến, kiến nghị về việc Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp... đã được gửi đến Đoàn Công tác và lãnh đạo địa phương.
Chủ tịch UBMTTQ xã Tam Kim Nông Văn Hòa cho biết toàn xã có 13 xóm hành chính với 632 hộ và 2.860 nhân khẩu với 5 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Ngái, Dao cùng sinh sống. Từ bao đời nay 5 dân tộc anh em luôn đoàn kết bên nhau xây dựng quê hương phát triển kinh tế. Đời sống của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã ổn định. Đại bộ phận nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền xã, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ, các đoàn thể.
Ông Tô Đức Viễn, Bí thư chi bộ xóm Bản Um chia sẻ, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đời sống của người dân đã được cải thiện nâng cao, nhưng hiện nay việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn vì giá giống, phân bón tăng cao. Từ thực tế trên ông Viễn đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ về giá cho người nông dân.
Ông Dương Trọng Nghĩa, Bí thư chi bộ xóm Nà Đủ khẳng định mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm về điện lưới cho nhân dân toàn xã. Nhưng hiện nay vẫn còn 32 hộ ở vùng cao của xã chưa có điện thắp sáng còn phải thắp đèn dầu. “Vì điều kiện của người dân vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn chưa đủ khả năng làm cột điện, dây điện, đề nghị có hỗ trợ kinh phí để các hộ trên có điện sinh hoạt”, ông Nghĩa nói.
Những khúc mắc, kiến nghị này đã được Bí thư xã Tam Kim Nông Văn Luyện giải đáp hợp tình, hợp lý. Cùng với đó đại diện lãnh đạo xã Tam Kim cũng đề nghị Đoàn cán bộ TƯ MTTQ Việt Nam có ý kiến nghị giúp địa phương có có phương án phát triển các vùng cây dược liệu qua đó phát triển kinh tế của địa phương.
Trao đổi về những kiến nghị của người dân Tam Kim, ông Đinh Văn Phồn – Chủ tịch UBND huyện cho rằng nếu chỉ trông vào cây lúa, cây ngô thì người nông dân cũng chỉ đủ ăn. Bà con nên có hướng chuyển sang việc phát triển lâm nghiệp trồng rừng, cây công nghiệp để có thể phát huy thế mạnh của xã. Về phía huyện sẽ làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ để có phương án hỗ trợ bà còn trồng rừng, ông Phồn cho biết.
3. Về phía Đoàn công tác UBTƯ MTTQ Việt Nam, khẳng định trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc qua nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể như chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cho rằng những chính sách trên đã đến với bà con, qua đó góp phần cải thiện nâng cao đời sống các dân tộc.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các tầng lớp nhân dân, dân tộc hai xã liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế…Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim cho biết Đoàn Chủ tịch sẽ kịp thời phản ánh với Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng NTM, với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Theo Phó chủ tịch – Tổng thư ký Vũ Trọng Kim lần đầu tiên tổ chức các vị trong Đoàn Chủ tịch đi tiếp xúc gặp gỡ lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các đoàn thể các cấp để qua đó mở ra các hướng trong việc tiếp cận thông tin từ các địa phương. Từ việc làm thí điểm này sẽ hình thành cơ chế lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để Mặt trận phải tiếp cận với các tầng lớp nhân dân nhiều hơn nữa. Qua việc lắng nghe để thấu hiểu nhiều hơn qua đó đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân…