Sau thời gian dài chạm đáy, hiện giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại. Nhiều hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu bắt đầu thả giống cho vụ nuôi mới với kỳ vọng thu được lợi nhuận ở vụ cuối năm.
Giá tăng nhưng không còn nhiều tôm để bán
So với thời điểm cách đây 2 tháng, hiện giá thu mua nhiều loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng tăng với mức 195.000 đồng/kg tôm thẻ nguyên liệu loại 20 con/kg; loại 40 con/kg được thu mua với giá 144.000 đồng/kg; loại 100 con/kg được mua với giá 95.000 đồng/kg… mức giá này đã tăng trung bình từ 6.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước.
Ông Đặng Công Trịnh (ấp 16, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) chia sẻ: Từ đầu vụ đến giờ thời tiết bất lợi, mưa nhiều, dịch bệnh hoành hành khiến người nuôi tôm thua lỗ. Trong khi giá các loại thức ăn, men vi sinh, trang thiết bị phục vụ sản xuất tôm liên tục tăng gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm. Giá tôm giảm mạnh nhiều hộ nuôi tôm “treo ao” chờ giá tăng mới thả nuôi vụ mới. Thương lái hỏi mua tôm với giá cao nhưng không có tôm để bán. “Nay giá tôm đã tăng trở lại hy vọng sẽ giữ mức giá cao vụ giáp Tết này để người nuôi tôm chúng tôi có được cái Tết ấm” – ông Trịnh nói.
Theo chia sẻ của nhiều hộ nuôi tôm, việc giá tôm phục hồi phần nào giải tỏa áp lực đối với các hộ nuôi tôm. Nhiều người dân đã cải tạo, thả nuôi vụ mới với kỳ vọng, đến cuối vụ giá tôm tiếp tục tăng có thể gỡ lại phần nào chi phí đầu tư cho những vụ trước.
Ông Trần Văn Mừng (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) cho biết: “Vụ nuôi vừa qua, giá tôm giảm sâu, chi phí đầu tư cao trong khi giá bán quá thấp, tôi lỗ gần 300 triệu đồng, phải nợ đại lý tiền thức ăn. Vụ này tôi thả 500.000 con giống, hy vọng giá tôm tăng để gỡ lại chi phí đầu tư vụ trước”.
Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu: Giá tôm tăng là tín hiệu đáng mừng, kỳ vọng thị trường cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng lớn. Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nông dân không còn tôm để bán. Nhiều hộ sợ thua lỗ nên “treo” ao hoặc thả nuôi cầm chừng, một số khác cắt bán tôm cỡ nhỏ để hạn chế thua lỗ.
Tín hiệu vui trong bức tranh xuất khẩu
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong 6 tháng năm 2024 tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn. Từ đầu tháng 10 đến nay, thị trường xuất khẩu bắt đầu có những tín hiệu tốt, nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ các thị trường lớn dần tăng trở lại. Dự báo những tháng cuối năm 2024, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các nước sẽ tăng để phục vụ dịp lễ Giáng sinh và năm mới.
Cũng dự báo nhu cầu tăng dịp cuối năm, nhiều công ty, doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường.
Ông Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Bình cho biết, để nắm bắt cơ hội về giá, người nuôi cần cân nhắc, chọn lúa mô hình, mật độ nuôi phù hợp để vừa đảm bảo tỷlệ nuôi thành công cao, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn, giúp gia tăng lợi nhuận của vụ nuôi. Theo dự báo, nửa cuối năm, các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi, tôm xuất khẩu đón nhiều tín hiệu vui.
“Người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi diễn biến để bổ sung các loại khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường dinh dưỡng và khả năng đề kháng giúp tôm chống chịu lại thời tiết bất thường, đặc biệt là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh - bán thâm canh, khuyến cáo bà con thả giống theo đúng lịch thời vụ để hạn chế dịch bệnh” - ông Xuyên khuyến cáo.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Xuân – Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bạc Liêu, thời gian qua, giá tôm nguyên liệu biến động lớn, các tháng đầu năm giá tôm giảm sâu, trong khi giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao gây khó khăn rất lớn cho người nuôi tôm. Một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa quan tâm nhiều đến xây dựng vùng nguyên liệu, chưa thật sự gắn kết giữa sản xuất với thị trường, xây dựng thương hiệu. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra chưa ổn định cho sản phẩm sản xuất.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để con tôm tiếp tục phát huy thế mạnh, thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, vận động các doanh nghiệp, các hộ có đủ điều kiện chuyển đổi từ nuôi tôm thâm canh truyền thống lên mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; thành lập các Tổ hợp tác và Hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao...