Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Tô Hoài (25/9/1920 - 25/9/2020) cũng có nghĩa là độc giả nước nhà được “mừng thọ” những trang văn của ông.
Thật diệu kỳ khi phần lớn ở tuổi xưa nay hiếm, không chỉ là U70, U80 mà còn có cả U90, những trang văn ấy của cố nhà văn vẫn luôn tươi mới, sung sức trong lòng bao thế hệ độc giả.
Sức hút của… “cụ” Dế Mèn
Hôm nay, ngày 25/9, NXB Kim Đồng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Tô Hoài. Tại lễ kỷ niệm, NXB Kim Đồng đặc biệt giới thiệu 12 ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” khác nhau như bản tranh truyện comic của họa sĩ Trương Qua; bản song ngữ Việt - Anh, bản dịch của Đặng Thế Bính, minh họa của Thành Chương; bản do nữ họa sĩ 9x Đậu Đũa minh họa; bản cuốn truyện tranh chuyển thể Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu của hoạ sĩ trẻ Linh Rab…
Trong đó, riêng bản song ngữ Việt - Anh, Đặng Thế Bính dịch cùng 3 phiên bản minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân và bản viết tay của nhà văn Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long được thiết kế, in ấn công phu, với số lượng in hạn chế 500 bản, đánh số từ TH 001 đến TH 500 dành cho độc giả muốn sưu tầm sách và chỉ phát hành trên website NXB Kim Đồng. Đặc biệt, đây còn là dịp độc giả được chiêm ngưỡng hai ấn bản Dế Mèn phiêu lưu ký đã từng xuất bản tại Thuỵ Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa.
Rõ ràng đến năm nay, truyện dài Dế Mèn phiêu lưu ký “thượng thọ” với tuổi 83 (như công bố chính thức của “cha đẻ” Dế Mèn - nhà văn Tô Hoài) vậy nhưng dường như chưa giảm độ “hot” vì đã được tái bản đến hơn 100 lần. Chẳng những thế, sức cuốn hút này không chỉ với độc giả trong nước mà với cả với độc giả quốc tế khi được hơn 40 nước mua bản quyền dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau như Nga, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản... Được biết, sinh thời, “cha đẻ” của tác phẩm thường nhận được thư thiếu nhi từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có cả lời cảm ơn cùng không ít thắc mắc về Dế Mèn.
Truyện Dế Mèn phiêu lưu ký được nhà văn Tô Hoài viết khi ông mới 17 tuổi - năm 1937 với cái tên đầu tiên là “Con Dế Mèn”. Năm 2012, khi đến dự lễ kỷ niệm mừng sinh nhật Dế Mèn 70 tuổi, nhà văn Tô Hoài đã đính chính lại “năm sinh” của truyện và kể ông đã viết tay hai tối là xong. Khi ấy, “Con Dế Mèn” dài 40 trang, sau đó được NXB Tân Dân xuất bản (1941). “Con Dế Mèn” trở thành “Dế Mèn phiêu lưu ký” là vì được cụ Vũ Ðình Long động viên cậu thanh niên Tô Hoài viết dài ra trong bốn đêm và NXB Tân Dân tiếp tục xuất bản thành hai tập vào năm 1942.
Đồ sộ gia tài văn chương
Cũng tại Lễ kỷ niệm, độc giả sẽ được chiêm ngưỡng phần nào gia tài văn chương đồ sộ của nhà văn Tô Hoài. Đó là, bộ Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi - được coi là tuyển tập đầy đủ nhất các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn và lần đầu tập hợp một số tác phẩm chỉ xuất hiện trên tờ “Truyền bá” từ những năm 1941-1942… Bộ tuyển tập gồm 4 tập: Truyện đồng thoại - Kịch, Truyện sinh hoạt, Truyện các gương anh hùng cách mạng và Chuyện ngày xưa - Một trăm cổ tích.
Ngoài ra, dịp này còn có cuốn Truyện đồng thoại Tô Hoài minh họa của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn và ấn bản tiếng Anh A Mouse Wedding lần đầu ra mắt độc giả. Hay như những cuốn Chuyện cũ Hà Nội (gồm hai phần), Tự truyện… cũng được tái bản hình thức mới.
Đấy là những cuốn sách trong cả gia tài văn chương đồ sộ của Tô Hoài. Bắt đầu khai bút từ “Dế Mèn phiêu lưu ký”, cậu bé Nguyễn Sen sinh ra trong một gia đình thợ thủ công ở làng Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ) và có những năm tháng tuổi thơ ở quê ngoại ở Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (cũ) đã bước vào nghề báo, nghề văn.
Với sức viết vạm vỡ của “chàng Dế Mèn”, Tô Hoài viết đều, viết khỏe. Khi 21 tuổi, ông đã có tập truyện ngắn Giăng thề. Sang 22 tuổi, ngoài tập truyện ngắn O chuột ông đã xuất bản tiểu thuyết Quê người. Cứ thế, cứ thế cái tên Tô Hoài xuất hiện đều đặn trên văn đàn từ suốt những năm 40 của thế kỷ 20 đến tận những năm đầu của thế kỷ 21 với những tác phẩm tiêu biểu như: Nhà nghèo (tập truyện ngắn, 1944), Núi cứu quốc (truyện ngắn, 1948), Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953), Mười năm (tiểu thuyết, 1957),Vỡ tỉnh (tập truyện ngắn, 1962), Miền Tây (tiểu thuyết, 1967), Nhật kí vùng cao (nhật kí, 1969), Người ven thành (tập truyện ngắn, 1972), Tự truyện (1978), Quê nhà (tiểu thuyết, 1981), Nhớ Mai Châu (tiểu thuyết, 1988), Cát bụi chân ai (hồi kí, 1992), Chiều chiều (tiểu thuyết, 1999), Truyện Nỏ thần (truyện thiếu nhi, 2003), Ba người khác (tiểu thuyết, 2006), Mẹ mìn bố mìn (truyện thiếu nhi, 2007), Chuyện cũ Hà Nội (ký sự, 2010), Đảo hoang (tiểu thuyết, 2011), Nhà Chử (truyện thiếu nhi, 2012)…
Bằng những cống hiến không ngừng nghỉ trong suốt gần 80 năm cho văn chương nước nhà, nhà văn Tô Hoài đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996. Ngoài ra, ông còn được Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956 với Truyện Tây bắc, Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 với tiểu thuyết Quê nhà, Giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970 với tiểu thuyết Miền Tây và Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2010.