Nhà bác Phương Lựu ở một ngách đầu đường Nguyễn Khánh Toàn, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mở cửa, hiện ra một ông già dáng tầm thước chắc khỏe, khuôn mặt vuông vức, tóc muối tiêu. Tôi đã gọi điện báo trước, bác vui vẻ bắt tay, xuề xòa gần gũi như quen biết từ lâu…
Đập vào mắt tôi phía bên trái buồng khách trần thấp nhưng rộng rãi có treo tấm bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Chủ lại biết ý khách, liền “thuyết minh”: Năm 2006, mừng thầy thất thập cổ lai hy, học trò mang đến tặng đấy.
Năm 1954 tròn 18 tuổi, Bùi Văn Ba (tên thật của bác Phương Lựu) được Đảng bộ Liên khu V chọn trong số những học sinh gửi ra Việt Bắc để sang Trung Quốc học. Anh giỏi toán, ghét môn văn, hồi còn học ở trường Trung học Lê Khiết, Quảng Ngãi, thầy Lê Trí Viễn cứ thấy bài luận làm sơ sài của Bùi Văn Ba, cho xơi trứng ngỗng ngay.
Có lẽ thầy “ghét” còn là do chữ anh xấu viết lí nhí nữa. Hồi học sắp tốt nghiệp ở Bắc Kinh anh nhận được thư của nhà văn Hoài Thanh, chê khéo: Có lẽ anh học bên ấy hơi lâu, quen viết quốc ngữ theo kiểu Hán tự nên tôi lần mãi không ra; một thầy Trung Quốc thì bảo, anh viết chữ Hán giống như chữ Việt hay sao ấy nhỉ. Ngày đầu sang nước bạn, tổ chức lại phân học văn. Buồn quá, lòng anh không khỏi miễn cưỡng, về sau mới thích dần, ngấu nghiến hết từ: "Tây Sương ký" đến "Tam Quốc diễn nghĩa", "Những người khốn khổ"...
Đặc biệt là cuốn tiểu thuyết nhân tình thế thái "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần. Hóa ra văn cũng hay chả kém toán! Và năm 1960 Bùi Văn Ba tốt nghiệp xuất sắc ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, về nước anh được phân công giảng dạy văn học Trung Quốc ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhiều năm sau này làm chủ nhiệm bộ môn lí luận văn học.
Thân mẫu của Bùi Văn Ba thời trẻ xinh đẹp đảm đang, chồng mất sớm, bao người đến cầu hôn bà vẫn ở vậy nuôi dạy hai người con trai. Bà còn tham gia hoạt động cách mạng. Một ngày đầu tháng 8/1965, như thường lệ buổi sáng Bùi Văn Ba chạy quanh bờ hồ một vòng, về nhà bỗng nôn thốc tháo, phải xoa dầu đánh gió, đắp chăn nằm mất cả buổi.
Mấy tháng sau, hôm đó vừa thức giấc đã thấy một phong thư nhét qua cửa không có dấu bưu điện, chắc là theo một đường dây bí mật từ miền Nam gửi ra, báo tin má anh đã hy sinh vào sáng ngày 1/8/1965, đúng vào cái hôm anh bị cảm lạnh bất thường ấy. Thương má, căm thù giặc dạo ấy anh đã xung phong vào miền Nam chiến đấu nhưng không được chấp thuận vì gia đình đã có anh trai liệt sĩ chống Pháp. Không được đi B thì đánh giặc “gián tiếp”.
Anh là trung đội trưởng tự vệ của trường Sư phạm, ngày 12/7/1972 khẩu 12,7 ly trực chiến của trung đội anh đã góp phần vào chiến công chung, bắn rơi máy bay Mỹ khi xâm phạm bầu trời thủ đô. Từ sau ngày má mất (bà được truy phong Mẹ Việt Nam anh hùng), Bùi Văn Ba trong các bài hay sách nghiên cứu lấy bút danh Phương Lựu: Lựu, tên má ruột; Phương là tên má vợ, ghép chung lại theo nghĩa Hán tự là một bông hoa lựu đỏ và thơm.
Tự học là đặc điểm nổi trội trong cuộc đời của GS Phương Lựu. Giỏi tiếng Trung, bác tự học sử dụng thạo thêm tiếng Pháp và Nga, biết nhiều ngoại ngữ đã giúp ích được rất tốt trong nghiên cứu và giảng dạy. Năm 1987, bác đã hoàn thành luận án tiến sĩ, tiếp đến 1991, cũng bằng con đường tự học, bác có học vị tiến sĩ khoa học. Như đánh giá của Hội đồng chấm luận án Nhà nước, đề tài “Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam”: “Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu văn học đã xác lập được hệ thống quan niệm văn học trung đại nước nhà, với nội dung phong phú, kết cấu chặt chẽ, chứa đựng nhiều kết luận mới mẻ...”.
Bác cũng nổi tiếng là người thầy “mát tay”, đã hướng dẫn thành công: 15 tiến sĩ; 50 thạc sĩ. Còn có những học trò của bác sau này trở thành nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm... Bác là trường hợp rất hiếm ở nước ta khi được nhận cả hai giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (năm 2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (năm 2012) cho cụm công trình lý luận phê bình, phương pháp nghiên cứu văn học.
Năm 2016, nhân kỷ niệm GS Phương Lựu tròn 80 tuổi, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội đã làm một cuốn kỷ yếu, trong đó có nhiều bài viết của các đồng nghiệp và học trò. PGS. TS La Khắc Hòa viết: “Ở Việt Nam số học giả viết khỏe, viết nhiều như Phương Lựu có thể tính đếm trên đầu ngón tay... Ông từng làm chủ biên và tham gia biên soạn trên dưới 30 cuốn sách, trong đó có nhiều bộ giáo trình thuộc đủ loại.
Năm 2005, "Phương Lựu Tuyển tập" ra mắt bạn đọc, 3 quyển tổng cộng 1747 trang in khổ lớn. Đó là kết quả lao động liên tục, bền bỉ không biết mệt mỏi trải dài hơn 40 năm của một nhà giáo mà hình như lúc nào cũng ham mê đọc sách và xem viết lách là sinh thú lớn nhất ở đời”.
Một đồng nghiệp, từng về Khoa Văn với GS Phương Lựu ngay từ buổi đầu là GS Nguyễn Hải Hà thì có tổng kết khá cô đọng về con người bạn: “Có thể nói GS.TSKH. Nhà giáo nhân dân Bùi Văn Ba hội tụ đủ 5 yếu tố tạo nên sự thành đạt của mỗi con người: Tài, Đức, Sức, Khéo, May. Sức là sức khỏe; Khéo là khéo giao tiếp, ứng xử; May là may mắn, cơ hội, gặp dịp...”
Dẫu tôi chỉ được làm quen, tiếp xúc với bác Phương Lựu khi bác đã nghỉ hưu và được đọc đôi ba công trình lí luận văn học của bác, song cũng phần nào cảm nhận được các phẩm chất mà người bạn lâu năm của bác.
Trước hết về “Tài”. Ai cũng biết, trong nghiên cứu khoa học có hai phần định tính và định lượng đề tài và bao giờ việc định lượng cũng đóng vai trò quyết định. Trong khoa học xã hội, vấn đề nghiên cứu thường “mờ”, rất khó nắm bắt. Bác vốn có khiếu về toán học (hồi ở Trường trung học Lê Khiết, thầy Hoàng Tụy dạy toán khen Bùi Văn Ba là Tiểu Pitago-Petit Pythagore), rồi lớn lên tình cờ chuyển sang lĩnh vực mà bác cho là mình không có sở trường, thực ra trong suốt cuộc đời lao động chuyên cần, nghiêm túc, do tự thân có tư duy logic của toán học, hay có thể gọi đó là trí thông minh trời cho, đã được bác vận dụng thành công vào việc nghiên cứu văn học.
Nhận xét của GS Bùi Văn Nguyên, người phản biện luận án TSKH của bác: “...tác giả đã dựng lên được một hệ thống lớp lang về quan niệm văn chương cổ Việt Nam làm cho người đọc không khỏi ngạc nhiên, hóa ra ông cha ta cũng có cách lý luận riêng của mình, mà cũng gần như đầy đủ cả”.
Đôi khi nghĩ về tài năng của GS Phương Lựu tôi nảy ra một câu hỏi “lẩn thẩn”: Nếu ngay từ đầu chàng sinh viên quê Quảng Ngãi Bùi Văn Ba được học theo sở trường là toán học, liệu sự nghiệp sau này có thành đạt được như với văn học?
Rồi tôi tự trả lời: Tuổi trẻ cộng với tư chất thông minh, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ thì chắc “Petit Pithagore” cũng sẽ thành công nếu ngay từ đầu đi vào toán học, còn thành công đến mức độ nào thì không ai thể đoan chắc được đầy đủ. Trường hợp Bùi Văn Ba/Phương Lựu chỉ càng minh chứng cho một thực tế đã xảy đến với một số người, cái gốc thiên bẩm toán học sẽ giúp ích được rất nhiều ở mọi ngành nghề khác.
Về “Đức”. Dẫu tôi tiếp xúc với bác chưa lâu, nhưng thấy gần gũi thân quen lắm. Bác luôn được đánh giá là một người bạn, người thầy, người anh tốt bụng, thông tuệ, riêng đức tính ấy đã đủ sức hút với người mới quen như tôi rồi. Có một nghĩa cử của bác, chính là cái đức trong con người bác, đó là tấm lòng thiện nguyện.
GS Phong Lê, một người bạn lâu năm của nhà văn, GS Phương Lựu tâm sự: “...một cái hơn khác rất đáng nể trọng - đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ anh nhận năm 2012, với một khoản tiền lớn anh biếu tặng Quỹ Chất độc da cam”.
Còn cái “khéo” thì sao? Tôi nghĩ, người khéo đến đâu cũng trước hết phải thực lòng. Bao kẻ giả vờ khéo, chỉ một thời gian ngắn là tòi cái “giả” ngay. Khéo của GS Phương Lựu đi cùng với sự chân tình, vui vẻ của bác. Đến hôm nay “đầu chín” đang hiện hữu với bác. Được quá đi chứ với một trái tim yêu thương, một trái tim khỏe mạnh. Tôi chúc bác còn hơn thế nữa, sống vui sống khỏe tới tận bách tuế.
GS Phương Lựu nổi tiếng là người thầy “mát tay”, đã hướng dẫn thành công 15 tiến sĩ; 50 thạc sĩ. Còn có những học trò của bác sau này trở thành nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm... GS Phương Lựu là trường hợp rất hiếm ở nước ta khi được nhận cả hai giải thưởng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (năm 2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (năm 2012) cho cụm công trình lý luận phê bình, phương pháp nghiên cứu văn học.