Kinh tế

Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền, nông nghiệp hữu cơ có đà bứt phá?

Thanh Bình 26/05/2025 14:34

Sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ thực phẩm thường sang thực phẩm hữu cơ không chỉ phản ánh mối quan tâm tới sức khỏe, mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp hữu cơ.

Thời gian gần đây, trong khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện số lượng lớn thực phẩm kém chất lượng thì tại các siêu thị, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm an toàn, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ gia tăng mạnh mẽ.

a 1
Thực phẩm hữu cơ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Ảnh: TB

Chỉ vài năm trước, thực phẩm hữu cơ còn là mặt hàng ít phổ biến, chủ yếu phục vụ phân khúc khách hàng thu nhập cao hoặc thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hệ thống siêu thị tại Hà Nội đã dành vị trí nổi bật ngay lối vào để trưng bày các mặt hàng như rau hữu cơ, thịt lợn hữu cơ, hoa quả hữu cơ hay tôm sinh thái… Mức giá của những sản phẩm này cao gấp 1,5 – 3 lần so với hàng thông thường, nhưng vẫn tiêu thụ mạnh.

Bà Lê Hạnh, Giám đốc thương mại chuỗi siêu thị thực phẩm sạch tại đường Trần Duy Hưng, Hà Nội cho biết: “Lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tăng tới 30% liên tục trong 1 tháng qua. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chất lượng, đây cũng chính là động lực để nhà bán lẻ mở rộng nhóm hàng hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ trong hệ thống của chúng tôi tháng 4 và nửa đầu tháng 5 gần như luôn cháy hàng”.

“Sự thay đổi hành vi tiêu dùng này không phải là hiện tượng nhất thời. Theo khảo sát của AC Nielsen, 24% người tiêu dùng Việt sử dụng thực phẩm hữu cơ hàng ngày, 16% sử dụng 4–5 lần mỗi tuần và 21% dùng từ 2–3 lần/tuần. Đáng chú ý, dù gần 90% người được khảo sát cho rằng sản phẩm hữu cơ đắt đỏ nhưng tôi thấy hiện nay nhiều người vẫn chấp nhận chi thêm tiền để đổi lấy sự an tâm về sức khỏe”, bà Hạnh cho biết thêm.

Chị Phương Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã chuyển hoàn toàn sang sử dụng thực phẩm hữu cơ thay thực phẩm thông thường. Chị cho biết: “Giá dù cao hơn rất nhiều nhưng tôi chọn ăn ít hơn và ưu tiên mua sản phẩm hữu cơ cho cả gia đình. Tôi coi đây là khoản đầu tư xứng đáng vì sức khỏe lâu dài của cả nhà”.

Nếu trước đây nông sản hữu cơ chủ yếu dành cho xuất khẩu thì hiện nay, không ít doanh nghiệp đang quay về phát triển thị trường nội địa như một hướng đi chủ lực.

Ông Vũ Anh Minh, Giám đốc một công ty thực phẩm hữu cơ tại Hà Nội cho biết: “Trước đây, 100% sản phẩm gà hữu cơ, gia vị hữu cơ của công ty được xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các mặt hàng này chúng tôi đã đưa được vào nhiều căn bếp Việt Nam. Trước xu hướng tiêu dùng mới, chúng tôi quyết định mở rộng hệ thống phân phối nội địa để cuối năm 2025 đạt mức tăng trưởng 2 con số”.

Bà Ngô Ánh, đại diện nông trại hữu cơ tại Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi từng e dè mở rộng vì giá thành cao, sản phẩm kén khách. Nhưng hiện tại, trước làn sóng người tiêu dùng chuyển hướng sang tiêu dùng bền vững, công ty đã quyết định đầu tư thêm để truyền thông và mở rộng diện tích canh tác. Ngoài Ba Vì, Sóc Sơn, chúng tôi sẽ mở rộng sang Hà Nam, Vĩnh Phúc”.

Theo bà Ánh, phương pháp sản xuất hữu cơ với việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt để phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch thủ công khiến chi phí cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố tạo nên giá trị cốt lõi, giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.

Không còn là phân khúc nhỏ lẻ, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đang dần định hình là một lĩnh vực đầu tư dài hạn với nhiều dư địa tăng trưởng. “Việt Nam hiện có gần 200.000 ha đất canh tác hữu cơ, đứng thứ ba trong ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hữu cơ đạt khoảng 400 triệu USD mỗi năm, tới hơn 180 thị trường. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam có khoảng 25 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Đây sẽ là nhóm tiêu dùng chủ lực cho thực phẩm hữu cơ trong tương lai gần. Từ các dữ liệu trên tôi cho rằng đây chính là thời điểm vàng để chúng tôi mở rộng tệp khách hàng nội địa”, ông Phạm Viết Anh, Giám đốc đơn vị chuyên phân phối thực phẩm hữu cơ tại miền Bắc phân tích.

Tại Lễ hội thực phẩm hữu cơ hồi giữa tháng 5, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước tăng trung bình 15% mỗi năm, một con số đủ sức hấp dẫn để doanh nghiệp điều chỉnh hướng đầu tư.

Còn ông Vũ Tuấn Đạt, điều phối viên dự án NGO phát triển nông nghiệp sạch Tây Bắc, một chuyên gia lâu năm trong ngành cho rằng: “Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng hướng đến tiêu dùng xanh, sạch và bền vững, thực phẩm hữu cơ không chỉ là lựa chọn cá nhân mà còn là xu hướng phát triển quốc gia. Đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ không đơn thuần là một chiến lược kinh doanh, mà còn là nền tảng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, có trách nhiệm và hài hòa với môi trường. Dù cơ hội thị trường đang mở rộng, doanh nghiệp vẫn cần thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực hữu cơ. Việc canh tác hữu cơ đòi hỏi vốn lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, trong khi tiếp cận đất đai, tín dụng ưu đãi và quy trình chứng nhận còn phức tạp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền, nông nghiệp hữu cơ có đà bứt phá?