Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Trong khi đó với mỗi lít xăng, người tiêu dùng phải trả gần 12.000 đồng là tiền thuế, phí, tức trên 35% giá bán lẻ hiện nay.
Đề nghị bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng
Sau 16 đợt điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng giá, hiện mỗi lít xăng RON 95-III đã đắt thêm 9.000 đồng, còn E5 RON 92 là 8.150 đồng so với hồi đầu năm nay. Đáng kể nhất, dầu diesel - loại nhiên liệu dùng nhiều trong vận tải, đã tăng thêm gần 11.800 đồng so với thời điểm 11/1.
Theo Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 Thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 7-10%, thuế bảo vệ môi trường. Như vậy mỗi lít xăng hiện nay "cõng" khoảng 9.500-10.000 đồng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường, tương ứng tỷ trọng hơn 30%. Nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng loại này khoảng 35%.
Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Cơ quan này đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế đối với mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Trong các sắc thuế có thể giảm ngay, VCCI cho rằng nên ưu tiên giảm thuế bảo vệ môi trường bởi chỉ cần quyết định dựa trên thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có thể thực hiện trong tháng 7/2022. Còn với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm nay, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu nêu trên. "Tuy nhiên, về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới" - VCCI nêu quan điểm.
Về xác định thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, VCCI chỉ rõ vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7/2022. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
Bộ Tài chính đang xem xét
Trước đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu madút, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung thuế suất.
Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ không thực hiện điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia..., ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm xăng gốc hóa thạch hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập ôtô, máy bay, du thuyền, chơi golf...
Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Tài chính cũng dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu thống kê, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2022 là khoảng 6.503 tỷ đồng.