Sự khởi sắc của văn học thiếu nhi những năm gần đây là một tín hiệu đáng mừng. Song chừng đó là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các độc giả nhỏ tuổi. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Lữ Mai xung quanh câu chuyện này.
PV: Thưa bà, mặc dù gần đây có không ít các cuộc thi, giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi nhưng sách văn học dành cho thiếu nhi vẫn thưa vắng tác giả mới, chưa có nhiều tác phẩm hay chạm tới tâm hồn các bạn nhỏ. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Nhà thơ Lữ Mai: Đúng vậy, nếu so về tiềm năng của mảng đề tài này cũng như đòi hỏi từ độc giả thì số lượng, chất lượng sách thiếu nhi vẫn chưa tương xứng. Việc ta đang đề cập là “chạm tới tâm hồn” vốn khó định lượng một cách cơ học, mà ta chỉ đo bằng cảm xúc, sự thích thú hoặc sức tiêu thụ của độc giả. Tôi nhớ tới tuổi thơ mình, có những cuốn sách “chạm tới tâm hồn” mà tôi cứ đọc đi đọc lại, đến giờ vẫn đọc, nhưng giờ kiếm được những cuốn sách như thế là rất khó.
Nhiều nhà văn nghĩ rằng viết cho thiếu nhi có gì đó “hơi dễ” hay có cảm giác không tương xứng. Vì thế họ chưa thực sự coi trọng văn học viết cho thiếu nhi. Là người có nhiều tác phẩm sáng tác cho lứa tuổi thiếu nhi, bà nhận định như thế nào?
- Có hai đối tượng viết cho thiếu nhi, một là người lớn và hai là chính thiếu nhi. Đối tượng thứ hai có lẽ không phải bàn cãi, bởi sự trong sáng, thơ ngây trong cảm xúc, tư duy được bảo toàn và chúng ta sẽ luôn cảm nhận được những góc riêng thú vị trong tác phẩm. Còn người lớn, tôi cảm thấy đôi khi nếu cách suy nghĩ bị phức tạp quá, mưu cầu quá thì khó chạm vào tâm hồn thiếu nhi.
Trước hết, để viết cho thiếu nhi, người lớn cần là những người bạn thực sự của thế giới tuổi thơ, cần chinh phục văn học thiếu nhi bằng đam mê trong sáng như một nhu cầu tự thân. Như tôi biết, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bền bỉ với đề tài thiếu nhi bởi ông luôn làm bạn cùng trẻ nhỏ, hàng ngày đều trò chuyện, tương tác, vui chơi. Nhà văn Trần Đức Tiến nhiều năm qua luôn lặng lẽ chia sẻ, ủng hộ và giao lưu với thiếu nhi rất nhiều. Cả hai cây bút trên đều được tôn vinh ở giải Hiệp sĩ Dế Mèn của Giải thưởng Văn học thiếu nhi Dế Mèn và ai cũng thấy xứng đáng.
Hay như tiến sĩ Giáo dục học - nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, bên cạnh các tác phẩm cho thiếu nhi, chị miệt mài phát triển Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, các dự án dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài... Những câu chuyện trên khiến tôi hình dung, người viết cho thiếu nhi cần phải như hiệp sĩ. Tức là dấn thân thật trong sáng, hào hiệp và hăng say.
Vậy để sách thực sự thu hút được các em thì theo bà, đội ngũ sáng tác cần thay đổi ra sao thưa bà?
- Trước hết, người viết cho thiếu nhi thì phải yêu, phải hiểu thiếu nhi. Nhưng điều tưởng đơn giản này lại không hề dễ dàng. Nhiều người viết, dù được phú cho tài năng, kỹ năng song đôi khi vẫn vô cảm, thờ ơ, cạn kiệt cả cảm xúc và vốn sống. Bên cạnh đó, có thể họ cũng không đủ tâm huyết để làm bạn với thiếu nhi.
Vì vậy, việc thay đổi đầu tiên thuộc về tâm lý, cảm xúc và sự rộng mở trong tâm hồn người viết. Tiếp theo, là việc rèn giũa, bồi đắp. Nhận ra thiếu sót của mình là rất cần thiết để người lớn “trưởng thành” hơn khi làm bạn với thiếu nhi.
Một cách tổng quát, để khỏa lấp khoảng trống cả về chất và lượng đối với văn học thiếu nhi, cần phải làm gì, thưa ba?
- Đây là một vấn đề lớn, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Đầu tiên, tôi nghĩ đến những nền tảng cơ bản cho văn học thiếu nhi phát triển, trong đó có cả gia đình, nhà trường, xã hội chứ không chỉ có ở các nhà văn, các hội văn học nghệ thuật. Chỉ khi nào các nền tảng này được chăm chút, bồi đắp thì chúng ta mới có nền văn học phát triển. Nỗ lực của các văn nghệ sĩ thôi chưa đủ, mà từ những câu chuyện gần gũi nhất đó là ở môi trường gia đình cũng cần thay đổi. Chúng ta không thể mong trẻ em mê đọc sách mà bố mẹ không ngó ngàng tới sách hoặc không khuyến khích con em.
Cũng thật khó để trẻ em yêu văn học thiếu nhi nếu không được tiếp nhận bài giảng hay, sự lồng ghép, liên hệ thú vị khi học tập. Còn với xã hội, có rất nhiều dự án cộng đồng, nhưng rõ ràng văn học thiếu nhi đang là mảng thiếu hụt so với nhu cầu, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa. Đôi khi, chúng ta mới quan tâm tới cơm no, áo ấm... điều đó là tốt nhưng chưa đủ, bởi ước mơ, khát vọng thường được chắp cánh từ những trang sách.
Trân trọng cảm ơn bà!