Công nghệ

Người Việt Nam bị lừa đảo nhiều nhất qua cuộc gọi và tin nhắn

Hoàng Chiến 17/11/2023 13:26

Mới đây, Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) vừa công bố một bản báo cáo về tình trạng lừa đảo tại các quốc gia và khu vực thuộc châu Á, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý, số liệu khảo sát cho thấy, người dùng Việt bị lừa đảo nhiều nhất qua cuộc gọi và tin nhắn SMS.

Tăng đáng kể số vụ lừa đảo

Báo cáo là kết quả hợp tác giữa Liên minh Chống Lừa đảo Toàn cầu (GASA), Gogolook và đối tác tại Việt Nam là dự án Chongluadao.vn, nhấn mạnh đến tình hình lừa đảo ở các quốc gia châu Á, bao gồm cả Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2023-11-17-luc-10.46.27.png
Người Việt Nam bị lừa đảo nhiều nhất qua cuộc gọi và tin nhắn. Ảnh: GASA

Thống kê về tình hình lừa đảo tại Việt Nam, GASA đã chỉ ra rằng, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm về số vụ lừa đảo kể từ năm 2020 được ghi nhận là đáng kể, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép là 29,8% từ năm 2020 ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, 63,9% người trả lời khảo sát tin rằng họ có khả năng nhận biết lừa đảo.

Đáng chú ý, các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn SMS vẫn là kênh phổ biến nhất cho gian lận. Cụ thể, 80,2% người được hỏi cho biết từng bị kẻ lừa đảo tiếp cận qua cuộc gọi điện thoại, 57,5% qua tin nhắn SMS và 49,9% qua ứng dụng nhắn tin OTT.

Bên cạnh đó, các nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin tức thì cũng đang trở thành kênh quan trọng. Facebook, WhatsApp, Messenger và Telegram được đặc biệt chỉ ra là các nền tảng liên quan đến mối đe dọa lừa đảo.

"Tỷ lệ rủi ro về lừa đảo mà người dùng phải đối mặt khi sử dụng Facebook là 71,5%. Tỷ lệ này là 29,5% với Gmail, 28% với Telegram, 12,9% với Google và 12,8% với TikTok", báo cáo của GASA cho hay.

anh-chup-man-hinh-2023-11-17-luc-10.45.56.png
63,9% người trả lời khảo sát tin rằng họ có khả năng nhận biết lừa đảo. Ảnh: GASA

Tăng cường ngăn chặn lừa đảo

Đáng nói, trong 11 quốc gia được khảo sát, ở Việt Nam chỉ có 26% người bị lừa đảo báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng, xếp thứ 10 bảng xếp hạng. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do người dùng có tâm lý cho rằng quy trình báo cáo quá phức tạp, việc báo cáo hay không cũng không tạo ra sự khác biệt gì.

Báo cáo của GASA cũng chỉ ra rằng, nhận thức của công chúng Việt Nam về lừa đảo và khả năng nhận biết của họ đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa lừa đảo. Sự tự tin thái quá trong việc nhận biết lừa đảo có thể dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương hơn. Do đó, GASA nhấn mạnh sự cần thiết phải luôn nghi ngờ và xác minh thông tin của người dùng.

Kết quả nghiên cứu cũng nhấn mạnh sự cần thiết cho cả Chính phủ và doanh nghiệp tại Việt Nam phải đầu tư vào các biện pháp phòng chống gian lận, đặc biệt tập trung vào giáo dục kỹ thuật số và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

Sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các nhóm dân sự là quan trọng trong việc thiết lập các khung pháp lý và công nghệ mạnh mẽ để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Báo cáo cũng cho biết sự cần thiết nhu cầu tăng cường nhận thức của công chúng, phát triển chính sách và áp dụng các giải pháp chống lừa đảo tiên tiến ở Việt Nam và các thị trường châu Á khác để đối phó với bối cảnh đe dọa đang phát triển.

anhr-2.jpg
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chongluadao.vn

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông), người sáng lập dự án Chongluadao.vn cho hay, con số 63,9% người Việt Nam được hỏi cảm thấy tự tin trước những chiêu trò của kẻ lừa đảo là minh chứng cho hiệu quả của việc giáo dục nhận thức cộng đồng về các trò lừa đảo và cũng thể hiện mức độ phổ biến của các chiêu trò này.

Tuy nhiên, chính tâm lý quá tự tin này của người dùng lại có thể dẫn đến sự chủ quan, khiến họ dễ dàng rơi vào các bẫy lừa đảo. Do đó, chuyên gia nhấn mạnh người dùng cần duy trì thói quen hoài nghi và xác minh mọi thông tin chính mới là chìa khóa để tránh khỏi lừa đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Việt Nam bị lừa đảo nhiều nhất qua cuộc gọi và tin nhắn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO