Thật mới mẻ. Vừa tinh tế gợi cảm vừa đậm đặc chất hồn nhiên của người Mường. Thơ Bùi Tuyết Mai rất lạ. Không hiểu sao tôi thấy thơ chị rất bản Mường mà cũng rất kinh kỳ đô hội.
Dám đam mê và rất tự tin
Tôi gặp gỡ, giao lưu với nhà thơ Bùi Tuyết Mai khá sớm. Khi đó, Bùi Tuyết Mai đã rất nổi tiếng. Nhà thơ Lò Cao Nhum khi ấy vừa đoạt giải cao cuộc thi thơ Văn nghệ quân đội với thi phẩm "Rượu núi": Bát rượu trăng rằm/ Mong hồn vía bạn đừng thất lạc/ Cầu cụ ông, cụ bà, cây si, cây đa/ Gái bản nụ hoa, trai Mường cây nghiến/ Ngửa bàn tay cũng da/ Úp bàn tay cũng thịt/ Rượu nhà tôi/ Rượu buộc chỉ cổ tay/ Thắp lửa tình chiêng, tình trống/ Đã uống vắt kiệt chum mà uống/ Đã say đổ tràn tình mà say.
Nhưng so với Lò Cao Nhum, Bùi Tuyết Mai trong giới anh em văn nghệ sĩ còn nổi tiếng hơn, thơ rất đặc sắc: Ta hát gọi em cỏ non đất Mường nồng nàn đêm ngủ/ Ta là kẻ chăn bò khao khát em/ Những chú bê non cạp lưỡi hồng hồng mềm mềm hôn đám cỏ/ Rặng núi xanh xanh/ Dặt dìu điệu khèn uốn mình quanh suối nhỏ (Bài hát người chăn bò). Thật mới mẻ. Vừa tinh tế gợi cảm vừa đậm đặc chất hồn nhiên của người Mường.
Thơ Bùi Tuyết Mai rất lạ. Không hiểu sao tôi thấy thơ chị rất bản Mường mà cũng rất kinh kỳ đô hội. Bản Mường như: Tập làm việc Mường cho quen tiếng bén hơi/ Cho gà vịt theo em như theo ngô lúa/ Cho mùa tiếp mùa yêu nhau như khăn áo quấn lấy người (Về Mường). Còn đây, không chỉ kinh kỳ mà còn đằm sâu khác biệt: Con đến phố phường bằng vị chanh non/ Mang giấc mơ hương cốm khơi xa/ Nếm giọt mía vào thu, rượu môi sang rét/ và mỉm cười với những vệt chân chim (Tạm biệt Mường).
Cái chất kinh kỳ của Bùi Tuyết Mai tinh nghịch chanh cốm mắt môi mà cũng phong dao uyển chuyển. Cánh buồm nào chẳng mong mỏi khơi xa? Kinh kỳ là đô hội cũng là nơi biển thẳm. Tài năng góp mặt nở hoa cũng đấy mà biệt tích tăm hơi cũng thăm thẳm khôn cùng. Trong một bài thơ, tôi đã viết: Lấm bụi giang hồ kinh giấc mộng/ Ngựa xe thành lũy cũng hoang tàn... chính là đã thấm thía cái hạn hẹp cỏn con của người quê ra tỉnh vậy.
Bùi Tuyết Mai giỏi ở chỗ dám đam mê và rất tự tin. Chị không chỉ tự tin mà rằng: Mùa em/ Mùa bay lẻ/ Nhớ vòng quay con nước/ Ví em như con nai nhỏ hay ra bờ suối. Bùi Tuyết Mai còn kiêu hãnh khi thốt những câu “không phải dạng vừa đâu”: Những người đàn bà như những con ong/ Ru con ạ ời/ Nựng chồng lả lơi/ Yến thắm nồng bầu rượu ngọt/ Và thời gian như con gấu choàng lên vầng trăng đỏ/ Trộm từng hớp mật…(Những người đàn bà)
Bùi Tuyết Mai là như vậy đấy. Khi ngốc nghếch tinh nghịch. Khi kiêu hãnh và sâu sắc tầng tầng. Bùi Tuyết Mai 5 năm, 10 năm, 20 năm không gặp vẫn là như thế. Mặn mà. Đỏng đảnh. Khờ khạo và sâu sắc đan xen chất người Mường Hòa Bình và chất người phố cổ Thăng Long. Bùi Tuyết Mai tận hiến tận tình đến vô cùng tận. Trong một cuộc về quê chị tặng sách cho các em nhỏ ở bản Mường xa, chúng tôi bỗng thấy một Bùi Tuyết Mai thơ bé, chăm chút đến lạ thường. Chị bỗng thật trang nghiêm trước đất quê gốc ngô gốc rạ. Chị như nhánh rau rừng chát chát chua chua tuyệt không rơi rớt chút thị thành. Chị nhẹ nhàng hỏi chuyện các em thơ lấm tấm sắc màu giữa núi rừng xanh biếc. Chị cười như trẻ lên ba trước người mẹ cũng cười vừa xoa đầu mấy “ông con” tộc tệch cũng đã bước sang tuổi ngũ thập chi thiên mệnh. Những lúc như thế, tôi bỗng thấy cuộc sống thật đẹp biết bao.
Sau cuộc ấy chị đã viết về tôi: “Số phận sắp đặt thế nào mà lại để cho cả hai chúng tôi được điều chuyển công tác tuy khác cơ quan nhưng lại ở chung địa bàn Ba Đình, Hà Nội, cạnh Hoàng Thành Thăng Long. Tháng 10 năm 2022, khi tôi ngỏ lời mời Phùng Văn Khai tham gia đoàn văn nghệ sĩ đi tặng sách ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhà văn sốt sắng nhận lời và cho người chuẩn bị sách cùng với danh mục đầy đủ, sẵn sàng lên đường!
Với đôi mắt một mí đen láy đầy chân thành và nụ cười hiền hậu cùng với thâm niên là thư ký họ Phùng hàng chục năm, trong chuyến đi công tác này, nhà văn được các nam phụ lão ấu của địa phương dành cho tình cảm yêu thương đặc biệt nhất. Đang giữa tiệc vui mừng Lễ tặng sách và thành lập Phòng đọc tại xóm Lòng miền núi, tỉnh Hòa Bình thành công, nâng chén chung vui cùng với các văn nghệ sĩ và bà con nhân dân trong xóm, mọi người ngậm ngùi cùng nhắc nhớ cố nhà thơ Quách Ngọc Thiên và Nguyễn Anh Nông. Ngồi cạnh nhà thơ Lê Va, nay đã là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đều rất xúc động.” Bùi Tuyết Mai luôn là như vậy.
Vẫn riêng một tiếng cười - nguồn lệ
Thơ Bùi Tuyết Mai hồn nhiên cũng là tiếng lòng của người phụ nữ có cái nhìn sáng trong tơ tóc trước cuộc sống muôn màu: Chuông Nhà thờ rung trong sương sớm/ Hiện ra một an lành tĩnh lặng trên tán sấu cổ thụ, một trong trẻo heo may quầng sáng đèn đường, một thu thảo âm dương Cửa Bắc, người các vùng mang theo quả ngọt quả thơm rau củ thịt thà và những món quà quê náo nức/ Thăng Long thành đang thu/ Ngôi nhà cổ khói trầm mênh mang vòm gô-tích, tiếng ríu ran chiêm chiếp/ Bầy chim còn trên cây khế/ Một tổ chim xanh…- Em đừng cười chị vốn được gọi tên bản chân là Em Bé Hài Nhi, quá nửa đời đầu non cuối bể đi mây về gió, vài thập niên đón bình minh xứ người nơi mặt trời luôn thức, vẫn giữ nếp nhà xưa thanh bạch, nay trở về cố hương nơi Hoàng Thành Thăng Long cảo thơm lần giở trước đèn… (Bình minh phố cổ).
Và, chúng ta đã có được chất người Mường ở Thăng Long chính từ những gì cụ thể, thật gần.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã rất tinh khi nhận xét: “Thơ của Bùi Tuyết Mai có ba phẩm chất nổi trội và quan trọng. Đó là sự thảng thốt, tính ý tưởng và trí tưởng tượng, và một phẩm chất đương nhiên mà dù chị không cố tình phô bày, nó vẫn cứ nằm trong nhiều câu thơ, đôi khi chi phối toàn bộ bài thơ. Đó là cách cảm, cách nghĩ và thổ ngữ dân tộc Mường của chị”.
Sở dĩ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định như vậy chính là khẳng định cốt cách của người Mường, văn hóa Mường cho dù đi góc bể chân trời vẫn riêng một tiếng cười - nguồn lệ. Chính cái chất văn hóa Mường đậm đặc ấy đã cho Bùi Tuyết Mai một nền tảng vững vàng, riêng biệt, sinh sôi nảy nở ở chốn Kinh kỳ.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai là người rất có trách nhiệm với cộng đồng, với mỗi người cụ thể. Sự khăng khít, trước sau như một của chị với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (như một người cha hiểu biết, bao dung, đồng hành) nhiều chục năm, nhất là những gì nữ nhà thơ đã viết về nhạc sĩ càng cho ta thấy một cốt cách Bùi Tuyết Mai sâu đậm, ân tình.
Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Đình Thi rất thương quý Bùi Tuyết Mai. Đã có những cuộc chuyện trò mà ngôn ngữ đời thường khó mô tả hết. Tài năng đánh thức tài năng. Nghĩa tình khơi dẫn và giúp cho con người lớn cao dài rộng hơn chính mình cũng là một vẻ đẹp của Bùi Tuyết Mai vậy.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai với những khúc đời thường, cuộc sống riêng đều rất chỉn chu, tinh tế. Từ cách thức vẻ ngoài mang mặc đến nhời ăn nhẽ nói đắm say đấy mà cũng nhất mực đoan trang như chính thơ của chị. Trong chặng đường dằng dặc, những mùa xuân, hạ, thu, đông đều đã từ lâu ùa vào và làm nên cốt cách Mường ở đất Kinh Kỳ.
Cái chất Kinh kỳ trong "Bình minh phố cổ" vừa miên man vừa chừng mực đã cho ta hiểu biết thêm về một vẻ đẹp nghệ thuật, vẻ đẹp thơ ca.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai trong tấm lòng bè bạn luôn là người hồn hậu. Phẩm chất của thơ, phẩm chất của người thơ vừa song hành vừa hòa quyện đã làm nên một nét riêng nữ thi sĩ họ Bùi.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Thơ của Bùi Tuyết Mai có ba phẩm chất nổi trội và quan trọng. Đó là sự thảng thốt, tính ý tưởng và trí tưởng tượng, và một phẩm chất đương nhiên mà dù chị không cố tình phô bày, nó vẫn cứ nằm trong nhiều câu thơ, đôi khi chi phối toàn bộ bài thơ. Đó là cách cảm, cách nghĩ và thổ ngữ dân tộc Mường của chị”.