Quý III vẫn thiếu hụt 200.000 con lợn, trong khi Thái Lan đang có dấu hiệu hạn chế xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam. Riêng về công tác tái đàn đến nay vẫn đối mặt không ít khó khăn…Đó tiếp tục là những thách thức về nguồn cung thịt lợn cho thị trường. Ghi nhận của PV, giá lợn hơi ngày 19/7 vẫn duy trì ở mức cao từ 81.000 - 92.000 đồng/kg.
Quý III, vẫn thiếu khoảng 200.000 con lợn
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của ngành chăn nuôi mới đây, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương thông tin: 15 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn có tốc độ tăng đàn lợn trên 66% so với thời trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2020, các DN đã nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời, Bộ chủ quản cũng tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhập khẩu thịt lợn, lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, nguồn cung thịt lợn vẫn thiếu trước hụt sau, dự kiến trong quý III, cả nước vẫn thiếu hụt khoảng 200.000 con lợn. Nguyên nhân được ông Dương phân tích: Đàn lợn nái, lợn con chết và tiêu hủy nhiều trong cao điểm dịch xảy ra trong cả nước từ tháng 5-7/2019. Bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, người giết mổ nhỏ lẻ không trực tiếp mua được lợn thịt từ các doanh nghiệp mà phải qua nhiều khâu trung gian.
Đáng chú ý, việc chỉ đạo các DN cam kết cùng ổn định nguồn cung và giảm giá bán lợn thịt, Cục Chăn nuôi cũng nêu tên các DN chưa hoàn toàn đồng hành cùng với Chính phủ gây ảnh hưởng đến thiếu hụt nguồn cung, như Công ty CJ, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Japfa… khiến cho giá thịt khó kéo giảm.
Mặt khác, giải pháp nhập lợn sống từ Thái Lan cũng bắt đầu gặp khó khi giá lợn tại Thái đang tăng vù vù. Ông Phạm Trần Sum- Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức đang cân nhắc xem có nên nhập lợn Thái nữa hay không, “giá lợn hơi DN tại Thái Lan đang rao bán ở mức cao, khoảng 65.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm Bộ NNPTNT cấp phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam).
Do đó, giá cam kết về đến cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào là 81.000 đồng/kg. Sau khi cộng tiền vận chuyển từ cửa khẩu về trại, chi phí hao hụt, kiểm dịch, lãi suất ngân hàng,… thì giá đội lên thành 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi trung bình trên cả nước đang là 87.000 đồng/kg”- ông Sum so sánh.
Tập trung mọi nguồn lực tái đàn
Khó khăn là vậy nhưng ông Nguyễn Xuân Dương đặt mục tiêu với mặt hàng thịt lợn năm 2020 tăng 15 - 17%. Đồng thời, xác định 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nguồn lực từ con giống, nguồn vốn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn bằng mọi giá, mục tiêu quý IV-2020 phải đủ sản lượng thịt lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Hiện tổng đàn lợn nái cả nước đạt trên 2,9 triệu con, tăng xấp xỉ 7% so với đầu năm 2019, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020, trong đó có 115.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Với đực giống, cả nước hiện có trên 64.000 con, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đặc biệt nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2020 dịch bệnh Covid-19 trên người sẽ còn rất phức tạp, dịch tả lợn châu Phi vẫn luôn tiềm ẩn, do đó, ngành chăn nuôi lợn, cần tiếp tục áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ nhập khẩu con giống, nhập khẩu lợn sống, nhập khẩu thịt kết hợp đẩy mạnh tái đàn chăn nuôi gắn với an toàn sinh học để từng bước chủ động được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước vào cuối quý III, đầu quý IV năm nay.
Người chăn nuôi e ngại tái đàn vì sợ rủi ro
Ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết nguồn cung lợn giống vẫn còn thiếu và giá lợn giống rất cao từ 2,5 đến 3 triệu đồng/con nên nhiều người chăn nuôi e ngại tái đàn vì sợ rủi ro. Theo ông Trọng, với những hộ chăn nuôi khép kín, chủ động được con giống thì giá thành chăn nuôi trên dưới 50.000 đồng/kg, nhưng nếu phải mua giống thì giá thành chăn nuôi ở mức trên 70.000 đồng/kg. Vì thế, mức giá bán thịt lợn hơi phải trên 80.000 đồng/kg mới có lãi.