Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết 78% ca đột quỵ do tăng huyết áp. Trong khi đó, số liệu từ Bộ Y tế cho biết, người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ gấp 2 - 4 lần người bình thường.
Mỡ máu, huyết áp cao, tiểu đường là tác nhân làm xuất hiện mảng bám, cục máu đông khiến tắc nghẽn mạch máu gây đột quỵ.
Các nghiên cứu chỉ ra 87% các cơn đột quỵ do cục máu đông hoặc mảng bám phát triển khiến mạch máu tắc nghẽn, giảm lưu lượng máu đến não gây thiếu máu cục bộ. Đối tượng nguy cơ cao là người lớn tuổi và có bệnh lý về mỡ máu, huyết áp cao, tiểu đường. Những tác nhân này khiến mạch máu phải chịu áp lực lớn, dễ tích tụ mảng bám và hình thành cục máu đông.
Liên quan đến mỡ máu cao, các nghiên cứu cho thấy 1/4 phụ nữ có chỉ số mỡ máu cao ngay từ đầu nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 56% so với 1/4 phụ nữ có chỉ số mỡ máu bình thường.
Không chỉ tác động riêng lẻ, các tác nhân này còn đồng thời xuất hiện, làm tăng nguy cơ mắc phải và mức độ nguy hiểm của đột quỵ. Người bị bệnh tiểu đường nguy cơ bị cao huyết áp gấp đôi người khỏe mạnh. Người bị cả 2 bệnh này nguy cơ bị bệnh tim mạch gấp bốn lần bình thường. Người bị mỡ máu cao dễ gây tích tụ mảng bám ở mạch máu khiến tim phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tăng huyết áp.
Theo thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.
Theo Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.
Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại nước ta do Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc thực hiện với 2.310 người bệnh đã cho thấy những con số đáng báo động. Theo đó, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi, trong đó độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%, thậm chí có những trường hợp chỉ trên dưới 20 tuổi; tỷ lệ nam giới gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài tỷ lệ nữ giới bị đột quỵ nhiều hơn nam giới). Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu nêu trên cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76%, chảy máu não là 24%.
GS.TS Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam lý giải, thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh... của người dân dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng lớn. Chính điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi.
PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, người dân cần chú ý thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao như béo phì, rối loạn mỡ máu, có người thân trong gia đình (cha, mẹ, anh, chị em ruột) bị tiểu đường, phụ nữ sinh con có cân nặng trên 4kg, tiền sử đái tháo đường thai nghén.
Rõ ràng, những căn bệnh không lây nhiễm là mối hiểm họa thật sự cho sức khỏe của mỗi chúng ta và cho cả cộng đồng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần tự thường xuyên theo dõi chỉ số BMI của cơ thể để hạn chế các nguy cơ về béo phì. Bên cạnh đó, nếu có điều kiện, cần thực hiện đo huyết áp, xét nghiệm đường máu tối thiểu 1 lần/năm và tham gia chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh ung thư phổ biến thông qua khám sàng lọc tại các cơ sở y tế.
Theo Hội đột quỵ thế giới, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.