Paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, ngộ độc paracetamol đã trở thành nguyên nhân ngộ độc thường gặp.
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (19 tuổi, Phú Thọ) trong tình trạng mệt lả, đau đầu, chóng mặt sau khi uống 9 viên Paracetamol loại 500mg. 8 giờ sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt lả, đau đầu, chóng mặt được gia đình đưa đến viện điều trị. Do vượt quá thời gian nên việc rửa dạ dày không còn tác dụng.
Các bác sĩ dùng thuốc giải độc và thải trừ paracetamol, theo dõi sát các triệu chứng. Sau 2 ngày điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân ổn định, các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Trước đó, cũng về tác hại do dùng quá liều thuốc giảm đau, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nữ trẻ tuổi, bị ngộ độc nặng thuốc Paracetamol. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tỉnh chậm, da, niêm mạc nhợt, thể trạng suy kiệt, tim nhịp nhanh, phù 2 chi dưới, bụng chướng nhẹ, ấn đau vùng hạ sườn phải.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, 10 giờ trước khi vào viện, người bệnh đã uống cùng lúc 60 viên Paracetamol 500mg. Sau khi uống, người bệnh đau bụng, buồn nôn nên được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.
Các bác sĩ điều trị cho rằng, đây là liều thuốc rất cao, gấp khoảng 30 lần so với liều thông thường trong 1 lần uống ở 1 người lớn 50 kg. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cấp Paracetamol giờ thứ 10 và được điều trị giải độc ngay sau đó.
Paracetamol (tên gọi khác là Acetaminophen) có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Hiện nay, thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn nên người dân có thể dễ dàng mua thuốc tại bất kỳ nhà thuốc, quầy thuốc nào. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, ngộ độc paracetamol đã trở thành nguyên nhân ngộ độc thường gặp.
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ngộ độc paracetamol do một trong hai nhóm nguyên nhân, do chủ động uống quá liều (thường được phát hiện sớm, điều trị kịp thời) và do lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà.
“Trường hợp thứ hai này rất dễ xảy ra, thường với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mạn tính... Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong” - BS Nguyên cho biết.
Ngoài ra, khi lạm dụng các sản phẩm đó, người bệnh có thể bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo, ví dụ quá liều hoặc dùng kéo dài các chất dạng thuốc phiện như codein, tramadol có thể gây ngộ độc ảnh hưởng khả năng thở, táo bón, run tay chân, gây nghiện… quá liều các chất gây co mạch dẫn tới cơn tăng huyết áp, đau tim, ngộ độc các thuốc kháng histamine gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim… quá liều thuốc giảm ho dextromethorphan gây lẫn lôn, ảo giác, hôn mê, nhịp tim nhanh… Với trẻ nhỏ, các thành phần kết hợp này đều có nguy cơ gây thở yếu, ngừng thở.
Theo khuyến cáo, liều paracetamol đường uống ở người lớn trung tình 0,5 – 1g/ lần, 4-6 giờ/lần, tối đa 4g/ngày. Liều gây ngộ độc là 150mg/kg. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ngộ độc là những người chán ăn, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch, uống cùng rượu và một số thuốc an thần, thuốc điều trị lao…
Để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2- 3 viên Paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. Luôn luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol. Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước... Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.